Đóng
 

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:42
14:09  |  25/03/2020

Bị tước quyền sử dụng GPLX, cố tình khai báo gian dối xin cấp lại sẽ bị phạt nặng

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với một số lỗi vi phạm giao thông, cá nhân vi phạm không chỉ bị phạt tiền mà còn bị tạm giữ, tước quyền sử dụng GPLX tới 24 tháng. Do đó, một số người đã “bỏ” GPLX đang bị tạm giữ/tước quyền sử dụng để thi, xin cấp lại GPLX.

Các lỗi vi phạm bị tước quyền sử dụng GPLX thường gặp là đi ngược chiều, điều khiển xe chạy quá tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh người điều khiển giao thông, vi phạm nồng độ cồn… Khi bị lập biên bản và bị xử phạt với mức phạt cao, một số cá nhân đã viện cớ mất GPLX để xin cấp lại hoặc thi lại GPLX ở nơi khác.

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ GPLX được áp dụng trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về giao thông cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Trong thời hạn bị CSGT tạm giữ GPLX, người vi phạm vẫn được điều khiển phương tiện.

Còn tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, trong đó có việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy, tạm giữ GPLX hay tước GPLX là một những chế tài hành chính áp dụng đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm pháp luật. Do vậy, về nguyên tắc, khi chưa hết thời hạn bị phạt thì người vi phạt không được học, thi và cấp giấy phép lái xe mới.

Mặt khác theo, Khoản 2, Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về việc cấp lại giấy phép lái xe, người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

Nếu cá nhân nào bị tạm giữ, bị tước quyền sử dụng GPLX mà cố tình nộp hồ sơ thi lại, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra tính xác thực của bằng lái xem có mất thật hay không và kiểm tra các dữ liệu liên quan. 

Về chế tài xử lý, theo Khoản 3 Điều 37 Nghị định 100/2019, cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu các giấy tờ, tài liệu giả mạo đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại.

Điều đáng lưu ý là, khi cá nhân khai báo gian dối để được cấp GPLX thì GPLX được cấp lại dù có chung số với GPLX cũ, nhưng số phôi hoàn toàn khác. Trong cơ sở dữ liệu của CSGT chỉ lưu lại số phôi của GPLX được cấp lần cuối cùng nên nếu cá nhân sử dụng GPLX báo mất sẽ bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý theo quy định.

Huệ Linh (ANTĐ)