Đóng
 

Thứ bảy, 23/11/2024 | 07:04
11:03  |  05/08/2021

Làm thế nào để có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030?

Quy hoạch đường bộ đặt ra yêu cầu tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Điểm nổi bật nhất của quy hoạch mới lần này là tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, quy hoạch xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau và tuyến đường Hồ Chí Minh, coi đây là các dự án tạo ra đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ông Cường cho rằng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng từ trước đến nay chủ yếu bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam có 5.000km đường cao tốc

Một trong các giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội. Bộ GTVT sẽ kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên đầu tư PPP, chỉ đầu tư công các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách.

Ngoài ra, tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư PPP và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai.

Cùng đó, sẽ khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ;

Huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, có tính cân đối giữa các vùng miền.

Bộ GTVT cũng rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý, đề xuất thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực và rút ngắn tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc; đánh giá, nhân rộng các mô hình về thu hút đầu tư PPP thành công ở Trung ương và địa phương.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, qua đó tạo thêm nguồn lực cho ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc khác.

Giai đoạn đến 2020, Bộ GTVT đã đặt ra mục tiêu hoàn thành 2.000km đường bộ cao tốc vào năm 2020 nhưng cuối cùng không đạt được, theo ông Cường, nguyên nhân là do điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, trong khi đó việc huy động nguồn lực xã hội hóa chưa nhiều.

Ngoài ra, cơ chế chính sách còn vướng mắc, bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến phân cấp đầu tư. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro, nguồn vốn tín dụng dài hạn chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, quy định về đất đai, sử dụng tài sản công như: Nhượng quyền khai thác các công trình giao thông và việc chuyển các doanh nghiệp đầu tư, quản lý hạ tầng sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước còn nhiều vướng mắc.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...