Đóng
 

Thứ ba, 22/04/2025 | 06:14
09:09  |  21/04/2025

Người thừa kế Porsche chi 294 tỷ VNĐ để xây đường hầm xuyên núi vào gara riêng

Wolfgang Porsche, cháu trai của Ferdinand Porsche – nhà sáng lập thương hiệu xe thể thao lừng danh, đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ tại quê nhà khi đề xuất xây dựng một đường hầm xuyên núi Kapuzinerberg để dẫn tới gara riêng dưới căn biệt thự cổ của ông.

Căn biệt thự này được xây dựng từ thế kỷ XVII, từng thuộc sở hữu của nhà văn nổi tiếng Stefan Zweig, được Wolfgang Porsche mua lại vào năm 2020 với giá khoảng 9 triệu USD (232 tỷ VNĐ). 

Nằm trên đồi Kapuzinerberg, biệt thự có tầm nhìn hướng ra trung tâm thành phố Salzburg, gần các địa danh gắn liền với thiên tài âm nhạc Mozart. Con đường hiện tại dẫn lên biệt thự khá nhỏ hẹp và quanh co, khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục, Porsche đề xuất xây dựng một gara ngầm gồm 12 chỗ đậu xe theo hình chữ thập, kết nối với trung tâm thành phố bằng một đường hầm xuyên qua núi. Tổng chi phí cho công trình này ước tính lên tới 10 triệu euro (tương đương hơn 294 tỉ VNĐ).

Dự án từng được chính quyền cũ của Salzburg phê duyệt vào năm 2024. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử và sự thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo, kế hoạch này đã tạm thời bị hoãn. 

Phe đối lập, dẫn đầu là bà Ingeborg Haller thuộc Đảng Xanh, đặt câu hỏi về tính pháp lý và đạo đức của việc một cá nhân có thể đào hầm xuyên đất công phục vụ nhu cầu cá nhân.

“Điều khiến người dân bất ngờ là một người giàu có có thể đơn phương thay đổi địa hình thành phố,” bà Haller nói trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal.

Điểm gây tranh cãi lớn nhất là việc phải điều chỉnh quy hoạch thành phố để cho phép dự án thực hiện. Hội đồng thành phố Salzburg sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu quyết định số phận dự án vào tháng tới. Hiện kết quả vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước áp lực từ công chúng, Wolfgang Porsche đã đưa ra một số nhượng bộ: mở cửa biệt thự cho công chúng tham quan sau khi quá trình cải tạo hoàn tất, đồng thời cho phép người dân sống gần khu vực sử dụng đường hầm chung.

Dẫu vậy, nhiều người vẫn cho rằng sự can thiệp của Porsche là biểu tượng của bất bình đẳng. Họ đặt câu hỏi tại sao một cá nhân lại được ưu tiên xây hầm xuyên qua khu vực được coi là di sản văn hóa và không gian công cộng, trong khi các dự án công thường mất hàng năm để xin giấy phép.

Phản ứng của cư dân địa phương và cộng đồng mạng cũng không thống nhất. Một số người thể hiện sự bất bình: “Ông ấy đã 81 tuổi. Liệu còn đủ thời gian để tận hưởng con đường mới? Nếu có tài xế, thì tại sao phải bận tâm đến những khúc cua?” 

Trong khi đó, một số khác bày tỏ thái độ trung lập hoặc ủng hộ: “Nếu có tiền, tôi cũng làm vậy thôi.” 

Ông Hans Peter Reitter, một giám đốc ngân hàng đã nghỉ hưu tại Salzburg, nhận định: “Đây là chính trị của sự đố kỵ. Chúng ta đang tranh cãi về một gara riêng, trong khi thành phố còn biết bao vấn đề nghiêm trọng hơn cần được quan tâm.”

Dù đồng thuận hay phản đối, dự án đường hầm cá nhân của Wolfgang Porsche vẫn đang làm nóng các cuộc tranh luận ở Salzburg – nơi quá khứ cổ kính và nhu cầu hiện đại ngày càng có nguy cơ xung đột.

TH (Tuoitrethudo)