Từ 1/1/2020, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành, hàng loạt lỗi vi phạm giao thông đã bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm với mức phạt khá nặng. Tuy vậy, một số cá nhân vi phạm tìm cách chống đối, kiên quyết không ký khi bị lập biên bản xử phạt.
Liên quan đến hành vi này, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, không ít người vi phạm quy định về an toàn giao thông không ký biên bản vì họ cho rằng nếu mình không ký CSGT sẽ không có căn cứ để xử phạt.
Song, theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, xử phạt hành chính có thể lập biên bản hoặc không lập biên bản. Trong đó, có 2 trường hợp có thể xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản, đó là xử phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức.
Trường hợp nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính do dùng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hàng loạt lỗi bị phạt tại chỗ, không lập biên bản như điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10 km/h; Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt (không còi, xi nhan khi vượt trước); Chở người ngồi trên xe sử dụng ô…
Như vậy, trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng vẫn tiến hành xử phạt vi phạm giao thông mà không cần lập biên bản. Nếu phải lập biên bản mà người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan thì theo Điều 58 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, nếu cá nhân vi phạm không ký vào biên bản thì vẫn bị tiến hành xử phạt. Trường hợp này, CSGT có thể yêu cầu đại diện chính quyền hoặc hai người chứng kiến ký vào biên bản, đồng thời phải ghi rõ vào biên bản lý dongười vi phạm từ chối ký vào biên bản - Luật sư Thu nhận định.
Bên cạnh đó, hành vi không ký vào biên bản xử phạt cũng có thể được coi là hành vi trái pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS 2015.
Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Cũng theo Luật sư Thu, nếu người vi phạm giao thông dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để không ký vào biên bản vi phạm thì có thể bị xử lý về tội danh trên.
Huệ Linh (ANTĐ)