Trong dự luật mới, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất sẽ truy cứu trách nhiệm của trung tâm đào tạo và giáo viên dạy lái khi tài xế gây tai nạn.
Theo đó, những cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sử dụng nguồn kinh phí nhà nước sẽ được xã hội hóa triệt để, tránh việc công tác quản lý đào tạo lái xe bị buông lỏng như hiện nay, dẫn tới nhiều học viên bị “hổng” kiến thức nhưng vẫn được cấp GPLX.
Sự buông lỏng đó xuất phát từ việc nếu những lái xe "hổng" kiến thức gây tai nạn thì giáo viên và trung tâm đào tạo lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Vì vậy, dự thảo luật đã yêu cầu chuyển giao trách nhiệm đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an. Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho người học lái xe.
CSGT cho rằng đề xuất trên sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ sở đào tạo cũng như giáo viên dạy lái đối với chất lượng của học viên. Theo đó, dữ liệu đầu vào của học viên được lưu trữ đầy đủ, từ việc họ chọn giáo viên là ai, trung tâm nào. Để xảy ra TNGT, trách nhiệm chính là của tài xế, nhưng trung tâm và thậm chí cả giáo viên đào tạo ra tài xế đó cũng phải có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy lái sẽ được phân theo rank (cấp) từ cao xuống thấp, học viên của ai có bao nhiêu vi phạm, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn đều được lưu trên hệ thống, công khai cho mọi người biết. Nếu rank thấp, giáo viên đó sẽ không có học viên chọn (vì từ giờ học viên sẽ được lựa chọn hình thức đào tạo, trung tâm sát hạch và giáo viên), từ đó nâng cao trách nhiệm của người đào tạo.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)