Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đã khai thác gần 82.000 chuyến bay, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Đứng đầu trong tỷ lệ tăng là Vietjet với tốc độ tăng 15%, đáng nói, Jetstar Pacific số chuyến bay khai thác trong qúy 1/2019 lại giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đứng đầu về tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là tân binh Bamboo Airways ở mức xấp xỉ 93%, tiếp đến là Vietnam Airlines đạt mức 89,3%. Dù vậy, tỷ lệ này của Vietnam Airlines so với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 0,9%.
Vietjet Air đạt tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 81,5%, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; xếp chót bảng là Jetstar Pacific tỷ lệ đúng giờ ở mức 73,6%, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm chuyến thì nguyên dân do tàu bay về muộn vẫn đứng đầu, tiếp đến là do nội tại các hãng hàng không…
Trả lời về tình trạng chậm hủy chuyến bay trong cuộc họp báo thường kỳ vừa qua, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, nguyên nhân chậm chuyến bay phần lớn là do việc khai thác của các hãng hàng không. Tuy nhiên, tỷ lệ chậm hủy chuyến bay hiện nay của Việt Nam ở mức bình thường so với các quốc gia trong khu vực.
Song, Cục trưởng Cục Hàng không cũng thừa nhận, một số chuyến bay chậm kéo dài nhưng ứng xử của hãng hàng không chưa chuyên nghiệp và phù hợp đã gây bức xúc cho hành khách đi chuyến bay và người dân nói chung.
“Cục Hàng không Việt Nam đang nghiên cứu bổ sung chế tài liên quan đến việc cấp phép bay theo hướng, các slot của hãng hàng không nào có tỷ lệ chậm hủy chuyến cao sẽ không được công nhận. Và đây là một chế tài nặng đối với các hãng hàng không”- ông Thắng cho biết.
Thêm vào đó, trong tháng 4 này Cục Hàng không sẽ thành lập 2 Trung tâm điều hành sân bay tại Hà Nội và TP.HCM với sự tham gia của các hãng hàng không trong bối cảnh, hạ tầng tại 2 sân bay lớn nhất cả nước là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hải Dương (ANTĐ)