Theo một số báo cáo, trong năm 2022 vừa qua, các quốc gia tại Châu Âu đã bỏ ra số tiền khổng lồ khoảng 350 triệu EURO (tương đương 8.875 nghìn tỷ VNĐ) để trợ cấp cho các phương tiện plug-in hybrid (PHEV).
Tuy nhiên, có vẻ số tiền đầu tư cho xe PHEV này thực sự không đem lại nhiều lợi ích, giúp giảm thiểu khí thải. Chia sẻ trên trang Twitter của mình, trung tâm vận động giao thông sạch Transport & Environment đã dẫn số liệu nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Graz về dữ liệu khí thải thực tế để chứng minh điều trên.
Theo đơn vị này, các dòng xe PHEV hoạt động dựa trên sự kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện. Đây là một giải pháp để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe ở các nước Châu Âu về tiêu chuẩn khí thải và đặc biệt là nhằm giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu. Tuy nhiên, thử nghiệm thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Theo đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Graz đã tiến hành thử nghiệm ba mẫu xe PHEV là BMW 3-Series, Peugeot 308 và Renault Megane, để xác định giá trị tiêu thụ và giá trị phát thải của xe trên một giá thử nghiệm. 3 mẫu xe này sẽ được thử nghiệm vận hành trên quãng đường đô thị có chiều dài 50 km.
Theo đó, kết thúc bài thử nghiệm, chỉ có hãng xe nước Pháp là Renault Megane PHEV có thể vượt qua ngưỡng phạm vi hoạt động thuần điện như ước tính. Trong khi đó, mẫu sedan thể thao BMW 3-Series chỉ đạt 74%, còn “sư tử Pháp” Peugeot 308 chỉ có thể hoàn thành một nửa quãng đường trong chu trình WLTP.
Như vậy, kết quả trên cho thấy mẫu Renault Megane phát thải lượng CO2 nhiều hơn 70% so với quảng cáo. Con số tương ứng với Peugeot 308 là 20%. Trong khi đó, mẫu xe BMW 3-Series phát thải lượng khí CO2 ra môi trường cao hơn 300% so với kết quả khi thử nghiệm trong chu trình WLTP.
Đó là khi bộ pin được sạc đầy, còn khi bộ pin cạn kiệt năng lượng, những mẫu xe trên sẽ phát thải ra lượng khí thải cao hơn từ 5 - 7 lần so với kết quả trong chu trình thử nghiệm.
Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm, cả 3 chiếc xe này đã phải khá khó khăn mới có thể đạt được phạm vi hoạt động thuần điện như khi vận hành thử nghiệm trong chu trình WLTP. Bên cạnh đó, xe cũng phát sinh nhiều khí thải ra môi trường hơn so với kết quả thử nghiệm.
Theo các thống kê, số xe PHEV ở châu Âu hiện đang vận hành chủ yếu nhờ vào động cơ đốt trong, con số này chiếm đến 71% và rất hiếm khi những chiếc xe PHEV này được người dùng cắm sạc.
Điểm đáng chú ý, trong 3 mẫu xe được đưa vào thí nghiệm trên, có chiếc sedan thể thao BMW 3-Series được hãng quảng cáo là sở hữu công nghệ “eDrive Zone”. Công nghệ này sẽ giúp xe nhận biết những khu vực không phát thải trong đô thị và tự động chuyển đổi sang vận hành hoàn toàn bằng điện.
Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả nghiên cứu lại không chứng minh được điều đó. Công nghệ này không những không giúp ích cho việc hạn chế phát thải khí CO2 mà còn tăng nguy cơ khiến lượng khí thải phát sinh nhiều hơn khi mẫu PHEV này di chuyển ở các khu vực khác.
Do đó, Transport & Environment cho rằng, chính phủ các quốc gia tại Châu Âu nên thay đổi cách thức trợ cấp, nên khuyến khích, ủng hộ người dân sử dụng xe thuần điện dùng pin hơn, thay vì dòng xe PHEV.
TH (Tuoitrethudo)