Dự án đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 100.000 tỷ đồng đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính cần thiết cũng như hiệu quả mang lại.
Trung Quốc chỉ tài trợ vốn lập quy hoạch
Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi khổ 1.435mm.
Thông tin ban đầu được biết, Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc được lựa chọn là Tư vấn lập quy hoạch tuyến đường sắt này và đoạn kết nối từ Lào Cai với đường sắt của Trung Quốc qua Hà Khẩu.
Tư vấn đưa ra phương án, tuyến đường bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 380km.
Tuyến kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc qua Hà Khẩu (Lào Cai). Tuyến được thiết kế khổ ray 1.435mm, đường đơn, kết hợp tàu khách và hàng, tốc độ chạy tàu 160km/h, năng lực vận tải 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ GTVT, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu nhân dân tệ để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt này.
Dù dự án đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, được Bộ GTVT cho biết phù hợp quy hoạch phát triển đường sắt đến 2030, nhưng hầu hết các chuyên gia giao thông và kinh tế đều cho rằng, cần phải xem xét về tính thời điểm cũng như hiệu quả của dự án này. Đáng nói, nhiều người tỏ ra nghi ngại về khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc cho dự án.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, hiện nay, Bộ GTVT chỉ thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của pháp luật. Còn đến giai đoạn lập dự án đầu tư là một câu chuyện khác.
Việc xác định đầu tư vào thời điểm nào, ai đầu tư, nguồn vốn từ đâu sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ra quyết định. Không có liên quan và ràng buộc gì việc bên tài trợ lập quy hoạch sẽ được lựa chọn đầu tư.
Sau khi quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án. Dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư.
Hiệu quả mù mờ
Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, dự án đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng cần phải được thảo luận và đánh giá chặt chẽ. Đây là dự án có mức đầu tư lớn vì vậy hiệu quả của dự án đến đâu, vận chuyển hàng hóa như thế nào và hành khách ra sao?
“Bộ GTVT phải chứng minh được khối lượng hàng hóa, hành khách vận chuyển trên tuyến này cũng như hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án. Nếu không, đầu tư một tuyến đường sắt cả 100.000 tỷ đồng chỉ để chở thuê hàng hóa cho Trung Quốc từ Côn Minh đi Hải Phòng mà thôi”- TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Cũng theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, đầu tư lớn cho tuyến đường sắt trong khi lưu lượng hành khách, hàng hóa chưa lớn sẽ gây lãng phí. Bộ GTVT cần nhìn vào thực tế, đơn cử như dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - cảng Cái Lân (Hạ Long) được đầu tư tới 3.400 tỷ đồng song vẫn dang dở, không đạt mục tiêu tốc độ chạy tàu và vắng khách. Hay, mạng lưới đường sắt hiện có cũng chưa khai thác hết được được công suất.
Do vậy, trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn hiện nay, Bộ GTVT nên tập trung nâng cấp mạng lưới đường sắt hiện có thay vì đầu tư mới một tuyến đường sắt tới 100.000 tỷ đồng, cũng như nhiều dự án giao thông cấp bách hơn. Bài học về việc đầu tư mới hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có hiệu quả đã từng có.
Theo ông Doanh, đơn vị tư vấn Trung Quốc có thể đưa ra các con số hiệu quả đầu tư để thuyết phục Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt nêu trên, tạo thuận lợi cho họ chuyển hàng hóa từ Côn Minh đến Hải Phòng. Do đó, Bộ GTVT cần thuê tư vấn độc lập đánh giá quy hoạch, tính toán lại lưu lượng hành khách và hàng hóa.
“Bộ GTVT cần tổ chức hội thảo khoa học độc lập có sự tham gia góp ý của các chuyên gia, thậm chí là chuyên gia nước ngoài để thảo luận đưa ra các luận cứ có căn cứ thực tiễn, được tính toán một cách khoa học về dự án này”- TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Trần Thiện Cảnh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, nếu không xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thì đường sắt Việt Nam có nguy cơ bị loại ra khỏi giao thông xuyên Á.
Tuy nhiên, ông Cảnh đề xuất, quy hoạch đường sắt mới đi theo hướng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) để tận dụng được tuyến Yên Viên - Hạ Long đang dang dở, vừa kích thích phát triển kinh tế - xã hội vùng Quảng Ninh - Hải Phòng.
Ngân Tuyền (ANTĐ)