Đóng
 

Thứ hai, 21/07/2025 | 17:07
07:29  |  21/07/2025

Ô tô điện trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu

Bất chấp những biến động thương mại toàn cầu, xe điện vẫn duy trì quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô. Ô tô điện đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu.

20 triệu xe điện được bán trong năm 2025

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2024, số lượng xe điện được bán ra trên toàn thế giới đạt mốc 17 triệu chiếc, tăng hơn 3,5 triệu chiếc so mức năm 2023. Trong ba tháng đầu năm 2025, hơn 4 triệu xe điện (gồm xe điện và xe hybrid sạc điện - PHEV) đã được tiêu thụ trên toàn cầu, chiếm 16% tổng lượng xe mới bán ra - mức cao nhất từng ghi nhận trong quý 1 và tăng 35% so với con số cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, IEA dự báo, tổng số xe điện được bán ra trong năm 2025 sẽ vượt 20 triệu chiếc.

Tại châu Âu, nhóm 5 thị trường lớn nhất khu vực (Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha) tăng 30% doanh số xe điện, trong đó Anh và Đức lần lượt tăng 43% và 39%. Tỷ lệ xe điện chiếm hơn 60% tổng số xe mới tại khu vực này, riêng xe điện thuần túy đạt 17% thị phần. Còn tại Na Uy, cứ 10 ô tô mới bán ra thì hơn 9 chiếc là xe điện, nhờ chính sách miễn thuế VAT, trạm sạc rộng khắp. Tại Mỹ, doanh số xe điện thuần túy đạt hơn 301.000 chiếc, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh số PHEV giảm 11% do một số mẫu không còn đủ điều kiện hưởng ưu đãi vì quy định mới về xuất xứ pin.

Nhiều thị trường mới nổi cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Ấn Độ tăng 153% doanh số xe điện thuần túy, còn Indonesia tăng hơn 105% trong quý 1. Công ty kiểm toán PwC đánh giá, sự xuất hiện của các mẫu xe điện giá rẻ cùng chính sách hỗ trợ từ chính phủ đang tạo đà tăng trưởng mới tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, thị trường xe điện cũng ghi nhận xu hướng tích cực. Theo VinFast, tính đến hết tháng 4, hãng đã bàn giao gần 45.000 xe điện, trong đó quý I đạt 35.100 xe. Các mẫu VF 3, VF 5 và VF 6 là những sản phẩm bán chạy nhất.

Những tín hiệu tích cực trên thị trường toàn cầu cho thấy hành trình điện hóa đang trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển đổi ngành công nghiệp ô tô. PwC dự báo, sản lượng xe điện toàn cầu có thể đạt 68,1 triệu chiếc vào năm 2030, tăng gần 74% so với năm 2025. Còn theo ước tính của IEA, nếu đà tăng hiện tại được duy trì, xe điện có thể chiếm hơn 40% tổng doanh số ô tô toàn cầu vào năm 2030. 

Chi phí vận hành hợp lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu tạo nên sức hút của xe điện. Báo cáo của IEA cho thấy, ngay cả khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất là 40 USD/thùng, thì chi phí sạc cho một chiếc xe điện ở châu Âu cũng chỉ bằng khoảng một nửa chi phí đổ xăng cho xe thông thường. Ô tô điện ngày càng chinh phục được người dùng với lợi thế nổi tiếng về khả năng tiết kiệm chi phí. Theo các chuyên gia, trong tương lai xe điện sẽ ngày càng tiết kiệm hơn khi công nghệ pin ngày càng phát triển, quãng đường di chuyển ngày càng lớn. Chuyên trang về công nghệ Top Speed dự báo nhiều xe điện có phạm vi hoạt động tới 600km sẽ được tung ra thị trường trong năm 2025, giúp ô tô điện là lựa chọn hàng đầu cho người dùng.

Ngoài ra, đây còn là giải pháp bền vững cho môi trường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng xe điện có thể giảm 60% lượng khí CO2 so với xe động cơ đốt trong. Theo Hội đồng vận tải sạch quốc tế (ICCT), xe điện được phân phối trên thị trường châu Âu hiện nay thải ra lượng khí thải ít hơn 73% so xe chạy bằng xăng. Điện khí hóa các phương tiện giao thông được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các nước bảo vệ môi trường, bởi giao thông vận tải vốn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, loại phương tiện này giữ vai trò then chốt trong chiến lược trung hòa carbon.

Nhiều chính sách thúc đẩy xe điện

Với nhiều lợi ích và trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đang là thách thức toàn cầu, xe điện nổi lên như một giải pháp trọng tâm để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách và công nghệ nhằm chuyển đổi dần từ xe chạy xăng dầu sang xe điện.

Mới đây, Indonesia khởi công dự án Hệ sinh thái công nghiệp pin xe điện, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,9 tỷ USD. Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia khẳng định, dự án sẽ hỗ trợ sản xuất pin với giá thành phù hợp thu nhập của đa số người dân. Trong khi đó, Maroc vừa chính thức khánh thành nhà máy sản xuất linh kiện pin lithium-ion dành cho xe điện đầu tiên tại Maroc nói riêng và Bắc Phi nói chung, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp năng lượng sạch của khu vực. Dự kiến khi hoàn tất, tổ hợp sẽ đạt công suất 70GWh/năm, đủ để cung cấp pin cho khoảng 1 triệu xe điện.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực tiên phong trong việc loại bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Năm 2023, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua quy định cấm bán xe ô tô mới chạy xăng và diesel từ năm 2035. Quy định này áp dụng cho toàn bộ 27 quốc gia thành viên, buộc các hãng xe lớn như Volkswagen, BMW hay Peugeot phải tăng tốc sản xuất xe điện hoặc xe không phát thải. Tại Pháp, chính phủ không chỉ đưa ra mốc cấm bán xe xăng vào năm 2035 mà còn triển khai chương trình “xe điện giá rẻ” (leasing social), cho thuê xe điện chỉ với 100 euro/tháng cho người có thu nhập thấp. Tại Hà Lan, từ năm 2030, các loại xe không phát thải (bao gồm xe chạy bằng hydrogen hoặc thuần điện) mới được đăng ký mới. Người dân không được mua xe xăng mới và cũng không thể đăng kiểm lại xe động cơ đốt trong cũ.

Với Trung Quốc, chiến lược xe điện không chỉ là bài toán môi trường mà còn là chiến lược công nghiệp dài hạn. Chính phủ nước này đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để phát triển chuỗi cung ứng pin, xây dựng trạm sạc, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và các đại gia công nghệ gia nhập lĩnh vực xe điện. Kết quả là Trung Quốc hiện nắm trong tay phần lớn công suất sản xuất pin lithium-ion của thế giới và đang định hình lại thị trường ô tô toàn cầu. Tại các thành phố lớn như Thâm Quyến hay Thượng Hải, xe buýt và taxi điện đã trở thành chuẩn mực, thay thế gần như hoàn toàn các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn chứng minh năng lực triển khai quy mô lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh.

Tại Malaysia, xe điện nhập khẩu nguyên chiếc được miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt trong 4 năm, kể từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-12-2025. Các linh kiện dành cho xe điện lắp ráp trong nước hiện được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu trong 6 năm, với thời hạn đến hết ngày 31-12-2027. Xe điện lắp ráp trong nước được miễn hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bán hàng trong 6 năm. Malaysia cũng miễn thuế đường bộ đối với xe điện.

Ấn Độ thì đặt mục tiêu xe điện chiếm 40% đội xe buýt và 30% ô tô cá nhân vào năm 2030. Tháng 3-2025, Delhi thông báo chỉ cho phép đăng ký mới xe máy điện từ tháng 8-2026, thể hiện quyết tâm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi. Trong lĩnh vực vận tải công cộng, điện hóa đội xe buýt được kỳ vọng mang lại thay đổi lớn. Ấn Độ hiện có khoảng 2 triệu xe buýt, phần lớn do khu vực tư nhân vận hành. Theo ước tính từ Trung tâm tài chính năng lượng (CEEW), thị trường xe điện tại Ấn Độ có thể đạt quy mô 206 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, đồng thời tạo ra khoảng 50 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, một số chính sách như miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện giai đoạn 2022-2027 đang được triển khai nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi. VinFast cũng áp dụng miễn phí sạc đến giữa năm 2027, mở rộng triển khai trạm sạc công cộng các tỉnh, thành phố, đi kèm nhiều chính sách, dịch vụ tối ưu quyền lợi cho khách hàng nhằm khuyến khích người dùng.

Hoàng Sơn (ANTĐ)

Tư vấn

Những mẫu xe máy điện dưới 40 triệu phù hợp đi trong đô thị

Trước bối cảnh Chính phủ ban hành các chính sách siết chặt với xe máy sử dụng động cơ đốt trong thì nhu cầu tìm kiếm xe máy điện giá hợp lý lại ngày càng gia tăng nhanh chóng tại...