Chỉ sau 1 tháng thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, số người đến kê khai cấp lại bằng lái xe đã tăng trên 30%.
Giả khai báo mất, làm nhiều GPLX để phòng bị tước
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, dù chưa có con số thống kê trong cả nước do chưa đến thời gian 2 tháng cấp lại GPLX theo quy định, nhưng chỉ riêng tại Phòng Cấp đổi GPLX của Tổng cục, số người đến khai báo mất GPLX xin cấp lại đã tăng trên 30%.
Mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào gian dối trong việc kê khai hồ sơ xin cấp lại bằng lái xe, song trong tháng 12/2019, chỉ có 38 trường hợp đến Phòng Cấp đổi kê khai xin cấp lại thì tháng 1 đã tăng lên 52 người. Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, chắc chắn con số này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Cũng theo ông Thống, không chỉ lái xe kinh doanh vận tải sợ mất nghề mà ngay cả người lái xe không chuyên nghiệp cũng rất sợ thu giữ GPLX. Sau khi Nghị định 100/NĐ-CP ban hành, có tình trạng người dân chưa vi phạm giao thông nhưng vẫn giả khai báo mất GPLX, làm sẵn vài chiếc đề phòng khi vi phạm bị CSGT giữ hoặc tước GPLX.
“Theo quy định, sau hai tháng cơ quan quản lý xác minh không phát hiện họ vi phạm bị tước hoặc giữ bằng lái thì phải cấp lại theo yêu cầu. Tiếp tục như thế, sau hai tháng có thể lại làm tiếp thêm một chiếc GPLX. Nếu không có trao đổi, không tra cứu thì không phát hiện được người đó sử dụng GPLX đã giả khai báo mất. Dữ liệu GPLX của Tổng cục đầy đủ thông tin để làm việc này”- đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, mỗi GPLX đều có số GPLX và số phôi khác nhau. Cơ sở dữ liệu sẽ lưu lại số phôi của GPLX hợp lệ sau cùng, còn GPLX đã báo mất là không hợp lệ và không được phép sử dụng. Nếu lực lượng CSGT không tra cứu trên cơ sở dữ liệu, chỉ ra quyết định thu giữ thì thu giấy phép này họ sẽ có GPLX khác.
Để phát hiện ra hành vi này, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT thu giữ GPLX cần tra cứu vào cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để biết GPLX đó có hợp lệ hay không. Nếu đã bị thu giữ GPLX và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu sẽ không cấp lại được. Trong trường hợp làm giả, hành vi đó sử dụng giấy tờ giả.
“Còn trong trường hợp tài xế đã bị CSGT tạm giữ GPLX mà gian dối để làm thêm GPLX, tra cứu trên dữ liệu vi phạm của CSGT sẽ phát hiện được ngay. Tuy nhiên, cũng có trường hợp “lọt” nếu như CSGT không cập nhật vào hệ thống hay không gửi sang ngành giao thông”, ông Thống chia sẻ.
Cần lấp lỗ hổng chia sẻ, kết nối dữ liệu
Được biết, từ ngày 1/6/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục CSGT kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT.
Khi CSGT kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm để biết lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX. Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị CSGT tạm giữ, bị xử lý vi phạm khi cấp lại GPLX. Sau 6 tháng hai đơn vị sẽ tổng kết đánh giá việc phối hợp. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả tổng kết đánh giá cụ thể.
Liên quan vấn đề kết nối dữ liệu, ông Lương Duyên Thống cho biết, hiện mới chỉ phối hợp ở mức tra cứu thông qua tài khoản mà chưa có sự kết nối liên thông cơ sở dữ liệu dùng chung. Việc tra cứu vẫn mang tính thủ công, khi cấp lại GPLX, cơ quan cấp GPLX truy cập vào cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm của lực lượng CSGT thông qua tài khoản để tra cứu.
Tổng cục Đường bộ cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền kết hợp với xử lý vi phạm nghiêm, xử phạt các trường hợp gian dối bị cấm lái xe 5 năm, sau đó tuyên truyền nâng cao tính răn đe.
Lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát tăng cường tra cứu, phối hợp với ngành giao thông để xử lý theo chế tài của Thông tư 38. Trong tháng 5/2020 tới đây GPLX sẽ được quét mã QR kết nối ngay vào cơ sở dữ liệu GPLX của Tổng cục.
Ngân Tuyền (ANTĐ)