Tháng 3 vừa qua, ngành công nghiệp ôtô tại Nga chứng kiến cú trượt dài nghiêm trọng khi lượng xe bán ra giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái – chỉ đạt khoảng 83.000 xe.
Tính từ đầu năm 2025, doanh số toàn thị trường cũng đã tụt 26%, xuống mức 254.000 xe, theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (AEB).
Đây được xem là một trong ba đợt suy giảm nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ, chỉ sau cú sốc doanh số tháng 3/2022 (giảm 59%) và đợt khủng hoảng đầu năm 2015 (giảm 36%).
Niềm tin mờ nhạt, thị trường chờ đợi trong rủi ro
Theo ông Alexey Kalitsev, Chủ tịch Ủy ban các nhà sản xuất ôtô Nga, người tiêu dùng hiện đang rơi vào trạng thái “chờ đợi” với kỳ vọng rằng các thương hiệu lớn từng rút khỏi thị trường sẽ sớm quay lại. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại – sự rút lui ngày càng rõ rệt và có hệ thống.
“Nếu đà giảm tiếp tục kéo dài, ngành ôtô trong nước có thể bước vào giai đoạn khủng hoảng toàn diện, buộc phải có hỗ trợ khẩn cấp từ nhà nước”, ông Kalitsev cảnh báo.
Hàng loạt thương hiệu lớn “dứt áo ra đi”
Cuộc rút lui của các hãng xe toàn cầu khỏi Nga không còn là chuyện tạm thời. Ford, BMW, Toyota, Mercedes-Benz, Lamborghini… đã lần lượt dừng hoạt động sản xuất, thanh lý tài sản và rút nhân sự. Nhiều hãng còn chi trả chi phí nghỉ việc cho công nhân – động thái cho thấy họ không có ý định trở lại trong tương lai gần.
Song song đó, các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp tục gây áp lực nặng nề lên chuỗi cung ứng, tài chính và khả năng duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp còn lại trong nước.
Tương lai mờ mịt
Không chỉ là bài toán doanh số, Nga đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công nghệ, linh kiện và đầu tư dài hạn trong ngành ôtô – một lĩnh vực vốn phụ thuộc nhiều vào hợp tác quốc tế. Ngay cả với những hãng xe nội địa, việc duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí leo thang và nguồn cung hạn chế đang trở thành thách thức lớn.
Trong khi nhiều thị trường lớn trên thế giới đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và bước vào cuộc đua điện hóa, thì ngành ôtô Nga lại bị “bỏ lại phía sau” trong thế bị động, thiếu kết nối và khát vốn đầu tư.
PV (Tuoitrethudo)