Đóng
 

Thứ năm, 29/05/2025 | 03:13
16:22  |  27/05/2025

Nghề sửa xe điện tại Trung Quốc: Rủi ro ngày càng lớn

Trong bối cảnh xe điện đang bùng nổ tại Trung Quốc thì lại có một thực tế dần được bộc lộ: việc sửa chữa xe điện không chỉ phức tạp về mặt kỹ thuật mà còn trở thành một “nghề nguy hiểm”, khi các thợ máy và xưởng sửa chữa độc lập đối mặt với rào cản pháp lý, công nghệ lẫn tiếp cận thông tin.

Theo Car News China và Sina, hàng loạt vụ kiện và truy tố gần đây đang làm dấy lên tranh cãi về "quyền sửa chữa" - một khái niệm vốn được xem là hiển nhiên trong ngành công nghiệp ô tô truyền thống, nhưng nay đang trở thành điểm nóng khi áp dụng cho xe điện.

Một trường hợp gây chú ý là thợ máy kiêm vlogger có biệt danh "Anh Long", mới đây đã bị ba hãng xe điện khởi kiện vì chia sẻ công khai các video hướng dẫn sửa chữa xe của họ. 

Một vụ khác nghiêm trọng hơn xảy ra tại Thượng Hải, nơi hai thợ máy được gọi là “Lưu Lớn” và “Lưu Nhỏ” bị kết án sáu tháng tù treo vì tội “phá hoại hệ thống thông tin máy tính”. Họ bị cáo buộc đã sử dụng công cụ chẩn đoán để sao chép dữ liệu từ một bộ pin đang hoạt động sang bộ pin bị khóa, nhằm khôi phục khả năng xả điện cho xe của khách hàng.

Theo quy định tại Trung Quốc, dữ liệu xe điện phải được tải lên hệ thống giám sát tập trung và việc can thiệp vào bộ pin như trên được cho là có thể làm sai lệch dữ liệu. Các hãng xe như Nio lập luận rằng hành động này tiềm ẩn rủi ro lớn về an toàn và ảnh hưởng tới tính toàn vẹn hệ thống, đồng thời khẳng định chỉ có các trung tâm dịch vụ ủy quyền mới đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật.

“Quyền sửa chữa” vẫn chưa rõ ràng

Cốt lõi của các tranh cãi hiện nay nằm ở quyền truy cập thông tin kỹ thuật và phụ tùng chính hãng - những yếu tố thiết yếu để các xưởng sửa chữa độc lập có thể hoạt động. Dù pháp luật Trung Quốc đã yêu cầu các hãng xe phải công khai dữ liệu phục vụ sửa chữa, việc thực thi đối với xe điện vẫn còn chậm trễ và hạn chế.

Nhiều hãng xe kiểm soát chặt quyền tiếp cận phần mềm chẩn đoán, linh kiện và hướng dẫn sửa chữa, tạo ra “rào cản vô hình” khiến bên thứ ba gần như không thể tiếp cận. Chủ xe cũng chịu thiệt, khi các điều khoản bảo hành thường quy định việc sửa chữa không ủy quyền có thể khiến mất hiệu lực bảo hành, đặc biệt với các bộ phận cốt lõi như pin và động cơ điện. Điều này làm nảy sinh câu hỏi: liệu chủ xe có thực sự sở hữu phương tiện mình mua, hay chỉ là người dùng theo hợp đồng?

Lực cản từ công nghệ và cập nhật phần mềm

Không chỉ vấp phải rào cản pháp lý, các thợ máy còn đối diện thách thức công nghệ. Hệ thống điện tử ngày càng phức tạp, phần mềm điều khiển tích hợp sâu và các bản cập nhật OTA (over-the-air) liên tục khiến việc sửa chữa xe điện không còn đơn thuần là thay linh kiện. Một thao tác nhỏ không đúng chuẩn cũng có thể gây lỗi hệ thống hoặc khiến xe mất khả năng cập nhật phần mềm trong tương lai.

Điều này khiến nhiều thợ máy lựa chọn không dấn thân vào lĩnh vực xe điện. Một số người cho biết họ chỉ nhận sửa các dòng xe của Tesla - hãng ít có tiền lệ kiện cáo liên quan đến sửa chữa bởi bên thứ ba, thay vì các thương hiệu nội địa Trung vốn ngày càng khắt khe.

Lỗ hổng hậu mãi và mối nguy cho người dùng

Một hệ quả khác là mạng lưới hậu mãi xe điện tại Trung Quốc đang bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng. Các trung tâm bảo hành chính hãng không đủ dày đặc, đặc biệt ở khu vực nông thôn và thành phố cấp thấp. Trong khi đó, các xưởng sửa chữa độc lập lại bị hạn chế hoạt động, khiến người dùng thiếu lựa chọn.

Tình hình càng nghiêm trọng đối với những chủ xe thuộc các thương hiệu đã phá sản, vốn không còn hệ thống hậu mãi hoạt động. Họ buộc phải tìm đến các xưởng ngoài, nơi lại không được trang bị đầy đủ kiến thức hoặc linh kiện để sửa chữa đúng cách.

Cần một thị trường hậu mãi cởi mở và minh bạch

Trước tình hình đó, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu vào cuộc. Tháng 1/2025, một văn bản hướng dẫn mới được ban hành với nội dung nhấn mạnh việc giảm chi phí sửa chữa xe điện và thúc đẩy thị trường hậu mãi cạnh tranh, lành mạnh.

Theo đó, các hãng xe và nhà sản xuất pin được khuyến khích chia sẻ công nghệ và bán linh kiện thuộc “bộ tam” quan trọng (pin, động cơ và bộ điều khiển điện tử). Đồng thời, chính phủ cũng thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn thử nghiệm va chạm tốc độ thấp, hệ thống phân loại rủi ro cho bảo hiểm và cơ chế chia sẻ dữ liệu kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các bên thứ ba tham gia.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Ước tính, Trung Quốc đang thiếu khoảng 824.000 kỹ thuật viên xe điện có tay nghề, một khoảng trống đáng kể nếu quốc gia này muốn duy trì đà phát triển xe điện bền vững.

Cuộc cách mạng xe điện không chỉ nằm ở sản lượng bán ra hay số lượng trạm sạc, mà còn phụ thuộc vào khả năng xây dựng một hệ sinh thái hậu mãi cởi mở, an toàn và công bằng cho cả người dùng lẫn kỹ thuật viên. Nếu quyền sửa chữa không được làm rõ và chia sẻ dữ liệu không được thúc đẩy, chính sự phát triển của ngành xe điện cũng có thể bị chặn lại từ bên trong.

TH (Tuoitrethudo)