Đóng
 

Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:37
13:43  |  21/10/2021

Tại sao đèn giao thông ở Nhật Bản lại có màu xanh lam thay vì xanh lục ?

Bắt kỳ du khách nào lần đầu tiên đặt chân đến xứ sở hoa anh đào đều sẽ cảm thấy kì quặc khi đèn giao thông ở đây lại có màu đỏ, vàng và xanh lam chứ không phải đỏ, vàng, xanh lục như thông thường.

Được biết, lý do cho sự khác biệt này bắt nguồn từ tiếng Nhật, khi mà 1 từ có thể dùng để chỉ cả màu xanh lam và xanh lục. Từ xa xưa, người Nhật quan niệm chỉ có có 4 màu cơ bản là trắng, đen, đỏ và xanh. Trong đó, màu đỏ để chỉ tông màu nóng nói chung còn màu xanh dùng để chỉ tông màu lạnh. Vì vậy, bất cứ màu gì có màu xanh đều được mô tả chung bằng từ “ao” hay “aoi”.

Tới giai đoạn Heian (794-1185) ở Nhật Bản, ngôn ngữ nước này có thêm từ “midori” (có nghĩa là nảy mầm) để biểu thị cho màu xanh lục. Tuy nhiên, “midori” vẫn không được sử dụng rộng rãi và có sự chồng chéo trong cách dùng của hai từ này.

Đèn giao thông đầu tiên của Nhật Bản được giới thiệu vào năm 1930, được lắp bởi người Mỹ ở tại giao lộ Hibiya. Khi đó, màu xanh trên cột đèn là màu xanh lục nhưng trong văn tự và các tài liệu ghi chép của người Nhật vẫn dùng từ Ao - xanh lam.

Những năm sau đó, khi hệ thống đèn giao thông trên thế giới tiến đến những bộ quy tắc chung, chính phủ Nhật Bản muốn thay đổi tên gọi của màu xanh đèn giao thông như màu sắc vốn có của chúng. Tuy nhiên điều này khiến chính phủ gặp rắc rối với các nhà ngôn ngữ học.

Sau đó, thay vì thay đổi mô tả họ lại quyết định đổi ánh sáng đèn giao thông và vẫn cố gắng gắn chặt chẽ với luật pháp quốc tế. Vì vậy, đến năm 1973 chính phủ Nhật Bản đã chuyển màu đèn giao thông từ xanh lục sang màu xanh lam như một cách để thuật ngữ "Ao" tiếp tục được sử dụng trong ngôn ngữ của người Nhật.

Quốc tế cũng không hề có quy định chính xác nên dùng màu nào mới đúng nên sự điều chỉnh màu của đèn xanh cũng không có gì ảnh hưởng đến giao thông trên phố. Mặc dù vậy, trong một quy ước quốc tế về màu sắc giao thông, được 74 quốc gia phê chuẩn, đã đưa ra các màu đỏ, vàng và xanh lục thì Nhật Bản vẫn chưa ký kết.

Tú Trương (Tuoitrethudo)