Đóng
 

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:01
18:29  |  19/10/2019

[ĐÁNH GIÁ XE] Lexus RX 350 F Sport 2016 - Chất riêng

Lexus RX 350 F Sport không mang lại cảm giác lái thỏa mãn như xe Đức nhưng mẫu xe này vẫn là lựa chọn tối ưu cho phần đông khách hàng Việt, những người đề cao độ êm ái, yên tĩnh hơn là cảm giác lái.

Bá chủ doanh số

Đâu là mẫu xe gầm cao hạng sang bán chạy nhất Bắc Mỹ? Liệu có phải Range Rover hay Mercedes-Benz GLE, BMW X5? Không phải. Lexus RX là dòng xe thống trị phân khúc xe SUV hạng sang cỡ trung tại thị trường Mỹ, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, dòng RX luôn có doanh số gấp đôi BMW X5, gấp ba GLE, gấp ba Audi Q7. Đây là dòng xe bán chạy nhất của Lexus trên nước Mỹ và toàn cầu kể từ khi nó lần đầu tiên trình làng năm 1998. Khi mà một mẫu xe có doanh số gấp vài lần so với đối thủ tại thị trường đa dạng và khó tính như Mỹ thì chắc chắn đây là 1 dòng xe thành công.

RX có nghĩa là Radiant Crossover. Nếu dịch thô thì sẽ là “chiếc xe gầm cao sang chói” nhưng như thế thì … thô quá! Radiant ở đây có hàm ý là đây là chiếc xe gầm cao đầu tiên của Lexus, và nó sẽ mang lại một tương lai xán lạn cho thương hiệu Lexus trong thế kỷ mới (dòng RX được trình làng vào đầu thế kỷ 21). RX là dòng xe duy nhất bán tại Mỹ mà được sản xuất luôn tại Mỹ, trong khi các mẫu Lexus khác được nhập khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ.

Điều đáng lưu ý nhất là Lexus là hãng xe duy nhất thành công với công thức sang-hóa 1 chiếc xe bình dân với hệ dẫn động cầu trước: Toyota Highlander. Đúng vậy, những người khắt khe sẽ gọi RX 350 là 1 chiếc Highlander sang chảnh và họ không hẳn là vô căn cứ. So với mọi đối thủ cùng phân khúc, chỉ mình Lexus RX có cấu hình dẫn động cầu trước với tùy chọn dẫn động 4 bánh. Điều quan trọng nhất là liệu khách hàng có quan tâm đến điều đó hay không? Câu trả lời là có, nhưng không nhiều người quan tâm. Điều họ cần là 1 chiếc xe bền bỉ, rộng rãi, an toàn và êm ái. Doanh số của Lexus RX 350 so với đối thủ đã chứng minh điều đó.

Ngoại thất độc đáo nhưng chưa đủ tinh tế

So với Lexus RX thế hệ thứ 3, đời 4 này là một phiên bản đầy khác biệt với ngôn ngữ thiết kế hiện đại và cá tính hơn nhiều. Vẫn là các cụm đèn hình chữ L và lưới tản nhiệt hình con suốt nhưng dường như các nhà thiết kế Lexus đã được phép phóng bút một cách táo bạo hơn để tạo nên một chiếc SUV không giống với thứ gì trong phân khúc và tất nhiên, trông chẳng liên quan chút nào với người anh em Highlander.

So với những mẫu RX 350 vốn đã quen thuộc với giới nhà giàu Việt Nam, phiên bản F Sport cũng sở hữu nhiều điểm nhấn khác biệt. Ở phần đầu xe vẫn là cụm đèn LED 3 mảnh cực sắc sảo nhưng mặt ca-lăng với các tấm chắn ngang của bản RX 350 tiêu chuẩn đã được thay thế bởi mặt lưới sơn đen đặc trưng của các phiên bản F Sport. Đây là chi tiết mang lại ngoại hình thể thao cho RX 350 F Sport. Chi tiết này cộng với tấm ốp cản trước cũng khác một chút so với bản thường đã tạo nên bộ mặt rất ấn tượng cho Lexus RX 350 F Sport.

Phiên bản F Sport cũng có bộ la-zăng đa chấu 20 inch khác biệt so với bản tiêu chuẩn. Đồng hành cùng bộ la-zăng đậm chất F Sport này là hệ thống treo được tinh chỉnh để phản ứng nhanh hơn, kiểm soát dao động thân xe tốt hơn. Cụ thể thì so với bản tiêu chuẩn, Lexus đã tăng độ cứng các lò xo ở mỗi bánh và giảm độ cứng của các thanh giảm chấn tương ứng. Đây là một quyết định khá khó hiểu vì thông thường, 2 tiêu chí này sẽ cùng tăng, cùng giảm.

Nếu nhìn kỹ 1 chút thì ta vẫn thấy ẩn sau những bánh xe tuyệt đẹp vẫn là bộ phanh nhìn khá xoàng xĩnh với cùm phanh có chất lượng gia công không hề xứng với xe sang 1 chút nào. Sẽ tốt hơn nếu Lexus trang bị cho RX 350 F Sport bộ phanh to và đẹp hơn. Tôi cũng thấy hệ thống cảm biến va chạm ở đầu xe chỉ có 4 chiếc, bị thiếu 2 chiếc ở vòm bánh xe trước nếu so với xe Đức. Thực sự, Lexus có thể tạo ra một chiếc xe có ngoại hình độc đáo nhưng xét về độ tinh tế, xe Nhật vẫn thua xe Đức một bậc.

Phần đuôi xe cũng phản ánh sự “kém tinh tế” của Lexus RX 350 F Sport và chính xác hơn, nó thể hiện ở cụm đèn hậu. Đèn hậu hoàn toàn dạng LED nhưng cái cách đèn xi-nhan chạy từ trong ra ngoài khiến tôi thấy hơi kém tinh tế hơn loại đèn tương tự của Audi. Các mắt LED to hơn, thưa hơn so với Audi và hiệu ứng chạy cũng không được mượt mà như đèn xi-nhan của Audi. Tất nhiên, đây chỉ là 1 chi tiết nhỏ và không phải ai cũng quan tâm tới điều đó. Cá nhân tôi cũng không thích kiểu ống xả bé tí tẹo nhưng được bọc trong miếng ốp cách nhiệt hình thoi cực lớn của RX 350.

Nhân tiện nhắc đến sự tinh tế thì tôi lại phải nói đến cụm đèn pha LED của Lexus. Đèn cực kỳ sáng, sáng đến mức gây chói mắt cho lái xe phía trước! Cá nhân tôi đã từng bị một vài lái xe RX 350 nháy pha đến chói mắt một vài lần khi đi trên đường. So với các mẫu xe Đức, cụm đèn của Lexus RX 350 không hề kém về độ sáng, nhưng chính cường độ sáng quá thừa thãi, cộng với sự thiếu vắng công nghệ chia luồng sáng chủ động để tránh làm chói mắt xe đối diện và ý thức lái xe của một số cá nhân khiến việc gặp 1 chiếc RX 350 buổi tối thực sự là 1 điều khó chịu. Tôi đoán rằng Lexus không trang bị khả năng chỉnh luồng sáng cho RX 350 là vì đây là dòng xe trọng điểm tại Mỹ và thị trường này mới chỉ cho phép công nghệ đèn LED thông minh trong khoảng 1,2 năm gần đây.

Dù vậy, bỏ qua những điểm hơi thô ráp thì phải công nhận rằng Lexus RX 350 F Sport là một trong những mẫu SUV có ngoại hình độc đáo và khác biệt nhất hiện nay. Đây là chiếc xe không hẳn là đẹp trong mắt mọi người nhìn, nhưng nó làm rất tốt việc tạo ra dấu ấn khác biệt. Bạn không thể nhầm lẫn RX 350 với 1 chiếc xe nào khác.

Nội thất rộng rãi

Độ rộng của khoang cabin Lexus RX350 F Sport là điều không phải bàn cãi. Chính thiết kế với khung gầm có nguồn gốc từ 1 chiếc xe dẫn động cầu trước (Toyota Highlander) nên dòng RX của Lexus có không gian nội thất rộng rãi hơn hẳn so với những đối thủ chính như BMW X5 hay Mercedes-Benz GLE. Không tin ư? Chúng ta hãy cùng so sánh.

Lexus RX 350 F Sport có hàng ghế trước rất rộng rãi với các thông số như sau: khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe (headroom) đạt 1.000 mm, không quá nổi bật so với GLE 2020 (1.028 mm) và BMW X5 2019 (1.036 mm) dù phải nói thêm rằng, với 1.000 mm headroom, gần như ít có người Việt Nam nào cảm thấy thiếu khoảng trống trên đầu khi ngồi lái Lexus. Thứ mà mẫu xe Nhật vượt trội so với 2 đối thủ Đức ở hàng ghế trước là khoảng đặt chân, lên tới 1.120 mm, trong khi GLE đạt 1.023 mm, X5 là 1.010 mm. Những thông số tương tự ở hàng ghế thứ 2 giữa 3 xe là tương đồng và cả 3 đều có thể chở 3 người ở hàng ghế này tương đối thoải mái.

Điều đáng lưu ý là dù có trục cơ sở ngắn hơn hẳn so với 2 đối thủ trên (2.790 mm so với 2.994 của GLE và 2.975 mm của X5) nhưng Lexus RX vẫn có khoang nội thất rất rộng rãi tương đương. Nguyên nhân là xe dẫn động cầu trước (hoặc AWD gốc cầu trước) sẽ không tốn 1 khoảng diện tích “chết” để phục vụ động cơ đặt dọc thân xe giống như xe dẫn động cầu sau (hoặc AWD gốc cầu sau) như GLE hay X5.


"Đầu ngắn" là đặc trưng của xe dẫn động cầu trước

Nói cách khác, khoảng chênh lệch về trục cơ sở lên đến 200 mm kia sẽ được các hãng xe sử dụng với mục đích khác nhau: Lexus đặt động cơ nằm ngang để tối đa không gian cabin, trong khi Mercedes và BMW phục vụ khối động cơ đặt dọc. Cá nhân tôi thích tỷ lệ thiết kế của xe dẫn động cầu sau hơn và nói khái quát thì xe cầu sau sẽ có trải nghiệm lái thích thú hơn nhưng tôi cũng phải dành lời khen cho Lexus với nỗ lực tối đa không gian nội thất dành cho tệp khách hàng chính của họ - những người gần như không quan tâm đến trải nghiệm lái.

Vậy còn về thiết kế khoang cabin, các tiện ích và chất lượng vật liệu, gia công thì sao? Hãy liệt kê những thứ tôi thích trước rồi đến những điểm tôi chưa “ưng”. Điều đầu tiên khiến tôi thích chiếc Lexus này là thiết kế tổng thể của khoang cabin. Các chi tiết nhôm, da, gỗ, nhựa mềm được sắp đặt một cách uyển chuyển với sự hòa quyện tuyệt đẹp, tạo nên một thiết kế tổng hòa toát lên được sự sang trọng cần thiết của 1 chiếc xe nhiều tỷ đồng. Tôi cũng rất thích chiếc đồng hồ cơ có hình dáng cổ điển đặt giữa bảng táp lô – chi tiết này dường như rất đồng điệu với cá tính và gu thẩm mỹ của 1 chủ xe Lexus: không quá phô trương, không chạy theo xu hướng thời thượng nhưng ở họ toát lên sự tự tin và vẻ uy quyền đặc trưng của những người có địa vị xã hội. Ước gì ngoại thất Lexus RX cũng có được sự đĩnh đạc và quyền uy như phần nội thất!

Các chi tiết da trên vô lăng và phần ghế ngồi cũng là điều khiến tôi cảm thấy hài lòng. Vô lăng bọc da Nappa có đột lỗ, mang lại chút cá tính thể thao khác biệt cho phiên bản F Sport. Ghế ngồi cũng được đột lỗ và phối màu thể thao hơn so với các bản 350 và 350L.

Chất lượng da ở các vị trí còn lại trong xe RX 350 F Sport cũng có chất lượng cao, nhưng đáng tiếc là nếu chọn phiên bản F Sport thì khách hàng sẽ không được sở hữu loại da semi-analine hảo hạng trong gói tùy chọn Luxury Package dành cho RX 350 và RX 350L.

Cụm đồng hồ điện tử dành riêng cho bản F Sport cũng là ưu điểm trong mắt tôi. Nằm nổi bật ở giữa là 1 đồng hồ điện tử hình tròn, hiển thị tua vòng máy. Đây là kiểu làm đồng hồ lấy cảm hứng từ siêu xe Lexus LF-A và tôi thích điều đó. Bên cạnh là những màn hình phụ hiển thị các thông tin hoạt động khác. Chỉ tiếc là F Sport không phải là phiên bản quá khác biệt so với RX 350 tiêu chuẩn khi so sánh hiệu năng hoạt động, tôi sẽ phân tích chi tiết ở phần trải nghiệm.

Vậy những thứ tôi chưa thích ở phần nội thất? Đó là rất nhiều nút nhựa rải rác trên vô lăng và bảng táp lô. Chúng dường như được bê nguyên từ những xe Toyota sang chiếc RX. Về mặt công năng thì không có gì phải phàn nàn, nhưng nếu bỏ ra 3, 4 tỷ đồng để mua xe, rõ ràng khách hàng của Lexus có quyền đòi hỏi những nút bấm đẹp, sang hơn. Về khoản này, tôi đánh giá cao những mẫu xe đến từ Đức hơn.

Hệ thông tin giải trí Enform của Lexus không chỉ đi kèm màn hình có độ phân giải rất tệ, không cảm ứng, đi kèm con trỏ điều khiển dở tệ mà Enform cũng không hỗ trợ Apple Carplay và Android Auto. Màn hình giữa táp lô có kích thước rất lớn, xấp xỉ 12 inch nhưng độ phân giải và giao diện đều kém các đối thủ Đức khá nhiều. Cá nhân tôi đã phát bực khi cố điều khiển con trỏ ở bảng điều khiển. Chỉ những tác vụ rất đơn giản như đổi kênh FM cũng khiến tôi loay hoay và mất tập trung khi lái xe.

Tất nhiên, tôi có thể dùng các nút bấm trên vô lăng nhưng điều đó không có nghĩa là Lexus có quyền thiết kế cụm điều khiển trung tâm một cách bất hợp lý. Thêm một lần nữa, những hệ thống điều khiển như iDrive của BMW hay COMMAND của Mercedes có độ hiệu quả tốt hơn. Bù lại thì xe có hệ thống âm thanh Mark Levinson Premium Surround rất “xịn” (15 loa vệ tinh, tổng công suất 835 watt). Tùy chọn âm thanh cao cấp này có giá hơn 3.000 USB tại Mỹ.

Nhìn chung thì khoang nội thất của Lexus vẫn xứng tầm xe sang nhưng vẫn tồn tại một vài điểm trừ không đáng có. Điều đấy khiến Lexus RX 350 tụt hậu so với các đối thủ châu Âu và có lẽ phải sang đầu năm sau thì dòng RX nâng cấp giữa dòng đời sản phẩm (facelift) mới có mặt tại Việt Nam.

Trải nghiệm không dành cho kẻ mê lái

Tôi biết nhóm khách hàng của Lexus hơi khác biệt so với Mercedes hay BMW nên tôi đã trải nghiệm chiếc RX 350 F Sport này với vị trí hành khách trước khi trực tiếp cầm lái. Là hành khách trên xe, thực sự thì khó có thể tìm ra thứ để chê RX 350 F Sport. Tiếng đóng cửa rất đầm, ghế ngồi êm, có làm mát, sưởi ấm, điều hòa mát rượi – quá thoải mái để ngồi thư giãn và nghĩ về những hợp đồng sắp ký (đùa thôi, tôi chỉ là anh phóng viên quèn làm công ăn lương!). Lái xe vào số và lướt đi êm ái, gần như không thể nghe thấy bất kỳ tiếng ồn hay sự rung lắc nào từ hệ thống truyền động: khối động cơ V6 nạp khí tự nhiên và hộp số 8 cấp gần như tĩnh lặng! Có thể khẳng định rằng khả năng cách âm luôn là thế mạnh tuyệt vời của mọi mẫu xe Lexus. Khá đáng tiếc là Lexus RX 350 F Sport không có cửa hít.

Vậy trải nghiệm ở ghế lái thì sao? Cảm giác mặt đường ở vô lăng gần như không tồn tại, dù vô lăng xe có tỷ số truyền tương đối nhạy (hết lái trái phải chỉ 2,8 vòng quay) và được trợ lực vừa phải nên khá đầm chắc. Tuy nhiên, với khách hàng của Lexus thì cảm giác vô lăng là thứ chẳng mấy quan trọng và hãng xe Nhật thừa hiểu điều đó.

Với tâm thế của 1 người mê lái xe, tôi không thấy RX 350 F Sport phù hợp với mình và sẽ không chọn nó (tất nhiên là nếu may mắn có đủ tiền mua SUV nhiều tỷ đồng, trúng Vietlot chẳng hạn!). Lexus RX 350 F Sport chia sẻ chung động cơ V6 3.5L nạp khí tự nhiên với các phiên bản RX khác nhưng công suất khác nhau một chút. RX 350L 290 mã lực, 356 Nm trong khi RX 350 F Sport đạt 295 mã lực, 360 Nm.

Phiên bản F Sport được lắp ráp trên khung gầm tiêu chuẩn nên nhẹ hơn bản RX 350L 7 chỗ khoảng 105 kg (1.990 kg so với 2.095 kg). Dù có hệ thống treo được tinh chỉnh 1 chút và một vài chi tiết mang tính thẩm mỹ như lẫy chuyển số sau vô lăng nhưng bản F Sport thực sự chưa xứng đáng với chữ “Sport” trong tên gọi của nó. Tôi gọi nó là F(ake) Sport! -              

RX350L tăng tốc 0-100 km/h trong khoảng 8,5 giây, trong khi bản F Sport cần khoảng 8,2 giây, nhanh hơn nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với các mẫu xe châu Âu. Cả 2 đều có thể đạt tốc độ tối đa 200 km/h.


F(ake) Sport!

Những thông số hoạt động này không mấy ấn tượng trước các đối thủ Đức nhưng nếu bạn quan tâm đến trải nghiệm lái phấn khích thì RX không phù hợp với bạn. Nó phục vụ nhóm khách hàng khác hoàn toàn. Những chi tiết nhỏ như chân ga, chân phanh hời hợt hay động cơ V6 không quá mãnh liệt ở dải tua trung và cao càng khiến những kẻ mê lái loại ngay RX 350 F Sport khỏi danh sách mẫu xe mơ ước.

Kết cấu hệ thống treo của dòng RX khá lạ kỳ với kết cấu McPherson phía trước và tay đòn kép phía sau, trong khi tất cả đối thủ đến từ Đức đều chọn kết cấu tay đòn kép phía trước, kết nối đa điểm phía sau. Có lẽ đây là một quyết định mang tính cắt giảm chi phí nghiên cứu và sản xuất của Lexus. Nên nhớ, RX được sản xuất dựa trên nền tảng của Highlander nên sẽ rất tốn tiền để tái thiết kế hệ thống treo của RX. Hệ thống treo này khiến xe hoạt động rất êm ái nhưng khi vào cua với tốc độ hơi cao một chút, RX 350 F Sport ngay lập tức “hụt hơi” so với những chiếc xe lái hay trong phân khúc, BMW X5 chẳng hạn.

Kết luận

Tôi nghĩ rằng dòng RX dành cho những khách hàng đã và đang sử dụng xe của Toyota/Lexus. Họ là nhóm khách hàng trung thành, vô cùng hài lòng với chất lượng xe và dịch vụ sau bán hàng của Lexus. Thế mạnh của Toyota/Lexus là độ bền bỉ, đáng tin cậy của những mẫu xe họ bán ra, cộng với giá trị thanh khoản cực cao của các mẫu xe cũ – hãy cứ so sánh giá bán của những mẫu Lexus cũ với xe Đức cùng độ tuổi để thấy sự khác biệt. Dòng RX đời thứ 4 tiếp tục phát huy những thế mạnh này của hãng xe Nhật. Cá nhân tôi sẽ không chọn Lexus RX nếu may mắn có cơ hội mua xe gầm cao tiền tỷ, nhưng sau khi trải nghiệm dòng xe “thần thánh” này, tôi hoàn toàn hiểu được vì sao đây là mẫu crossover hạng sang thống trị phân khúc tại Việt Nam (và tại Mỹ nữa!).

Điểm: 8/10

Ưu điểm:

- Thiết kế khác biệt
- Êm ái, yên tĩnh
- Sở hữu mọi ưu điểm đặc trưng của xe Lexus

Nhược điểm:

- Nhiều chi tiết nội thất chưa xứng tầm
- Hiệu năng kém đối thủ trực tiếp
- Tốn xăng

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)   

Tags: Lexus   Xe sang   SUV    Lexus RX350    RX350   CUV   xe Nhật