Đóng
 

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:44
13:35  |  19/05/2022

Xe cấp cứu, cứu hỏa "bất lực" vì bị chiếm làn khẩn cấp - nỗi xấu hổ trên cao tốc

Xe cấp cứu, xe cứu hỏa…“bất lực” vì bị chiếm làn khẩn cấp trên đường cao tốc, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi khiến không ít người bức xúc. Mặc dù chế tài xử lý về hành vi vi phạm này đã có song dường như chỉ nằm trên giấy.

Ngày 18-5 vừa qua, trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hướng từ Long An đi TP.HCM, đơn vị thi công tiến hành sửa chữa khe cầu Cây Gáo (thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) khiến đoạn đường này ùn tắc kéo dài hơn 3 km.

Ngay lập tức, làn khẩn cấp trên cao tốc bị các phương tiện đua nhau tràn vào giành đường, khiến một số xe cứu thương không còn chỗ để di chuyển, phải len lỏi, nhích từng mét để đưa người đi cấp cứu.

Trước đó, tại cao tốc này cũng xảy ra tình trạng tương tự. Một ô tô chở nhớt bất ngờ bốc cháy, lan dài khoảng 100 m.

Khi sự cố xảy ra, một số chủ phương tiện đã vượt phải vào làn đường khẩn cấp khiến xe cứu hỏa liên tục hú còi, nhưng vẫn đi rất chậm vì bị nhiều ô tô chiếm chỗ.

Việc các phương tiện tự ý đi vào làn đường khẩn cấp không chỉ cản trở các phương tiện ưu tiên khi làm nhiệm vụ, mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngoài việc tự ý dừng đỗ trên làn khẩn cấp, nhiều chủ phương tiện còn thường xuyên đi vào làn đường này để vượt xe khác rất nguy hiểm.

Cách đây không lâu, cũng tại cao tốc Trung Lương, một xe ô tô 7 chỗ khi đang dừng trên làn khẩn cấp đã bị 1 ô tô bốn chỗ đang chạy phía sau không tránh kịp đâm vào đuôi. Cùng lúc, 2 xe khác và một xe khách 29 chỗ lao đến tông liên hoàn. Tai nạn làm phần đầu và đuôi của 5 ô tô bị biến dạng.

Xe cấp cứu len lỏi nhích từng chút do làn khẩn cấp đã đông kín phương tiện

Về vị trí và tác dụng của làn khẩn cấp, trên đường cao tốc, làn ngoài cùng bên phải thường hẹp hơn các làn khác, chiều rộng theo thiết kế quy định rộng 3,3 m, được tách biệt bằng vạch liền sơn màu trắng. Tác dụng của làn này là "dừng khẩn cấp", dành cho các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông.

Còn theo Điều 22 của Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy vào làn khẩn cấp như xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe quân sư, xe công an làm nhiệm vụ, xe hộ đê, đoàn xe tang...

Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể mức phạt song vẫn còn không ít người đánh cược an toàn của mình và người khác, ngang nhiên dừng đỗ bừa bãi, tự ý đi vào làn khẩn cấp để vượt lên hay mỗi khi xảy ra tai nạn, ùn tắc khiến nhiều người tham gia giao thông bức xúc.

Anh Nguyễn Đình Long ở quận, Hoàn Kiếm, Hà Nội đặt câu hỏi: “Cứ ùn ứ một chút là xe lập tức vào làn khẩn cấp. Chẳng lẽ chúng ta bó tay với vấn nạn này? Hay chỉ đến khi xảy ra những vụ tai nạn rất nghiêm trọng, cơ quan chức năng mới nhìn nhận nghiêm túc và có những biện pháp răn đe mạnh tay hơn? Trong khi đó, với quy định hiện hành, chỉ cần áp dụng hình thức phạt nguội qua camera và xử phạt mạnh tay là có thể xử lý được”.

Với tâm trạng tương tự, ông Phạm Mạnh Quang ở Thanh Miện, Hải Dương - lái xe khách đường dài Bắc - Nam chia sẻ, những hình ảnh về xe cấp cứu, xe cứu hỏa… phải chen chúc, bất lực giữa làn khẩn cấp khiến không ít lái xe cảm thấy xấu hổ.

Theo ông Quang, nỗi xấu hổ sẽ không còn, khi luật pháp được thực thi nghiêm minh, công bằng. Để có được văn hóa giao thông thì không thể chỉ trông chờ vào ý thức của người dân mà cần xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể tăng tiền phạt kết hợp với việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, đồng thời yêu cầu lái xe vi phạm phải lao động công ích. Bên cạnh đó, cần tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát để phạt nguội.

H.L (ANTĐ)