Mua xe cá nhân nhưng đứng tên công ty đem đến cho người mua những lợi ích ngắn hạn nhưng lại có rủi ro không hề nhỏ trong tương lai khiến người mua gặp không ít cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Câu hỏi "Mua một chiếc xe bằng tiền cá nhân nhưng lại để công ty đứng tên" luôn khiến nhiều người phải băn khoăn bởi những cái lợi khá lớn trước mắt. Tuy nhiên, đằng sau lợi ích đó là những vấn đề nan giải sẽ làm chủ xe đau đầu không biết xoay sở ra sao.
Mua một chiếc xe với tên công ty, lợi ích là gì?
Đầu tiên, cần phải làm rõ vấn đề lợi ích mà người mua sẽ nhận được ngay sau khi mua xe dưới tên công ty. Đó chính là vấn đề tiền thuế. Hiện nay, khi mua một chiếc ô tô mới, người mua sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) vào khoảng 10% giá trị chiếc xe. Nhưng nếu công ty đứng tên chủ sở hữu chiếc xe thì thuế giá trị gia tăng công ty phải chịu khi mua ô tô sẽ được coi là thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể được khấu trừ cho công ty. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn là chủ doanh nghiệp/công ty đứng tên sở hữu chiếc xe, hoá đơn VAT khi đóng để mua chiếc xe đó sẽ ghi rõ đơn vị đóng là tên công ty của bạn, và sau này khi đến kỳ quyết toán thuế, công ty của bạn sẽ được khấu trừ tiền thuế này do đã đóng lúc mua xe.
Lợi ích thứ hai chính là các hoá đơn xăng dầu có thể quyết toán với công ty chủ sở hữu chiếc xe. Ví dụ bạn đi đổ xăng và lấy hoá đơn bán hàng về đưa cho kế toán của công ty, vì chiếc xe thuộc quyền sở hữu của công ty nên công ty sẽ phải chịu toàn bộ chi phí mà chiếc xe phát sinh bao gồm sửa chữa, cầu đường hay xăng dầu... Cơ bản chiếc xe được coi như là tài sản công vụ nên sẽ được thanh toán các chi phí liên quan. Tất nhiên, việc này cũng sẽ tuỳ từng trường hợp cụ thể và không phải lúc nào cũng như vậy.
Đó là những lợi ích mà bạn có thể nhận được trong trường hợp bạn là chủ doanh nghiệp/ công ty đứng tên chủ sở hữu chiếc xe. Còn trong trường hợp ngược lại thì lợi ích mà bạn nhận được là không đáng kể so với những phiền toái dưới đây.
Vậy ngoài những lợi ích trước mắt đó, có mặt hại nào không?
Việc đầu tiên bạn sẽ phải lường trước là khi bạn để công ty là chủ sở hữu chiếc xe, nghiễm nhiên theo đúng pháp luật thì chiếc xe của bạn sẽ là tài sản riêng của công ty. Như vậy, trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ dẫn tới việc nợ nần ngân hàng, làm ăn phi pháp hay thậm chí là phá sản... chiếc xe của bạn cũng sẽ nằm trong danh sách bị ngân hàng, toà án kê biên, tịch thu hoặc xung công quỹ... Bạn sẽ mất trắng tài sản của mình dù đó là việc không mong muốn.
Rủi ro thứ hai mà bạn sẽ phải gánh chịu đó là việc bán xe. Thông thường với một chiếc xe do chính bạn đứng tên sở hữu với tư cách pháp nhân thì việc mua đi bán lại khá dễ dàng và chẳng có mấy nhiêu khê. Tuy nhiên, nếu xe của bạn đứng tên công ty sở hữu thì chuyện đó lại hoàn toàn khác. Đại đa số những người đi mua xe cũ hay các đại lý thu mua xe sẽ có tâm lý rất e dè và ngại ngần với những chiếc xe có nguồn gốc do công ty đứng tên bởi lẽ ai cũng nghĩ những chiếc xe này thuộc dạng "cha chung không ai khóc", xe đi nhiều, xe đi phá, va quệt.... đó là còn chưa kể tới những vấn đề về sự cố như tai nạn, đâm đụng, ngập nước... Đó là tâm lý chung của những người đi mua xe cũ, thường chỉ muốn xe qua tay 1 đời chủ, có đại diện đảm bảo về uy tín, lịch sử của chiếc xe.
Thêm vào đó, còn là những khó khăn do các thủ tục hành chính khá phức tạp gây ra. Thông thường, quy trình để bán một chiếc xe khi chủ sở hữu xe là doanh nghiệp/công ty bao gồm Công chứng giấy tờ mua bán xe, công ty chủ sở hữu phải suất hoá đơn VAT rồi đóng thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng và lệ phí công chứng sang tên đổi chủ. Đó là còn chưa kể tới các thủ tục về khấu hao tài sản theo quy định của nhà nước sẽ được lấy làm thước đo để tính thuế trước bạ của xe.
Bên cạnh những rủi ro to lớn đó còn là vô số những phiền toái mà việc để tên công ty đứng tên chủ sở hữu xe gây ra. Trong trường hợp chiếc xe của bạn gặp một vướng mắc gì về giao thông hay các cơ quan nhà nước mà vi phạm vượt quá các yếu tố có thể giải quyết dân sự hành chính thông thường, bạn sẽ phải có giấy tờ giới thiệu của công ty để giải quyết các tranh chấp liên quan. Vụ việc sẽ không còn đơn giản nằm trong tầm giải quyết của bạn nữa mà sẽ liên quan tới toàn bộ công ty nơi chiếc xe thuộc sở hữu.
Đó là một loạt các yếu tố lợi, hại của việc mua xe cá nhân nhưng lại để tên công ty làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu bạn là chủ của doanh nghiệp, thì việc để công ty của bạn là chủ sở hữu chiếc xe lại là chuyện hợp lý. Chính vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi có ý định để tên công ty/doanh nghiệp làm chủ sở hữu "xế yêu" của bạn. Tránh những trường hợp tiền mất tật mang và vô số hệ luỵ trong tương lai.
Hoàng Đạt (Tuoitrethudo)