Đóng
 

Thứ năm, 28/03/2024 | 22:19
22:44  |  22/02/2019

[Kỹ thuật] Công tác hậu cần cho giải F1 - Cuộc đua ngoài đường đua

Chiến thắng trên đường đua không chỉ đến từ tài năng của Lewis Hamilton hay Sebastian Vettel, nó còn đến từ nỗ lực của hàng trăm con người làm công tác hậu cần cho mỗi đội đua. Hãy cùng tìm hiểu cuộc đua logistics bên ngoài đường đua của 10 đội F1 trong mùa giải 2018 vừa qua.

Không có môn thể thao nào mà công tác hậu cần có vai trò tối quan trọng như giải đua Công thức 1 (F1). Những tay đua đỉnh cao chỉ là một nửa trong công thức chiến thắng, nửa còn lại là chiếc xe và đội ngũ hỗ trợ nó. Sự thành hay bại, chiến thắng nay không thể cán đích đều dựa vào việc có được món phụ tùng cần thiết trong những tình huống cấp bách nhất.

Đua xe là một môn thể thao, nhưng đó cũng là một công việc kinh doanh. Mỗi đội đua là một cá thể kinh doanh và bắt buộc phải tạo ra lợi nhuận. Trong tổng số 10 đội đua đang hoạt động hiện nay, đội Scuderia Ferrari hiện đang được định giá cao nhất: trên 1,3 tỉ USD, trong khi đội “rẻ” nhất là HAAS F1 được định giá hơn 100 triệu USD. Những đội “đại gia” như Ferrari hay Mercedes có đủ tiềm lực tài chính để chuẩn bị nhiều phụ tùng và nhân lực hơn – điều đó có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc bước lên bục podium và không thể cán đích vì hỏng xe.

Công thức 1 là môn thể thao “quốc tế” nhất hiện nay. Trong mùa giải 2018 vừa rồi, 10 đội đua đã di chuyển liên tục khắp 5 châu lục để tham dự 21 chặng đua, đôi khi khoảng thời gian giữa 2 chặng đua kế tiếp chỉ là đúng 1 tuần lễ! Để có thể thực hiện show diễn lưu động này, hàng tá tàu biển, xe container và máy bay được huy động để thực hiện công tác hậu cần. Điều thú vị là dù những cuộc đua diễn ra trên mọi châu lục nhưng nhìn chung, F1 là môn thể thao của châu Âu. 9 trong số 10 đội đua đặt đại bản doanh tại châu Âu, và đội HAAS có trụ sở chính tại Mỹ nhưng cũng đặt 1 trụ sở phụ tại nước Anh để đội ngũ nhân viên không phải di chuyển xuyên châu lục để tham gia những chặng đua tại châu Âu. Bước sang mùa giải 2019, đội đua Force India của Ấn Độ đã đổi tên thành Racing Point và vẫn đặt trụ sở tại Silverstone, Anh Quốc. Như vậy, F1 dường như là cuộc đua của người châu Âu!


Căn nhà di động của đội đua Red Bull

Cũng chính vì đa số những chặng đua đều diễn ra tại lục địa già nên công tác hậu cần là tương đối dễ dàng vì các đội đua có thể dùng xe tải để di chuyển đồ đạc, trang thiết bị. Việc vận chuyển bằng xe tải là rất, rất rẻ so với di chuyển bằng máy bay nên những đội đua F1 thường mang rất nhiều thiết bị giữa những chặng đua châu Âu. Những đội “thường” sẽ mang đủ thiết bị với những căn phòng di động, được biết đến là “motorhome”, còn các đội “đại gia” như Redbull sẽ bê nguyên cả một căn nhà 3 tầng đến mỗi trường đua với đầy đủ khu văn phòng, quán bar, nhà hàng với đầu bếp riêng! Tất cả những bộ phận cấu thành nên văn phòng di động này được gói gọn vào những chiếc xe tải và có thể được lắp ráp hoàn thiện chỉ trong 2 ngày. Bên cạnh văn phòng di động, xe đua, phụ tùng dự phòng, các thiết bị điện v.v.. được vận chuyển xuyên châu Âu bằng những chiếc xe tải cần mẫn. Trung bình, mỗi đội đua sẽ sở hữu khoảng 10 đến 15 chiếc xe tải để phục vụ công tác hậu cần.

Thông thường, những chặng F1 tại châu Âu được tổ chức mỗi tháng 2 lần vào ngày chủ nhật nên các đội đua sẽ có khá nhiều thời gian để vận chuyển đồ đạc, có mặt tại trường đua tiếp theo vào ngày thứ 5. Tuy nhiên, có những chặng đua được tổ chức vào 2 tuần liên tiếp nên các đội đua chỉ có đúng 3 ngày để tháo dỡ, vận chuyển và lắp ráp cơ sở vật chất tại trường đua tiếp theo. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Trong mùa giải 2018 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, có 3 chặng đua được tổ chức vào 3 tuần liên tiếp! Ngày 24/6, chặng đua tại Pháp được tổ chức tại đường đua Circuit Paul Ricard ở Le Castellet. Ngay ngày cuối tuần sau đó, 1/7, chặng đua tại Áo được tổ chức tại đường đua Red Bull Ring ở Spielberg và ngày cuối tuần tiếp theo, 8/7, chặng đua tại Anh được tổ chức ở đường đua Silverstone Circuit. Việc di chuyển giữa 2 chặng Áo – Anh là khó khăn và mệt mỏi nhất khi các đội đua phải di chuyển gần 1.600 km, bao gồm cả việc phải đi dưới đường hầm xuyên biển Channel Tunnel kết nối nước Anh và phần còn lại của châu Âu. Mỗi chiếc xe tải cần tới 3 tài xế để thay phiên nhau cầm lái. Nhờ đó, xe có thể di chuyển liên tục mà chỉ phải dừng lại để đổ dầu.


Những chặng đua ngoài châu Âu

Tuy 3 chặng Pháp – Áo – Anh cũng đã cho thấy áp lực hậu cần cực lớn nhưng chúng cũng chưa là gì so với những chặng đua được tổ chức ngoài châu Âu, được gọi là “flyaway race”. Cũng giống như các chặng tại châu Âu, hầu hết những chặng đua ngoài châu Âu cũng được tổ chức 2 tháng 1 lần. Tuy nhiên, cũng có một số chặng được lên kế hoạch vào 2 ngày chủ nhật liên tiếp. Tức là các đội đua chỉ có đúng 1 tuần để tham dự những chặng đua cách nhau hàng ngàn kilô-mét!

Những chặng đua đó là thử thách khó khăn nhất trong mỗi mua giải Công thức 1. Chủ nhật ngày 8/4/2018, chặng đua tại Bahrain được tổ chức tại Sakhir và đúng 7 ngày sau đó, chặng đua tại Trung Quốc được tổ chức tại Thượng Hải, cách Bahrain hơn 6.500 kilô-mét. Dù khoảng cách địa lý lớn như vậy nhưng cũng giống với các chặng khác, mọi thứ phải được tháo dỡ xong vào tối chủ nhật tại Bahrain và được lắp ráp hoàn thiện tại Trung Quốc vào sáng thứ 5 tuần tiếp theo. Tồi tệ hơn, Thượng Hải có múi giờ nhanh hơn Sakhir 5 tiếng, tức là các đội đua lại càng có ít thời gian hơn. Vì lẽ đó, chặng đua này được lên kế hoạch hậu cần từ vài tháng trước đó để đảm bảo mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch.

Ngay từ tháng 1 hàng năm, tức là hơn 2 tháng trước khi chặng đua mở màn mùa giải diễn ra, 10 đội đua F1 đã đóng gói sẵn 5 bộ phụ kiện giống hệt nhau được đặt vào những chiếc container cỡ tiêu chuẩn. Những chiếc container này chứa những dụng cụ thông thường như bàn ghế, các thiết bị điện dân dụng, dụng cụ nấu ăn và một số bộ phận dùng để lắp ráp gara của mỗi đội. Họ dùng tàu biển để di chuyển những container này vì nó rẻ hơn rất nhiều so với vận chuyển hàng không. Số lượng container trong mỗi bộ phụ kiện của các đội đua là không giống nhau, các đội đua giàu hơn sẽ dùng nhiều đồ đạc hơn, nhưng trung bình thì mỗi đội sẽ cần khoảng 3 thùng container cho mỗi bộ phụ kiện.

Tất nhiên, vận chuyển bằng tàu biển chậm hơn nhiều so với hàng không, nhưng vì mỗi đội có tới 5 bộ phụ kiện sẵn sàng ngày từ tháng 1 nên họ có đủ thời gian để chuyển 5 bộ này đến 5 địa điểm đầu tiên diễn ra chặng đua ngoài châu Âu: Melbourne (Australia), Thượng Hải (Trung Quốc), Sakhir (Bahrain), Baku (Azerbaijan) và Montreal (Canada).

Sau khi những chặng đua ở 5 địa điểm trên kết thúc, những bộ phụ kiện này được đóng gói lại và chuyển đến 5 địa điểm tiếp theo: bộ ở Melbourne được chuyển đến Singapore, bộ ở Thượng Hải chuyển đến Suzuka (Nhật Bản), bộ ở Sakhir chuyển đến Sochi (Nga), bộ ở Baku chuyển đến Elroy (Mỹ) và bộ ở Montreal chuyển đến Mexico. Khi 10 chặng đua “flyaway” này kết thúc, những bộ phụ kiện này được chuyển về trụ sở của 10 đội đua tại châu Âu.

Thông thường, Giám đốc hậu cần của mỗi đội đua sẽ lên kế hoạch tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc ngay trong khi cuộc đua diễn ra nhưng đối với những chặng di chuyển dài như Bahrain – Trung Quốc, kế hoạch hậu cần bắt đầu ngay từ thứ sáu, tức là 2 ngày trước khi cuộc đua chính thức diễn ra. Họ phải ra kế hoạch xem món đồ nào xếp vào container nào, trình tự ra sao v.v.. Vào buổi sáng chủ nhật, việc xếp đồ đã diễn ra ngay cả khi những chiếc xe F1 chưa lăn bánh. Rất nhiều bộ phận dự phòng không được thay thế trong cuộc đua, ví dụ như động cơ. Vì thế, những bộ phận này sẽ được xếp vào thùng đầu tiên.

Không có quá nhiều hoạt động diễn ra trong cuộc đua, nhưng chỉ khoảng 15 phút sau màn ăn mừng của đội chiến thắng, cuộc đua “thu dọn chiến trường” thực sự bắt đầu. Những chiếc xe F1 phải trải qua một cuộc kiểm tra sau khi đua để đảm bảo chúng tuân thủ quy định của ban tổ chức, không được thêm thắt những bộ phận gian lận. Trong khi các nhà giám sát kiểm tra xe đua, tất tần tật những thứ khác ngay lập tức được xếp vào container. Những trang thiết bị quan trọng nhất được xếp vào 3 thùng đồ ưu tiên – mỗi đội chỉ được 3 thùng đồ mà thôi. Chỉ vài giờ sau khi cuộc đua kết thúc, những thùng đồ này được chuyển ngay đến sân bay ở Sakhir. Sáng sớm hôm sau, 30 thùng đồ này sẽ lên ngay chuyến bay sớm nhất đến Thượng Hải. Trở lại đường đua ở Sakhir, tất cả đồ đạc của các đội cũng được đóng gói và chuyển đến sân bay Sakhir khoảng 8 tiếng sau khi cuộc đua kết thúc. Khi những đồ đạc này đến sân bay thì cũng là lúc 30 thùng đồ ưu tiên bắt đầu cất cánh đến Thượng Hải.

Sáng thứ 2, 6 chiếc Boeing 747 chuyên chở đồ ưu tiên cho giải F1 đã ở độ cao 10.000 mét. Những chiếc 747 này được ban tổ chức đặt riêng chỉ để vận chuyển đồ đạc cho các đội đua nhưng 10 đội vẫn phải trải tiền phí. Cũng trong buổi sáng thứ 2, nhân viên của các đội đua cũng dần lên máy bay hướng đến Thượng Hải. Những thành viên thông thường sẽ bay các chuyến bay thương mại như bao khách du lịch khác, trong khi các tay đua và “sếp” sẽ đi phi cơ riêng.

Sau khoảng 9 giờ bay, những chiếc 747 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phố Đông - Thượng Hải. Nửa đêm ngày thứ 2, những thùng đồ ưu tiên sẽ hoàn tất thủ tục thông quan và được chuyển đến Trường đua Quốc tế Thượng Hải. Tại trường đua, những nhân viên hậu cần sẽ làm việc xuyên đêm để sắp xếp những gói đồ vào đúng vị trí của từng đội đua. Không đội nào được phép tháo dỡ đồ của họ cho đến khi tất cả gói đồ được chuyển đến. Điều này nhằm đảm bảo công bằng giữa các đội và cũng để chắc rằng những đội đua sẽ không bị đội khác “nhìn trộm” và lộ bí mật của họ.

Sáng thứ 3, cuộc đua của đội hậu cần lại tiếp diễn. Lúc này, mỗi đội có 3 thùng đồ ưu tiên và 3 thùng container được vận chuyển bằng tàu biển. Họ không đặt những thiết bị giá trị nhất vào 3 thùng đồ ưu tiên mà mỗi đội sẽ ưu tiên vận chuyển những đồ đạc họ cần để dựng gara. Đó là những tấm tường di động, hệ thống phát điện và những thiết bị liên lạc, màn hình v.v.. Chỉ đến tối thứ 3, phần khung gara của mỗi đội cơ bản là đã được dựng xong và trường đua lại được đóng cửa để tránh những ánh mắt dòm ngó khi những container cuối cùng của các đội đua được chuyển đến.

Khoảng 6 giờ sáng thứ 4, các đội đua trở lại trường đua và hoàn thiện công việc lắp ráp gara của họ. Đến khoảng 10 giờ sáng, tất cả gara của mỗi đội đều đã có thể hoạt động trơn tru. Tựu chung lại, cả 10 đội đua F1 có thể gói ghém tất cả đồ đạc và set up gara của họ tại trường đua Thượng Hải chỉ trong khoảng 58 giờ đồng hồ!

Nhờ vào lịch trình chặt chẽ và những nhân viên chuyên nghiệp, 10 đội F1 có thể thực hiện hàng chục cuộc đua mỗi năm trên khắp 5 châu mà không gián đoạn 1 chút nào. Hy vọng bài viết này đã cho bạn một góc nhìn khác về F1, giải đua xe hấp dẫn nhất thế giới. Giải đua Công thức 1 sẽ sớm có mặt tại Việt Nam, địa điểm lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ F1 thế giới. Khi được tận mắt chứng kiến đội đua F1 mình yêu thích, bạn nên cổ vũ cho cả đội đua chứ không chỉ 2 tay đua chính. Nên nhớ, những con người phía sau hậu trường cũng đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của toàn đội đua!

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)     

Tags: Mercedes-Benz   Ferrari    đua xe   Lotus   McLaren   Renault    F1   Racing   kỹ thuật