Đóng
 

Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:53
20:46  |  24/03/2019

[Hãng xe] Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 2)

Bất kỳ ai cố gắng thành lập một công ty xe hơi tại Mỹ đều sẽ được nhắc nhở rằng công ty cuối cùng khởi nghiệp thành công trong ngành này là Chrysler vào năm 1925. Thế nhưng, những gã khờ lập nên Tesla đã chứng minh rằng tất cả đã sai và xe điện mới là tương lai của ngành công nghiệp vận tải.

Tesla - Sự trả thù của xe điện (Phần 1)

Phần 2: Khó khăn ngay từ những ngày đầu tiên

Straubel trở về đại học Stanford và kể về Tesla, về Musk cho những cậu sinh viên háu đói ở trường. Gene Berdichevsky, một thành viên trong đội chế tạo xe chạy pin mặt trời tại Stanford, vụt sáng ngời mắt khi hay tin này từ Straubel. Chàng sinh viên chưa tốt nghiệp Berdichevsky đã tự nguyện xin thôi học và sẵn sàng quét dọn văn phòng chỉ để làm việc cho Tesla. Điều này khiến anh rất khó xử khi phải gọi điện thông báo cho cha mẹ mình – những người di dân từ Nga vốn là kỹ sư tàu ngầm hạt nhân – rằng anh đã bỏ ngang Stanford và đầu quân cho một công ty khởi nghiệp làm xe điện. Là nhân viên thứ bảy của công ty, Berdichevsky dành một phần thời gian làm việc tại văn phòng ở Menlo Park và phần còn lại tại phòng khách nhà Straubel, thiết kế mô hình hệ thống truyền động và dựng nguyên mẫu bộ pin của xe Tesla. “Đúng vậy, chỉ bây giờ tôi mới nhận ra nó điên rồ tới mức nào!”, Berdichevsky kể lại.

Tesla cần một nơi làm việc tốt hơn và đã thuê một khu nhà xưởng 2 tầng tại San Carlos. 930 m² không phải là quá rộng, nhưng đủ để xây dựng một xưởng R&D và phát triển một vài chiếc xe nguyên mẫu. Nguyên mẫu đầu tiên là Roadster và kế hoạch sản xuất nó ban đầu nghe rất đơn giản: Tesla sẽ lấy hệ thống bánh răng truyền động từ chiếc Tzero của AC Propulsion rồi gắn nó vào khung xe Lotus Elise và bùm! Thế là xong!

Nhóm dựng xe nguyên mẫu bao gồm Straubel, Berdichevsky và David Lyons, một kỹ sư thông minh, nhân viên thứ 12 của Tesla. Trong khi các nhóm kỹ sư khác nghiên cứu phần mềm của chiếc Lotus Elise để hiểu nguyên lý hoạt động của nó, bộ ba kể trên chịu trách nhiệm thiết kế bộ pin xe. Chưa ai từng thử kết hợp hàng trăm khối pin lithium-ion song sogn với nhau, và Tesla sẽ mở lối tiên phong cho ý tưởng này.

Tesla thử nghiệm cách gắn 70 khối pin thành những “cục gạch”, và sắp xếp 10 cục gạch đó vào khung xe Elise như thế nào, sử dụng giải pháp tản nhiệt ra sao để tránh quá nhiệt. Khi họ tìm ra cách sắp xếp pin khả thi, họ phải kéo dài khung xe Elise thêm 12,7 cm để nhét vừa chúng vào gầm xe, phía trước khối động cơ nhỏ cỡ quả dưa hấu.  Các nỗ lực sản xuất chiếc Roadster đầu tiên bắt đầu từ ngày 18 tháng 10 năm 2004 và chỉ 4 tháng sau, ngày 27 tháng 1 năm 2005, một loại xe hơi hoàn toàn mới đã được chế tạo thành công chỉ với 18 người. Thậm chí, họ còn có thể lái nó vòng quanh. Hội đồng quản trị Tesla đã tổ chức họp và Musk cứ liên tục xuýt xoa về chiếc Roadster. Anh quyết định đầu tư thêm 9 triệu đô-la vào Tesla và dự định đưa chiếc Roadster đến tay người tiêu dùng vào đầu năm 2006.

Tuy nhiên, họ phải nhìn thẳng vào thực tế: chiếc xe chưa hoàn thiện. Tháng 7/2005, cả công ty tập trung tại nhà Straubel để ăn mừng lễ Quốc Khánh và ai đó đã quyết định thử châm nổ 20 khối pin. “Chúng bắn lên trời như một bó tên lửa bị kìm giữ vậy, Lyons thuật lại, và Roadster sử dụng 7000 khối pin như vậy”. Không ai dám nghĩ đến quy mô của một vụ nổ của 7000 khối pin và một kịch bản ác mộng đã hiện ra: Đó là, một khách hàng giàu có và nổi tiếng sẽ bị bắt lửa trên chiếc Roadster họ mới mua. Đó là dấu chấm hết.

Tesla đã thành lập một biệt đội 6 người để xử lý vấn đề bộ pin. Những tiếng nổ đầu tiên phát ra tại nhà máy Tesla và được camera quay chậm ghi hình tường tận. Sau khi cho nổ hết lần này đến lần khác, các kỹ sư đã tìm hiểu được khá nhiều thứ về hoạt động bên trong các khối pin. Họ tìm ra các phương pháp sắp xếp để sao cho ngọn lửa không thể lan từ khối pin này sang khối pin khác. Hàng nghìn khối pin đã được kích nổ  và nỗ lực của họ thật đáng giá. Tesla đang dần làm chủ công nghệ pin lithium-ion và đi trước đối thủ nhiều năm.

Tesla đã thuê một nhóm chuyên gia thiết kế để vẽ giả lập ngoại hình của chiếc Roadster. Khi kiểu dáng yêu thích đã được chốt, công ty đã cấp tiền để dựng một mô hình bằng ¼ kích thước thật của xe vào tháng 1/2005. Sau nhiều lần thử nghiệm khí động học với mô hình này, cuối cùng thì khoảng 1 năm sau, vào tháng 5/2006, khi công ty đã phát triển hơn nhiều với hơn 100 nhân viên, Tesla đã chế tạo thành công Roadster phiên bản kích cỡ 1:1 đầu tiên với tên mã EP1. Sự xuất hiện của EP1 là cái cớ tuyệt vời để thu hút thêm vốn đầu tư. Giới đầu tư mạo hiểm giờ đã bắt đầu nắm lấy tiềm năng dài hạn của Tesla, họ đã ấn tượng tới mức lờ đi thực tế rằng các nhóm kỹ sư đôi khi phải quạt thủ công để làm mát xe giữa các lần chạy thử. Một lần nữa, Musk tiếp tục đổ tiền vào Tesla – 12 triệu USD, và một nhóm nhà đầu tư mạo hiểm khác cũng lần lượt đổ tiền vào công ty xe điện mới nổi này với tổng số tiền là 40 triệu USD.

Tháng 7/2006, Tesla quyết định công bố với thế giới về những gì mình đạt được. Nhóm kỹ sư của công ty đã lắp ráp 1 chiếc Roadster màu đỏ, tên mã EP2 để bổ sung cho chiếc EP1 màu đen để trưng bày tại 1 sự kiện tại Santa Clara. Hai chiếc Roadster thật lộng lẫy và có khả năng tăng tốc lên 100 km/h trong 4 giây. “Trước đây, mọi chiếc xe chạy điện đều là rác rưởi”, Musk phát biểu tại sự kiện.

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng xuất hiện tại sự kiện, 2 trong số đó là nguyên thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger và cựu CEO Disney Michael Eisner, và nhiều người háo hức lái thử mẫu xe mới mẻ này. Hai chiếc xe mong manh tới mức chỉ Straubel và 2 trợ thủ mới biết cách vận hành và chúng phải thay phiên nhau mỗi 5 phút để tránh bị quá nhiệt. Tesla tiết lộ rằng giá bán của xe là 90.000 USD, có thể chạy 400 km mỗi lần sạc và đã có tới 30 người đặt mua xe, trong đó có 2 nhà sáng lập Google Brin và Page cùng với nhiều tỷ phú công nghệ khác.

Một cú hit khác về marketing của Tesla là sự kiện Concours d’Elegance 2006 diễn ra tại bãi biển Pebble Beach. Tesla đã trở thành chủ đề được bàn tán nhiều tới mức ban tổ chức sự kiện phải xin để có được một chiếc Roadster tại đây và miễn phí trưng bày cho Tesla. Khi Tesla vừa dựng rạp, nhiều người đã lập tức xuất hiện và viết ngay hàng tá tấm séc 100.000 USD để cố gắng sở hữu 1 chiếc Roadster. “Phải còn rất lâu chúng tôi mới có thể sản xuất hàng loạt mẫu Roadster, nhưng chúng tôi đã kiếm được hàng triệu đô-la từ những sự kiện như thế này”, Tarperning thổ lộ.

Các kỹ sư Tesla rất hay mang tinh thần của Thung lũng Silicon đến với 1 ngành công nghiệp nổi tiếng là khuôn mẫu như sản xuất xe hơi. Có một đường chạy chuyên kiểm định phanh và độ bám đường của xe tại Thụy Điển gần Vành đai Bắc Cực. Tiêu chuẩn đặt ra là chạy thử xe trong 3 ngày, thu thập dữ liệu rồi quay về trụ sở công ty để họp trong nhiều tuần xem nên điều chỉnh chiếc xe như thế nào. Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài hết mùa đông. Tuy nhiên, Tesla lại gửi chiếc Tesla cùng một nhóm kỹ sư đến đây và yêu cầu nhóm này phân tích dữ liệu ngay tại chỗ. Khi có gì cần chỉnh sửa, nhóm kỹ sư sẽ viết lại mã rồi đưa xe trở lại mặt băng.

Thậm chí, một thủ tục kiểm định khác yêu cầu cho Roadster vào một phòng lạnh đặc biệt để kiểm tra xem nó hoạt động trong môi trường nhiệt độ âm như thế nào. Do không muốn phải trả những khoản tiền cắt cổ để được sử dụng phòng lạnh này, các kỹ sư Tesla đã quyết định thuê một chiếc xe tải chở kem có container cấp đông cỡ lớn. Một người sẽ lái chiếc Roadster vào trong xe tải, còn nhóm kỹ sư thì sẽ quấn áo trùm đầu vào làm việc ngay trong xe.

Đội ngũ kỹ sư trẻ của Tesla cứ làm việc hăng say đến quên bản thân như vậy trong nhiều tháng trời. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà công ty non trẻ này sắp phải đối mặt không hẳn là đến từ phương diện kỹ thuật. Đó là sự xung đột giữa những người đứng đầu Tesla, cụ thể là Elon Musk và Martin Eberhard.

(còn tiếp)

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)

Tags: tesla   Elon Musk   Xe ô tô điên