Tình hình mưa lũ, sạt lở trong nhiều ngày qua đã khiến các tỉnh thành miền bắc bị lũ lụt, ngập úng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của người dân mà các phương tiện, đồ đạc cũng bị hư hại nghiêm trọng.
Dưới đây là một số cách mà các chủ xe cần biết để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra đối với những chiếc xế hộp vừa bị “ngâm nước” của mình.
Dọn, vệ sinh nội thất
Khi xe bị ngập nước, người dùng nên nhanh chóng vệ sinh và dọn dẹp sạch sẽ nội thất để tránh xe bị han gỉ, ẩm mốc và ảnh hưởng đến hệ thống điện.
Đầu tiên, cần mở hết cửa xe để thông thoáng. Sử dụng máy hút bụi, khăn lau để làm khô khoang nội thất, loại bỏ nước đọng bên trong xe. Sử dụng máy hút ẩm, quạt để nhanh chóng làm khô các linh kiện, tránh gây hư hỏng những thiết bị điện tử như màn hình giải trí, bảng điều khiển trung tâm.
Khu vực ghế ngồi hay ốp cửa bằng nỉ hoặc da cần được vệ sinh kỹ càng và làm khô. Để tránh bị hoen gỉ, chủ xe cũng cần lau khô các bộ phận mạ kim loại như: sàn xe, ốc vít trên cánh cửa hay khu vực chân ghế…
Khu vực gầm xe
Nếu ô tô bị ngâm lâu trong nước, gầm xe có nguy cơ han gỉ rất cao. Các chất bẩn từ nước và bùn đất có thể lọt vào làm kẹt các khớp chuyển động của hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái. Chủ xe cần đưa xe đến gara để có thể làm sạch và kiểm tra kỹ các vấn đề này..
Kiểm tra hệ thống điện, cảm biến
Quanh thân xe và sàn xe đều có hệ thống điện, dây dẫn và một số giắc kết nối nên cần được kiểm tra thật kỹ và làm khô nếu không may xe bị ngập nước. Nếu không xử lý ngay, để lâu ngày có thể gây oxy hóa, dẫn tới trục trặc các thiết bị điện và điện tử trên xe.
Các thiết bị khác như: hệ thống đèn, loa, hay điều hòa cũng cần xem xét để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, tùy mức độ ngập nước mà chủ xe cũng cần chủ động mang ra gara để kiểm tra hệ thống nhiên liệu, lọc gió, phanh, máy nén điều hòa...
Xử lý động cơ bị ngập nước
Động cơ là phần phức tạp nhất của ô tô. Nếu xe bị ngập sâu qua nắp capo thì cần phải "bổ máy" để kiểm tra và xử lý.
Nếu xe bị thủy kích, nhiều khả năng tay biên có thể bị cong, thành xi-lanh bị trầy xước hoặc nghiêm trọng hơn là vỡ lốc máy, chi phí sửa chữa sẽ rất tốn kém, dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy mức độ hư hỏng và giá trị xe.
Việc một chiếc ô tô có giá trị lớn gặp những tác nhân gây hại khách quan như ngập lụt cục bộ làm ảnh hưởng tới chiếc xe là điều không ai muốn.
Vì vậy, các chủ xe nên trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để bảo vệ chiếc xe của mình trong mùa mưa lũ như hiện nay. Trong trường hợp phải mua một chiếc xe đã qua sử dụng, cũng cần xem xét kỹ xem liệu nó đã từng bị ngập nước hay chưa, để tránh gặp phải các trường hợp không đáng có.
Ảnh: Phạm Thái Sơn