Đóng
 

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:33
10:01  |  30/12/2019

Đi lại dịp Tết Nguyên đán 2020: Tàu xe "dễ thở", hàng không vé nhiều nhưng giá cao

Lựa chọn phương tiện đi lại dịp Tết luôn là vấn đề lo lắng của hàng chục triệu người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán. Dù từ Bộ GTVT đến các địa phương đều yêu cầu siết chặt việc tăng giá vé nhưng tình trạng nhồi nhét, bắt chẹt hành khách vẫn không giảm.… 

Nhu cầu tăng 150%

Công ty CP bến xe Hà Nội dự báo, lượng khách đi lại vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ tăng khoảng 130 - 150% so với ngày thường. Lượng hành khách dự kiến sẽ bắt đầu đông từ ngày 15-1-2020 đến hết ngày  24-1-2020 (tức từ 21 đến 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) và 10 ngày sau Tết Nguyên đán đối với các tuyến đường dài. 

Trong dịp Tết Dương lịch, lượng khách sẽ tăng nhiều so với ngày thường và có xu hướng tiếp tục tăng cao hơn nữa các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, hiện phương tiện vận tải tại các bến mới đạt bình quân khoảng 30-50% hệ số trọng tải, vì vậy cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. 

Một số tuyến cự ly ngắn có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào vài thời điểm trong ngày, do đó cần có thêm phương án dự phòng phương tiện. Còn dịp Tết Nguyên đán lượng khách sẽ dàn đều, chỉ tập trung cao hơn vào trước ngày 23 tháng Chạp. Với tình hình hoạt động hiện tại của phương tiện trên các bến thì về cơ bản vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải. 

Song, theo nhận định của ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội, đối với một số tuyến như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… dù có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ, nhưng về tổng thể vẫn có vận chuyển hết số lượng hành khách trong ngày. Dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả 2 đợt nghỉ là 2.200 xe. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần xuất cao cũng làm giảm tải lượng hành khánh liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách sẽ tăng mạnh trở lại trên các tuyến đường dài như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột… mà tập trung nhiều nhất là tại bến xe Giáp Bát.

Theo đó, bến xe Giáp Bát lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130 - 150% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 1.050 lượt xe/ngày. Trước Tết khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa... Sau Tết khách tăng chủ yếu các tuyến đường dài: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum, Đắk Nông...

Tại bến Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 150% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 1.100 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ... Tại bến Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 150% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 810 xe, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…

Công ty CP bến xe Hà Nội yêu cầu các đơn vị nếu có tăng giá vé 1 chiều phải gửi đăng ký giá và vé trước ngày 10-1-2020, đồng thời yêu cầu các bến xe phải tăng thời lượng phát thanh, thông báo kịp thời về hoạt động vận tải của các phương tiện trên bến cho hành khách biết. Đặc biệt là khách lên xe phải có vé để được đảm bảo quyền lợi. Có phương án thông báo cho hành khách khi xảy ra hiện tượng tắc đường để nếu không về bến kịp thời gian dự kiến thì cũng không gây lộn xộn trên bến. Chỉ đăng tài với các xe đã có hợp đồng, có lệnh vận chuyển, có phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định”, hoặc xe hoạt động thường xuyên trên các tuyến và có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Đến thời điểm này, Công ty CP bến xe Hà Nội chưa ghi nhận doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Song theo nhận định, dịp trước Tết, xe khách ở đầu Hà Nội nhu cầu không cao bằng đầu TP.HCM. Hiện, các nhà xe ở bến xe Miền Đông đã nhộn nhịp, nhưng đầu Hà Nội vẫn khá im ắng. “Dịp trước Tết Nguyên đán, học sinh, sinh viên, người lao động tự do thường về quê rải rác từ sớm nên không gây áp lực lên xe khách liên tỉnh. 

Dự báo, đợt những ngày cao điểm như từ 24 đến 28 tháng Chạp  tình hình sẽ căng thẳng hơn, nhưng dù thế nào thì chắc chắn người dân cũng sẽ không thiếu xe để về ăn Tết” - ông Nguyễn Anh Toàn nhận định. Bên cạnh đó, ông Vũ Hà - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đã yêu cầu để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, đề nghị các doanh  nghiệp cố gắng giữ ổn định giá cước vận tải dịp Tết, không tăng giá vé tùy tiện và thu giá cao hơn niêm yết.

Hết vé tàu các ngày cao điểm trước Tết

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, ngành đường sắt cũng bán vé ghế phụ (bố trí ngồi bằng ghế nhựa) với giá được tính bằng 80% giá vé loại chỗ thấp nhất (quy định tại bảng giá vé trên đoàn tàu đó). Riêng tàu SNT1/SNT2, SNT11/SNT12 (TP. HCM - Nha Trang và ngược lại), tàu SPT1/SPT2 (TP. HCM - Phan Thiết và ngược lại) do toa tàu đã chuyển đổi thành ghế ngồi mềm thì không bán ghế phụ. Ông Phan Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, so với Tết năm ngoái, ngành đường sắt năm nay đưa thêm 2 ram xe (đoàn toa xe), nâng tổng số lên 64 ram xe để tổ chức lập tàu phục vụ hành khách đi lại. Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu của hành khách sẽ tổ chức lập thêm tàu, nối thêm toa. Như trước Tết, ngày 11-1-2020 tổ chức chạy thêm 2 đoàn tàu TP. HCM - Hà Nội. Đặc biệt, giá vé tàu sẽ linh hoạt điều chỉnh theo thị trường. Chặng nào, thời điểm nào đông khách sẽ tăng giá và ngược lại.

Tính đến cuối tháng 12-2019, ngành đường sắt còn khoảng 80.000 vé tàu cả trước và sau Tết. Trong đó, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn còn khoảng 18.000 chỗ xuất phát tại các ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang, Hà Nội vào thời gian trước Tết từ ngày 14 đến 23-1-2020 (tức ngày 20 - 29 tháng Chạp). Tuy nhiên, các mác tàu chạy dịp cao điểm vào các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp hầu như đã hết vé. Chiều ngược lại, còn khoảng 62.000 chỗ xuất phát tại các ga Hà Nội đến Nha Trang, Biên Hòa và TP. HCM vào thời gian sau Tết từ ngày 28-1 đến 9-2-2020 (tức ngày 4 đến 16 tháng Giêng).

Theo bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Tổng giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, tổng số vé tàu Thống Nhất đã bán khoảng 240.000 vé. Về tàu khu đoạn, đến nay công ty mới lập thêm 1 mác tàu Hà Nội - Nghệ An và đã bán gần như hết vé. Tùy theo nhu cầu của hành khách, công ty sẽ tổ chức bán vé các tàu khu đoạn lập thêm trên tuyến Bắc - Nam theo kế hoạch với giá vé tương đương năm ngoái. Trong khi đó, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện còn khoảng 18.500 chỗ từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc trước Tết và khoảng 26.500 vé sau Tết. Tuy vậy, các vé này chủ yếu là ghế ngồi, ghế phụ và thời gian đi lại không phải những ngày cao điểm Tết.

Hàng không còn vé, nhưng giá không giảm

Năm nay, các  hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific đều mở bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán từ rất sớm. Từ giữa tháng 8 đến 9-2019, các hãng đã công bố kế hoạch mở bán hàng chục nghìn vé máy bay Tết. Riêng Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO) số lượng tăng lên vào dịp Tết là gần 2,23 triệu chỗ (tương đương gần 12.000 chuyến bay).

Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, theo kế hoạch, từ 11-1 đến 9-2-2020 (17 tháng Chạp tới 16 tháng Giêng) dự kiến cung cấp gần 2,5 triệu ghế trên toàn mạng bay trong nước và quốc tế. Bamboo Airways cũng đã công bố sẽ cung ứng tổng cộng gần 1 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng gần 700.000 chỗ (tương đương 3.600 chuyến bay so với cùng kỳ). Thậm chí, hãng này còn cho biết, sẽ tăng cường mở thêm đường bay mới trong giai đoạn này.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại lượng chỗ đặt mua của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay nội địa dịp Tết Nguyên đán 2020 mới đạt trung bình từ 40 - 45%. Cụ thể, trên chặng TP.HCM - Hà Nội, số vé đặt mua trong dịp 2 tuần trước Tết mới đạt khoảng 40% lượng vé cung ứng. Một lượng vé tương tự cũng được bán ở chiều ngược lại (Hà Nội - TP.HCM) trong dịp sau Tết. Các chặng khác như TP.HCM - Vinh hay TP.HCM - Hải Phòng, tỷ lệ vé bán có cao hơn, đạt khoảng 45%. 

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu khách đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến tăng khoảng 12% so với Tết 2019 và tăng 22% so với thường lệ, ước đạt 12 triệu khách. Tổng số chuyến bay thực hiện dịp Tết có thể lên tới 73 nghìn chuyến, trung bình 2.350 chuyến/ngày. Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến năm nay, nhu cầu khách đi lại tăng 11% so với dịp Tết 2019, đạt 4 triệu khách, trung bình 130 nghìn khách/ngày với khoảng 30 nghìn chuyến bay đi/đến.

Dịp Tết năm ngoái (2 tuần trước và sau Tết), tổng khách thông qua hệ thống cảng trên cả nước đạt gần 10 triệu khách. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên cho thấy, dù lượng vé máy bay Tết các hãng mới bán ra được 45%, cơ hội còn nhiều cho hành khách nhưng giá không hề rẻ. 

Theo đó, với tuyến đi TP.HCM - Hà Nội vào ngày 17-1-2020, các chuyến bay Vietnam Airlines đều còn chỗ, nhưng giá vé vô cùng đắt đỏ. Cụ thể, giá vé từ 3,5 triệu đồng/lượt vào các khung giờ bay trong ngày. Song, ở chặng ngược lại Hà Nội - TP.HCM cùng thời gian này, giá lại khá “mềm”, dao động quanh mốc 800.000 đồng/lượt. Từ ngày 17-1-2020 trở đi (chặng TP.HCM - Hà Nội) thì giá vé chỉ có tăng. Tương tự, vé máy bay Vietjet Air chặng TP.HCM - Hà Nội vào ngày 17-1-2020 dù có đến hơn chục chuyến còn vé, nhưng giá dao động từ 2,2-3,3 triệu đồng/lượt. Còn Bamboo Airways, cùng thời gian và chặng bay này giá dao động từ 2,2-3 triệu đồng/lượt. Tất cả cá chuyến bay trong ngày đều vẫn còn chỗ.

Ngân Tuyền (ANTĐ)