Tua công-tơ-mét là hành vi gian lận đã tồn tại lâu trên thị trường nhưng chưa được xử lý triệt để. Hành vi thay đổi phụ tùng để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đi đăng kiểm xuất hiện từ cuối năm 2022 khi hoạt động kiểm định xe cơ giới được siết chặt.
Bộ Công an đã đề xuất một số chỉnh lý, bổ sung dự thảo của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới.
Trong đó, quy định về việc cấm tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của ô tô (tua công-tơ-mét) được bổ sung vào dự thảo đã thu hút nhiều sự chú ý.
Vấn nạn tua công-tơ-mét đã tồn tại trên thị trường ô tô trong nhiều năm qua và trở nên đặc biệt nhức nhối trong thời gian gần đây, sau khi một số đơn vị bán xe cũ lâu năm bị khách hàng tố “ăn gian” công-tơ-mét. Việc tua công-tơ-mét được thực hiện chủ yếu nhằm 2 mục đích: tua lùi số để giảm chỉ số km xe chạy nhằm nâng giá trị xe, lừa khách mua ô tô cũ và tua tăng chỉ số km để gian lận cước vận chuyển hoặc khai khống chi phí xăng dầu.
Bộ Công an cho biết hành vi tua ngược công-tơ-mét không chỉ khiến người tiêu dùng không đánh giá đúng hiện trạng xe, mà còn làm sai lệch chu kỳ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, từ đó có thể gây mất an toàn cho người sử dụng xe khi việc thay thế một số chi tiết hao mòn bị bỏ qua.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung các quy định này vào hành vi bị nghiêm cấm là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng này xảy ra, giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc "hóa phép" để con số trên công-tơ-mét nhỏ hơn so với thực tế là một hành vi có thể phải ngồi tù nhiều năm. Tại Mỹ, cá nhân thực hiện hành vi tua ngược công-tơ-mét đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc ngồi tù tối đa 3 năm.
Ngoài tua công-tơ-mét, việc thay đổi phụ tùng để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đi đăng kiểm cũng được Bộ Công an đề xuất cấm.
Cụ thể, các quy định bao gồm nghiêm cấm cải tạo các xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người; tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ phương tiện cũng không được cải tạo, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện khi tham gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê duyệt; không được tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Ngoài ra, các hành vi tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định cũng bị nghiêm cấm.
Hành vi “lách đăng kiểm” bắt đầu xuất hiện nhiều từ cuối năm 2022 khi hoạt động kiểm định xe cơ giới được siết chặt. Để có thể hoàn thành đăng kiểm, nhiều chủ xe đổ xô đến garage để tháo phụ kiện độ thêm để đưa xe về nguyên bản rồi lại tiếp tục việc độ, chế xe sau khi đã đăng kiểm xong.
Với cách làm này, chiếc xe khi chạy trên đường hàng ngày sẽ khác với thông số chuẩn theo quy định đăng kiểm.
Theo Bộ Công an, quy định này không đồng nghĩa với việc cấm xe nâng cấp để an toàn và vận hành ổn định hơn. Xe vẫn có thể nâng cấp các chi tiết, miễn đảm bảo những thay đổi không nằm ở lỗi MaD (khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng) theo quy định tại Thông tư 2/2023 của Bộ Giao thông Vận tải.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Ảnh: FB