Đóng
 

Chủ nhật, 24/11/2024 | 06:33
09:45  |  09/07/2020

Quy chuẩn 41:2019 cho phép lái xe đi tiếp khi đã đèn vàng trong trường hợp nào?

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT do Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực đầu tháng 7/2020 có nhiều quy định mới đáng chú ý về chế tài xử lý đối với lái xe vượt đèn vàng, biển báo hiệu…    

Đèn vàng vẫn được đi tiếp? 

Về việc vượt đèn vàng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, khi nhìn thấy đèn vàng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng trước vạch. Còn theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, khi tín hiệu vàng bật sáng, các phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đi quá vạch dừng, hoặc quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.

Khi đèn tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”. Trường hợp không có vạch sơn “vạch dừng xe”, phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Người tham gia giao thông cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “vạch dừng xe”, sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Nếu phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Đèn vàng là tín hiệu để chuyển pha sang đèn đỏ hay còn gọi là thời gian dọn nút giao, để khi xe đi vào nút giao với tốc độ cao, gặp tín hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu đèn đỏ nếu dừng lại sẽ không an toàn thì được phép đi tiếp. Trong trường hợp xe đi từ xa với tốc độ chậm dừng lại an toàn thì phải dừng lại.

Quy định trên phù hợp với Công ước Viên và thực tế giao thông ở Việt Nam, đảm bảo sự an toàn hơn cho người tham gia giao thông, hạn chế các vụ tai nạn khi phanh đột ngột, xe phía sau đâm vào. 

Về xử phạt hành chính, theo Điểm a - Khoản 5 - Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Quy định cụ thể về biển báo bắt đầu và hết khu đông dân cư

Thời gian qua, nhiều lái xe đã bị xử lý về lỗi chạy quá tốc độ vì nhầm tưởng là đã đi qua khu đông dân cư do không có biển báo. 

Để khắc phục tình trạng này, Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT đã quy định cụ thể về biển báo "bắt đầu khu đông dân cư" (R.420) và biển báo "hết khu đông dân cư" (R.421).

Theo đó, biển R.420 bắt đầu khu đông dân cư không cần nhắc lại sau đường giao nhau và hiệu lực của nó đến R.421 hết khu đông dân cư. Trong phạm vi này, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư tại đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên là 60 km/h. 

Tại đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 50 km/h. Với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, tốc độ tối đa 40 km/h.

Do tại khu vực đô thị có rất nhiều nút giao, không thể mỗi nút giao lại đặt biển nhắc lại nên người tham gia giao thông khi gặp biển R.420, cần chú ý tuân thủ tốc độ cho phép trong khu đông dân cư và chỉ khi thấy biển R.421 thì biển R.420 mới hết hiệu lực, lúc đó các phương tiện mới có thể tăng tốc độ.

Ngoài ra, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019, biển P.111A cấm xe máy và xe gắn máy sẽ thay đổi thành cấm xe gắn máy. Đối với tín hiệu đèn vàng, Quy chuẩn mới bỏ khái niệm tiến sát đến vạch dừng và thay bằng đến quá gần.

HL (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...