Đóng
 

Thứ ba, 29/04/2025 | 11:21
09:15  |  29/04/2025

TMT Motors đặt mục tiêu đến 2030 phát triển tối thiểu 30.000 trạm sạc tại Việt Nam

TMT Motors vừa thông qua kế hoạch thành lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh Trạm sạc xe điện TMT, với mục tiêu phát triển tối thiểu 30.000 trạm sạc trên toàn quốc trong giai đoạn 2025 - 2030.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, TMT cho biết sẽ chủ động đầu tư và liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất, lắp đặt trạm sạc xe điện theo công nghệ tiên tiến. Các trạm sạc sẽ được thiết kế với công suất từ 7kW trở lên, sử dụng tiêu chuẩn Châu Âu CCS2 cùng các chuẩn quốc tế khác, phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam.

Mạng lưới trạm sạc không chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân mà còn được quy hoạch đáp ứng yêu cầu vận hành của các hãng taxi điện và đội xe vận tải đô thị. Theo kế hoạch, tổng số súng sạc lắp đặt đến năm 2030 dự kiến đạt 60.000 đơn vị.

Song song với đầu tư hạ tầng sạc, TMT cũng đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp và kinh doanh các dòng xe máy điện, xe điện ba bánh chở khách và chở hàng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh, bao gồm cả cung ứng phụ tùng và bộ phận phụ trợ.

Đại diện TMT cho biết, công ty đã làm việc với một số nhà cung cấp trạm sạc uy tín và đang bước đầu triển khai các hoạt động hợp tác. Đây được xem là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng sang lĩnh vực xe điện mà doanh nghiệp theo đuổi từ năm 2023.

TMT vốn có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất, phân phối xe tải dưới các thương hiệu như Cửu Long, Tata, Howo, DFSK và TMT, với dải sản phẩm từ 900 kg đến 40 tấn. Năm 2023, công ty chính thức gia nhập thị trường xe điện khi hợp tác với liên doanh SAIC-GM-Wuling (Trung Quốc) để phân phối các mẫu xe điện mini tại Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu mới, TMT đã hoàn thiện dây chuyền lắp ráp ô tô điện tại Hưng Yên, với công suất thiết kế ban đầu 30.000 xe/năm và đang cân nhắc nâng lên 60.000 xe/năm trong tương lai gần. Hiện tại, doanh nghiệp phân phối hai mẫu ô tô điện Wuling Mini EV và Wuling Bingo, đồng thời dự kiến ra mắt thêm bảy mẫu xe điện Trung Quốc khác trong năm nay.

Trong năm 2023, TMT tiêu thụ được 591 xe điện, con số này tăng lên 1.358 xe trong năm 2024. Phần lớn xe điện được bán cho các hãng taxi như Let’s Go Taxi, TOGO Group, hoạt động chủ yếu trong nội tỉnh với giá cước dao động từ 8.000 - 9.000 đồng/km.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty vẫn chưa khả quan. Năm 2024, TMT ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 325 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024 giảm mạnh, còn 112 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh số 8.075 xe, tăng 152% so với năm trước. Trong đó, lượng xe điện kỳ vọng đạt 3.404 chiếc. TMT đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 270 tỷ đồng, đánh dấu kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ sau năm tài chính thua lỗ.

Để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất, công ty dự kiến tuyển thêm 750 công nhân cho nhà máy, nâng tổng số lao động sau tuyển dụng lên khoảng 1.260 người. Điều này diễn ra trong bối cảnh năm 2024, TMT đã cắt giảm 79 nhân sự, đưa tổng số lao động về 510 người.

Việc đồng thời phát triển mạng lưới trạm sạc và mở rộng danh mục sản phẩm xe điện cho thấy TMT đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái xe điện toàn diện tại Việt Nam. Đây được xem là chiến lược tất yếu trong bối cảnh thị trường ô tô điện hóa nhanh chóng, đặc biệt ở phân khúc taxi điện và phương tiện giao thông đô thị.

TH (Tuoitrethudo)