Đóng
 

Thứ ba, 16/04/2024 | 18:06
13:08  |  26/01/2019

Việt Nam đã và đang sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 thế nào?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát. Đồng thời, trong lĩnh vực công nghệ, nếu không “bỏ cái cũ thì cái mới sẽ không về”, do vậy cần  bỏ đi tư duy không quản được thì cấm.

Thực tế, việc thích ứng với cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam còn khá hạn chế. Cụ thể như, từ dịch vụ gọi xe, hay chia sẻ kinh tế là ví dụ điển hình nhất về 4.0 ở Việt Nam, nhưng phải mất gần hai năm để xem xét cách điều tiết nền kinh tế chia sẻ và dịch vụ gọi xe vẫn chưa thể hoàn thiện.

Trong khi đó, TAND TP.HCM đã đưa ra một bản án gây tranh cãi, trong đó không hề quan tâm mô hình kinh doanh mới là dịch vụ gọi xe và đề nghị với Chính phủ về phân loại lại dịch vụ gọi xe là taxi.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra chiều 17/1/2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mọi doanh nghiệp, cá nhân đều phải sử dụng công nghệ số tốt hơn, giúp thay đổi về chất, giúp tăng trưởng cao hơn, tăng năng suất lao động, chi phí rẻ, tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều người hơn; đồng thời, giảm khoảng cách nông thôn với thành thị, giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài của loài người như môi trường, giàu nghèo, tìm hiểu tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân và hoạt động chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định ở Việt Nam, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số mới chỉ mang tính tự phát. Để phát triển nhanh cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, cụ thể là cần có bộ chuyển đổi số thống nhất. Điều này là rất bức thiết khi Việt Nam đi chậm so với các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp nên đứng ở thế chủ động đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Lãnh đạo Bộ TT&TT lấy ví dụ, việc nền tảng gọi xe công nghệ Uber thách thức taxi truyền thống, hay công nghệ fintech đang thách thức thanh toán qua ngân hàng. Vấn đề ở đây là Chính phủ có dám chấp nhận cái mới hay không.

“Người ta nói rằng số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng về chính sách, chứ không phải là cách mạng về công nghệ. Dám chấp nhận các công nghệ mới, phá hủy cái cũ thì công nghệ mới, người tài sẽ về”, Bộ trưởng Hùng nói. Ông cho rằng việc chấp nhận cái mới phải làm sớm, không thể đi sau người khác, chậm hơn người khác, vì như thế không có giá trị. Muốn chấp nhận cái mới cũng cần có cách tiếp cận khác. Nếu như trước kia ở một số nơi cái mới xuất hiện thì “quản được thì mở”, “quản được đến đâu mở đến đó”, “không quản được thì cấm”, thì hiện nay phải thay đổi.

Nêu quan điểm về cuộc CMCN 4.0 hiện nay ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tại Việt Nam, lực lượng tiên phong ứng dụng CMCN 4.0 là những doanh nghiệp tư nhân, bởi đây mới là những doanh nghiệp năng động, dám nghĩ dám làm. Còn doanh nghiệp Nhà nước vẫn nặng tư duy hành chính kiểu xin-cho. Và kinh doanh hộ cá thể, gia đình dù chiếm tới 32% GDP và nhiều hộ gia đình sử dụng lao động rất lớn nhưng lại nộp thuế theo kiểu định lượng có lợi cho đôi bên nên cũng không có nhu cầu lớn mạnh thành doanh nghiệp. Như vậy thì nói gì đến việc ứng dụng CMCN 4.0?.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, muốn tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân ứng dụng khoa học, kỹ thuật thì phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, cắt giảm điều kiện kinh doanh, công khai minh bạch về thủ tục hành chính, cởi mở với cái mới.

Các nhà hoạch định chính sách phải cải cách bộ máy hành chính, thể chế, bớt gây phiền hà, đeo đá vào chân doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có thể tập trung vào ứng dụng CMCN 4.0. Muốn thực sự đưa cuộc CMCN 4.0 vào nền kinh tế thì nói phải đi đối với làm, đưa ra tiêu chí, chiến lược cụ thể cho từng ngành, từng địa phương lĩnh vực, để tránh tình trạng nói suông, ứng dụng 4.0 kiểu phong trào.

Còn chuyên gia Nguyễn Trí HIếu thì nhìn nhận, hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các nhà làm luật của Việt Nam cũng rất lúng túng trước cái mới như đồng tiền  itcoi, ứng dụng công nghệ vào giao thông như Grab, Uber.  Bởi, những “cái mới” này chưa từng có tiền lệ trên thế giới nên bản thân các nhà hoạch định chính sách cũng chưa biết dựa vào đâu để xây dựng.

Tuy vậy, cũng đã đến lúc chúng ta phải đưa ra quy định, nếu chưa thể xây dựng thành những đạo luật thì cũng cần phải có những cơ sở pháp lý ở mức thấp hơn như Nghị định, Thông tư… để có cơ sở quản lý, không thể để ngỏ nền kinh tế CMCN 4.0 nếu không sẽ bị bỏ rơi quá xa.

Còn với doanh nghiệp cũng phải nhận thức được những khó khăn, thách thức cũng như nhu cầu mới trong một nền kinh tế được thâm nhập bởi cuộc CMCN 4.0, từ các doanh nghiệp giao thông đến dược phẩm hay nông nghiệp phải đón nhận công nghệ mới, nắm bắt công nghệ mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.

Hà​ Thủy(ANTĐ​)