Đóng
 

Thứ ba, 20/05/2025 | 08:20
10:12  |  20/05/2025

Người Việt mua ô tô online ngày càng nhiều: Xu hướng nhất thời hay tất yếu của thời đại số?

Nếu trước đây, việc mua ô tô tại Việt Nam gắn liền với các trải nghiệm vật lý như lái thử, đàm phán tại đại lý, thì hiện nay, người tiêu dùng, đặc biệt ở các đô thị lớn đã bắt đầu quen với việc đặt cọc, tùy chọn cấu hình và thậm chí thanh toán hoàn toàn qua mạng.

Sự dịch chuyển này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19, nhưng không dừng lại ở yếu tố thời điểm. Nó phản ánh một xu hướng dài hạn: người mua ngày càng đề cao tính tiện lợi, minh bạch thông tin và khả năng cá nhân hóa sản phẩm theo nhu cầu riêng.

Các hãng lớn đồng loạt số hóa hành trình mua xe

Mercedes-Benz Việt Nam là một trong những thương hiệu tiên phong triển khai nền tảng cấu hình xe trực tuyến, cho phép người dùng chọn màu sơn, nội thất, các gói tùy chọn, sau đó kết nối trực tiếp với đại lý để nhận báo giá và hoàn tất đặt hàng.

VinFast tiến xa hơn với quy trình khép kín: từ đặt cọc online, giao xe tận nơi, cho đến cập nhật phần mềm và đặt lịch bảo dưỡng qua ứng dụng. Thay vì đơn thuần là mua xe, người dùng giờ đây được tham gia vào một "hệ sinh thái dịch vụ số", nơi mọi trải nghiệm hậu mãi đều được số hóa.

Không đứng ngoài cuộc, Hyundai, Kia hay Toyota Việt Nam cũng đang đầu tư vào showroom ảo (virtual showroom) cho phép khách hàng "tham quan" xe thông qua ảnh 360 độ, video hướng dẫn chi tiết và tư vấn viên trực tuyến.

Cá nhân hóa: Điểm chạm mới trong hành vi tiêu dùng

Cùng với việc chuyển dịch sang nền tảng online, hành vi tiêu dùng ô tô tại Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng nhu cầu cá nhân hóa. Khách hàng, đặc biệt trong độ tuổi 25 -40 không còn hài lòng với những cấu hình “đại trà”, mà muốn thể hiện cá tính qua từng chi tiết như màu sơn độc quyền, chỉ khâu nội thất, logo khắc tên riêng hay hệ thống giải trí tùy biến.

Theo khảo sát từ một hãng xe Hàn Quốc, có đến 47% người mua trong độ tuổi 25 - 40 sẵn sàng chi trả thêm để nâng cấp trang bị theo sở thích cá nhân. Đây là cơ hội để các hãng xe gia tăng doanh thu thông qua các gói nâng cấp tùy chọn, dịch vụ phần mềm cao cấp, hoặc tiện ích hậu mãi đặc thù.

Thách thức không nhỏ trên hành trình số hóa

Dù tiềm năng là rõ ràng, nhưng xu hướng mua xe trực tuyến và cá nhân hóa vẫn phải đối mặt với một số rào cản. Chẳng hạn như tâm lý muốn "sờ tận tay, lái tận nơi" vẫn phổ biến, nhất là với nhóm khách hàng trung niên hoặc người mua xe lần đầu. Hạ tầng công nghệ của nhiều hãng vẫn chưa hoàn thiện, gây đứt gãy trải nghiệm giữa các điểm chạm online và offline. Tiếp nữa là vấn đề bảo mật dữ liệu, quy trình đổi trả và cam kết chất lượng sau mua cũng khiến người tiêu dùng còn dè dặt.

Xu hướng không thể đảo ngược

Tuy nhiên, với tốc độ phổ cập internet, sự quen thuộc ngày càng cao của người dùng với thương mại điện tử, cùng áp lực cạnh tranh buộc các hãng phải cải tiến dịch vụ, việc mua ô tô online và cá nhân hóa đang trở thành một phần tất yếu trong chiến lược tiếp cận khách hàng mới.

Khi thế hệ tiêu dùng tiếp theo, vốn lớn lên cùng smartphone và thương mại điện tử bước vào giai đoạn mua sắm xe hơi, họ sẽ kỳ vọng những trải nghiệm giống như khi đặt hàng một chiếc điện thoại hay máy tính xách tay: nhanh, trực quan, minh bạch và mang dấu ấn cá nhân.

Hành vi tiêu dùng ô tô của người Việt đang trong quá trình tái định hình rõ rệt. Mua xe online và xu hướng cá nhân hóa không chỉ là "trào lưu hậu COVID", mà là một phần trong sự tiến hóa của trải nghiệm khách hàng trong thời đại số. Hãng xe nào nắm bắt được sự thay đổi này, cả về công nghệ lẫn tâm lý người dùng sẽ có lợi thế vượt trội trong cuộc đua giành thị phần tương lai.

TH (Tuoitrethudo)