Đóng
 

Thứ tư, 21/05/2025 | 04:09
11:47  |  20/05/2025

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng ô tô trong quý I/2025

Trong bối cảnh tổng doanh số ô tô tại năm thị trường lớn nhất Đông Nam Á sụt giảm nhẹ, Việt Nam bất ngờ vươn lên thành điểm sáng với mức tăng trưởng vượt trội 24% trong quý I/2025. 

Sự tăng tốc này không chỉ đưa Việt Nam vượt mặt Philippines về sản lượng xe bán ra, mà còn phản ánh xu thế tiêu dùng mới tại một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực.

Theo dữ liệu do Nikkei Asia tổng hợp, tổng doanh số ô tô tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam trong quý đầu năm 2025 đạt 732.898 xe, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái ngược với xu hướng chung, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, đạt 24% so với quý I/2024, tốc độ cao nhất trong khu vực.

Sự khởi sắc này được cho là nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, chính sách hỗ trợ người tiêu dùng và sự gia tăng đa dạng sản phẩm, đặc biệt ở các phân khúc xe tiết kiệm nhiên liệu và thương mại.

Trong số các phân khúc, xe hybrid ghi nhận mức tăng mạnh nhất, lên tới 80% so với cùng kỳ năm trước, với tổng cộng 2.562 xe bán ra. Sự tăng trưởng đột biến này được thúc đẩy bởi sự ra mắt của loạt mẫu mới như Toyota Camry hybrid và Suzuki XL7 hybrid - những lựa chọn mới mẻ trong nhóm xe gia đình tiết kiệm nhiên liệu.

Bên cạnh đó, phân khúc xe thương mại và xe tải cũng góp phần đáng kể vào mức tăng chung, với doanh số lần lượt đạt 15.445 xe (+22%) và 13.400 xe (+21%).

Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chưa bao gồm doanh số của VinFast và Hyundai (hai thương hiệu đóng vai trò quan trọng tại thị trường trong nước). Khi tính thêm 35.100 xe bán ra của VinFast và 11.464 xe của Hyundai, tổng lượng xe tiêu thụ tại Việt Nam trong quý I/2025 lên tới 118.813 xe. Với con số này, Việt Nam đã chính thức vượt qua Philippines, quốc gia đạt doanh số 117.074 xe trong cùng kỳ để trở thành thị trường ô tô lớn thứ tư khu vực Đông Nam Á.

Dù Philippines cũng ghi nhận mức tăng trưởng 7% trong quý đầu năm, thị trường này vẫn gặp khó khăn trong phân khúc xe du lịch, giảm tới 13,7%. Điểm sáng là xe thương mại tăng 13,9%, trong khi xe điện và hybrid đạt tổng cộng 4.544 xe, chiếm 5,73% tổng doanh số.

Thái Lan, một trong những thị trường ô tô lâu đời và quy mô lớn nhất khu vực, lại chứng kiến mức sụt giảm 7%, chỉ còn 153.193 xe. Đáng chú ý, doanh số xe sử dụng động cơ đốt trong giảm mạnh: xe bán tải giảm 13%, xe du lịch giảm 14%. Ngược lại, xe điện tăng 19% lên 22.737 xe, chủ yếu đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Dù vậy, so với quý IV/2024, thị trường Thái Lan vẫn tăng 14%, phần lớn nhờ các chiến dịch giảm giá để đối phó tình trạng tín dụng bị siết chặt do nợ hộ gia đình cao.

Tại Malaysia, doanh số quý I giảm 7,4%, đạt 188.100 xe. Mức sụt giảm được lý giải là do thị trường đã giải quyết xong lượng đơn hàng tồn đọng từ năm trước. Tuy nhiên, tháng 3 ghi nhận sự hồi phục nhẹ với mức tăng 2,2% so với cùng kỳ, đạt 72.700 xe. Các chuyên gia kỳ vọng thị trường xe điện tại Malaysia sẽ tăng tốc trong thời gian tới, nhờ sự cạnh tranh của các thương hiệu Trung Quốc và nội địa.

Tăng trưởng 24% trong quý I/2025 đã đưa Việt Nam trở thành thị trường năng động nhất Đông Nam Á. Không chỉ cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ, xu hướng dịch chuyển sang xe hybrid và điện còn mở ra kỳ vọng cho các chiến lược xanh hóa giao thông trong tương lai.

Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tín dụng bị siết, áp lực lãi suất đến sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, thành công của Việt Nam không chỉ là tín hiệu tích cực, mà còn là bài học chiến lược cho các nhà sản xuất và hoạch định chính sách trong khu vực.

TH (Tuoitrethudo)