Thông tin từ Bộ GTVT, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam vừa được Bộ này kiến nghị Quốc hội chuyển sang vốn đầu tư công bởi vì đây là những dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu hoặc những dự án cấp bách, cần thiết.
Theo đó, cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết không có nhà đầu tư tham gia, buộc phải chuyển đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Cao tốc này có chiều dài 134km, tổng mức đầu tư 11.600 tỷ đồng.
Còn với 2 dự án Dầu Giây- Phan Thiết và Mai Sơn-QL45 vừa được Bộ GTVT kiến nghị đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bởi theo Bộ này, xếp theo thứ tự cần thiết, ưu tiên thì đây là 2 dự án cấp bách.
Các đoạn tuyến ưu tiên đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 được lựa chọn khách quan, khoa học, dựa trên cơ sở số liệu về nhu cầu vận tải được phân loại/xếp hạng từ cao xuống thấp.
Theo nguyên tắc này, các dự án được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Phan Thiết - Dầu Giây; (2) Mai Sơn - Quốc lộ 45; (3) Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; (4) Diễn Châu - Bãi Vọt; (5) Vĩnh Hảo - Phan Thiết; (6) Cam Lâm - Vĩnh Hảo; (7) Nha Trang - Cam Lâm; (8) Nghi Sơn - Diễn Châu.
Thứ hai, các dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công.
Quá trình sơ tuyển quốc tế và sơ tuyển trong nước thời gian qua cho thấy, mức độ quan tâm của nhà đầu tư quốc tế và nhà đầu tư trong nước đối với các dự án thành phần có sự khác biệt.
Cụ thể, các nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực về tài chính, quan tâm đến việc kinh doanh vốn thông qua các dự án có nhu cầu vận tải cao (mức vốn tham gia của Nhà nước thấp), khả năng thu hồi vốn qua doanh thu từ lưu lượng suốt vòng đời dự án cao.
Do vậy, các dự án như Phan Thiết - Dầu Giây có mức vốn ngân sách Nhà nước chỉ khoảng 17% nhưng có đến 9 nhà đầu tư tham gia.
Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có mức vốn ngân sách Nhà nước khoảng 24% nhưng có đến 11 nhà đầu tư tham gia...
Ngược lại, các nhà đầu tư trong nước không mạnh về tài chính, chủ yếu quan tâm đến các dự án có mức vốn tham gia của Nhà nước lớn, vốn huy động tín dụng thấp, như các dự án Nha Trang - Cam Lâm (vốn Nhà nước chiếm 66%), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (vốn Nhà nước chiếm 68%) có đến 5 - 9 nhà đầu tư quan tâm.
Trong khi các dự án có nhu cầu vận tải cao, mức vốn tham gia của Nhà nước thấp, chủ yếu huy động từ nguồn vốn tín dụng như Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây... tương đồng về hiệu quả tài chính nhưng chỉ có 2 - 3 nhà đầu tư quân tâm.
Các dự án được ưu tiên chuyển đổi sang đầu tư công theo thứ tự như sau: (1) Phan Thiết - Dầu Giây (yêu cầu vốn huy động tín dụng 9.500 tỷ đồng, có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển), (2) Mai Sơn - QL45 (yêu cầu vốn huy động tín dụng 7.220 tỷ đồng, có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển)…
Thứ ba, các dự án thành phần được lựa chọn đảm bảo tính kết nối giao thông liên tục, đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả khai thác.
Bộ GTVT nhấn mạnh, khó khăn nhất hiện nay cho việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là khả năng thu hút vốn tín dụng.
Ngân Tuyền (ANTĐ)