Đóng
 

Thứ sáu, 20/09/2024 | 04:56
17:34  |  29/07/2022

Hệ thống thu phí đường bộ không dừng ở Singapore hiện đại thế nào?

Quốc đảo sư tử" Singapore là một trong những nước sở hữu hệ thống giao thông hiệu quả bậc nhất thế giới. Quốc gia này đã triển khai hệ thống thu phí không dừng từ năm 1998 và vẫn duy trì cho tới nay.

Là một quốc gia có diện tích đất chỉ hơn 700km2, song Singapore lại có mật độ dân số rất cao. Mặc dù có một hệ thống giao thông công cộng mạnh mẽ, ô tô vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại phổ biến trong nước.

Theo Development.asia, Singapore là nước đầu tiên áp dụng việc định giá ùn tắc như một công cụ để kiểm soát lưu lượng giao thông.

Vào năm 1975, “quốc đảo sư tử” bắt đầu áp đặt một mức giá cố định theo Kế hoạch Cấp phép Khu vực (ALS) và được thực thi thủ công. Tại thời điểm đó, cơ sở vật chất của nước này chưa hề hiện đại. Để thực hiện việc thu phí, Chính phủ cho dựng các trạm đơn giản, không hề sử dụng các thiết bị công nghệ cao.

Khi các phương tiện này vào trung tâm thương mại, họ phải mua vé giấy và dán lên kính. Một năm sau, lượng ô tô vào trung tâm giảm 40%. Tuy nhiên, biện pháp thủ công này đòi hỏi lượng nhân viên rất lớn nên khó kiểm soát và đẩy cao chi phí hoạt động, đồng thời gây bất tiện cho người lái xe.

Đề án này sau đó được cải tiến trong nhiều năm và được nâng cấp thành hệ thống Định giá Đường điện tử (Electronic Road Pricing - ERP) hiện tại, tự động tính phí của người lái xe mỗi khi họ đi qua những con đường được sử dụng nhiều trong giờ cao điểm.

Mức phí sẽ tăng hoặc giảm tùy theo mức độ ùn tắc trên đoạn đường có thu phí hoặc đường cao tốc. Hệ thống thu phí điện tử xe vào nội đô đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý tắc nghẽn giao thông.

Hệ thống ERP hoạt động dựa trên 3 bộ phận chính là các cổng ERP đặt trên các tuyến đường, thiết bị thu phí gắn trên phương tiện (In-vehicle Unit - IU) và thẻ nạp tiền trả trước (CashCard hay EZ-Link), cuối cùng là hệ thống máy tính trung tâm.

Các cổng ERP này được hỗ trợ bởi hệ thống camera có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của các phương tiện qua cổng, đồng thời ghi lại biển số xe và kiểm tra các xe có gắn thiết bị thu phí hay không. Thiết bị này được gắn trên xe và đặt ở phía trước, có khe để lái xe lắp thẻ trả phí giao thông tự động.

IU có khả năng hiển thị chữ số, phát âm thanh để thông báo cho tài xế về khoản tiền bị trừ và số dư. Khi một chiếc xe đi qua giàn ERP, hệ thống sẽ tự động trừ phí trong thẻ trong vòng 10 giây bằng công nghệ liên lạc vô tuyến tầm ngắn (DSRC) chuyên dụng.

Camera tại các cổng ERP sẽ chụp ảnh từng chiếc xe. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, chẳng hạn như xe không có IU hoặc thẻ không đủ tiền, hệ thống sẽ gửi hình ảnh của xe đến trung tâm kiểm soát. Chủ sở hữu của chiếc xe sau đó sẽ nhận được thông báo thanh toán phí ERP tại thời điểm đi qua cổng cộng với phí phạt 10 SGD (~170 nghìn VNĐ).

Nếu đóng phạt chậm, vé phạt sẽ tăng lên 70 SGD (~1,2 triệu VNĐ). Trong trường hợp quá 28 ngày, chủ phương tiện có thể bị triệu tập ra tòa.

Mức thu phí ERP hiện nay tại Singapore dao động trong khoảng 50 cent - 3,5 SGD (~11 - 59 nghìn VNĐ) mỗi phương tiện tính trên một lượt đi qua các cổng ERP. Dựa theo mật độ giao thông, mức phí sẽ được thay đổi 30 phút một lần. Bên cạnh đó, cứ 3 tháng/lần Cơ quan quản lý giao thông đường bộ Singapore sẽ kiểm tra lại mức giá thu một lần để điều chính cho hợp lý. 

Việc giá cước liên tục được điều chỉnh nhằm mục đích đảm bảo các phương tiện di chuyển với trong phạm vi tốc độ tối ưu 45-65 km/h với đường cao tốc và 20-30 km/h với đường huyết mạch.

Sự thành công của mô hình thu phí đường bộ ERP tại Singapore đã được nhiều thành phố tại các quốc gia khác áp dụng như London (Anh), Toronto, Ontario (Canada), Stockholm (Thụy Điển), Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất), Milan (Italy),… .

Mặc dù hoạt động hiệu quả nhưng Singapore vẫn tiếp tục nâng cấp và cải thiện hệ thống ERP. Theo đó, trong tương lai ERP tại “quốc đảo sư tử” sẽ không còn hoạt động dựa trên camera, thay vào đó là công nghệ định vị vệ tinh (GNSS). Thay vì lắp đặt cổng thu phí cố định trên đường, GNSS sử dụng vệ tinh để nhận diện và tính phí khi xe di chuyển đến những khu có lưu lượng giao thông cao.

Với hệ thống mới này, mỗi chiếc xe sẽ tự động trở thành một bộ cảm biến, giúp Cơ quan Giao thông Vận tải và Đất đai Singapore (LTA) có cái nhìn tổng thể, chính xác về tình hình giao thông và can thiệp nếu cần thiết. Thậm chí, LTA sau đó có thể truyền ngược trở lại các dữ liệu này cho lái xe, giúp họ lập kế hoạch cho cuộc hành trình, tránh các con đường tắc nghẽn.

Việc tính cước, truyền đạt thông tin sẽ diễn ra trên bộ thiết bị mới có tên On-board Unit (OBU). Với xe máy, OBU chỉ là một thiết bị đồng bộ. Trên xe hơi và những phương tiện khác, OBU gồm một ăng-ten, bộ xử lý và màn hình cảm ứng.

Theo kế hoạch, GNSS sẽ được áp dụng lên toàn đất nước Singapore vào năm 2021. Tuy nhiên, đại dịch Covide-19 nổ ra khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng và hệ thống mới này sẽ được áp dụng vào năm 2023.

So với hệ thống ERP cũ được áp dụng từ 1998, hệ thống mới có những ưu điểm vượt trội như: Thay vì sử dụng các cổng thu phí đặt trên các con đường như trước đây, hệ thống mới sử dụng định vị vệ tinh để nhận diện quãng đường đi của xe; giảm ùn tắc giờ cao điểm mà nhà quản lý vẫn có thể tính phí đường bộ một cách chính xác.

T.T (Tuoitrethudo)

Tư vấn

Cách bảo vệ ô tô mùa lũ giá rẻ, hữu ích

Trong điều kiện ngập lụt, cách bảo quản xe tốt nhất vẫn là đưa xe đến các vị trí cao, ở những khu vực kín gió hoặc có mái che kiên cố, những vị trí nước không thể dâng tới. Nếu...