Mỗi hãng xe ô tô trên thế giới đều có những ký hiệu để phân biệt các dòng xe riêng với nhau và BMW cũng không phải ngoại lệ.
Có thể nói, BMW là một trong số ít những hãng xe hơi sắp xếp các ký tự tên gọi của mình khá khoa học và hợp lý. Nhưng nếu chỉ thoạt nhìn qua, mọi người chắc chắn sẽ khó hiểu được các ký tự này có ý nghĩa là gì, chức năng ra sao. Hôm nay hãy cùng chúng tôi giải mã những ký hiệu được xem là "bí ẩn" này để tìm kiếm câu trả lời.
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu tên gọi chung để phân biệt các dòng xe của tất cả các hãng xe trên thế giới chứ không chỉ riêng BMW.
1. Dòng xe Sedan: Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là các mẫu xe 4 cửa có gầm thấp và 4-5 chỗ ngồi. Xe sedan sẽ có đầy đủ 3 bộ phận đầu xe, thân xe và đuôi xe. Một ví dụ điển hình về dòng xe Sedan mà chắc chắn ai cũng biết, có thể kể tên như Toyota Camry hay Mazda6...
Mazda6 - Đại diện tiêu biểu cho dòng Sedan tầm trung
2. Dòng xe Hatchback: là mẫu xe 4 cửa có gầm thấp với 4-5 chỗ ngồi. Cấu tạo có đầu xe, thân xe nhưng lại không có đuôi xe.
Một ví dụ quen thuộc: Mazda3 Hatchback
3. Dòng xe Wagon: là mẫu xe có cấu tạo giống hatchback nhưng lại có thêm trục D bao trùm lên phần cốp sau, giúp tăng diện tích cốp xe. Những mẫu xe Wagon rất phổ biến ở châu Âu nhưng lại không thịnh hành ở thị trường Việt Nam do tính thẩm mỹ của từng đất nước tương đối khác nhau.
4. Dòng xe Coupe: là những mẫu xe với thiết kế thể thao, cá tính chỉ với 2 cửa thay vì 4 cửa thông thường. Xe Coupe có nhiều loại biến thể từ 2 đến 5 chỗ ngồi tuỳ dòng xe và hãng xe. Trần xe vẫn là mui cứng không thể mở ra.
5. Dòng xe Convertible: Có cấu tạo gần y hệt so với dòng Coupe nhưng dòng Convertible lại có khả năng đóng/mở mui. Chúng ta có thể gọi nôm na là dòng xe "mui trần". Phần mui có thể được làm bằng vải bạt hoặc mui cứng tuỳ xe.
BMW 4-Series Convertible
6. Dòng xe Cabriolet: Cũng giống như dòng Convertible nhưng điểm khác biệt chỉ ở chỗ dòng Cabriolet lại chỉ thường sử dụng mui mềm bằng vải bạt thay vì có thể là dạng cứng như Convertible.
Mercedes-Benz E-Class Cabriolet
7. Dòng xe Roadster: Roadster là dòng xe mui trần với cấu hình chỉ 2 chỗ ngồi duy nhất và không có khả năng đóng mở mui điện mà người dùng sẽ phải can thiệp bằng tay để tháo/mở mui.
Lamborghini Aventador Roadster với bộ mui cứng nhưng lại là dạng tháo lắp bằng tay
8. Dòng xe Spyder: Spyder là những mẫu xe thể thao mui trần với 2 cửa và cấu hình 2 chỗ ngồi. Dòng xe này có 2 biến thể có mui hoặc mui trần. Nhưng nếu là biến thể mui trần thì phần mui sẽ được đóng/mở bằng điện thay vì phải dùng tay như dòng Roadster.
Ferrari 488 Spyder với bộ mui cứng có thể đóng/mở điện
9. Dòng xe Fastback: Có thể hiểu đơn giản Fastback là dòng xe có phần mui kéo dài đến cốp sau và đầu xe khá dài. Xe được tuỳ chọn từ 2 - 5 chỗ ngồi tuỳ dòng xe nhưng chỉ với 2 cửa duy nhất.
Rolls-Royce Wraith là một ví dụ tiêu biểu về dòng xe Fastback
10. Dòng xe có đuôi GT (Gran Tourer): Có thể hiểu nôm na đây là những dòng xe có hiệu suất cao nhưng vẫn mang yếu tố sang trọng và tiện nghi.
Mercedes-Benz AMG GT
11. Dòng xe SUV: Đây là dòng xe có thiết kế từ 5 - 7 chỗ ngồi và đặc biệt là có thiết kế gầm cao và không có đuôi xe. SUV là từ viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle, những mẫu xe này có khả năng đi được mọi loại địa hình từ onroad đến offroad.
Porsche Cayenne - Định nghĩa mới về dòng xe SUV có hiệu suất cao
12. Dòng xe MPV: Có thể nói đơn giản đây là những dòng xe có phần thùng xe rất to và thiết kế chỉ với 5 - 7 chỗ ngồi. Chính vì vậy, những dòng xe MPV có khoảng không gian nội thất rộng lớn hơn dòng SUV rất nhiều. Những dòng xe này đặc biệt thích hợp cho các gia đình hoặc các ông chủ cần một chiếc xe rộng rãi và thoải mái.
Toyota Alphard - chuyên cơ mặt đất
Và tiếp theo, một câu hỏi được đặt ra là tại sao thương hiệu xe Đức lại có cái tên BMW và BMW có ý nghĩa gì? Để hiểu được điều này, chúng ta cần biết xuất xứ của hãng xe BMW, BMW có quê hương từ nước Đức và cụ thể là Xứ Bavaria. Theo đó, BMW là viết tắt của từ Bayerische Motoren Werke AG đây là từ tiếng Đức, khi dịch sang tiếng Việt sẽ có ý nghĩa là Tập đoàn mô-tô và ô tô của vùng Bavaria.
Nếu chỉ thoáng nhìn qua, chắc hẳn mọi người sẽ bị khó hiểu bởi cách đặt tên này của BMW nói riêng hay các hãng xe hơi nói chung nhưng tất cả chúng đều có sự tính toán và logic. Nói đơn giản hơn tất cả chúng đều tuân theo 1 quy luật mà nhà sản xuất đã định sẵn.
Trong thị trường xe hơi thế giới, sẽ phân biệt ra các dòng xe với giá tiền và phân khúc khác nhau nhưng với xe sang của châu Âu sẽ có phần hơi khác. Cụ thể đối với BMW như sau:
1. Xe hạng A: Là xe những mẫu xe nhỏ, mini. (Mini Coopers)
2. Xe hạng B: Là loại xe cỡ nhỏ (BMW chưa có mẫu xe nào cho phân khúc này)
3. Xe hạng C: Là loại xe cỡ trung bình (BMW 1-Series)
4. Xe hạng D: Là loại xe cỡ trung bình lớn (BMW 3-Series)
5. Xe hạng E: Là loại xe cỡ lớn (BMW 5-Series)
6. Xe hạng F: Là loại xe Full-Size, nghĩa là loại to nhất, đầu bảng (BMW 7-Series)
7. Xe hạng J: Dòng SUV (BMW X-Series)
8. Xe hạng M: Dòng MPV (BMW 2-Series Active Tourer)
9. Xe hạng S: Dòng thể thao (BMW 4-Series, Z4...)
Đối với BMW, hãng gọi tên các dòng xe của mình với ký hiệu Series cùng các con số ở trước. Đây là một điểm riêng của từng hãng xe mà không có hãng nào giống hãng nào. Ví dụ như: Mercedes-Benz đặt tên theo chữ cái C-Class, E-Class... hay Audi gọi với đầu số A, Q, R đi kèm các số thứ tự. Với BMW, mỗi số thứ tự đều tương ứng với các dòng xe khác nhau như các mẫu số lẻ 1, 3, 5, 7 đều là các mẫu xe thông dụng để sản xuất thương mại với số lượng lớn. Các đầu số chẵn như 2, 4, 6, 8 là các mẫu xe mang đặc tính thể thao hoặc coupe, mui trần.
Đặc biệt, đối với dòng xe cao cấp nhất 7-Series thì sẽ không có biến thể Hatchback hay Coupe, wagon... như các mẫu xe "đàn em" bởi 7-Series được sinh ra với sứ mệnh dành cho các ông chủ, các doanh nhân thành đạt. Chính vì vậy, BMW 7-Series chỉ có 1 biến thể duy nhất là dòng Sedan hạng sang.
Ngoài ra, BMW còn có một ký hiệu xe đặc biệt không tuân theo quy tắc "Series". Đó chính là dòng "i". Dòng "i" của BMW là những dòng xe được phát triển mới và có khả năng chạy động cơ điện (ngoại trừ BMW i8 phiên bản thương mại).
Tiếp đến, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách đặt mã hiệu đời xe trên các mẫu BMW
Chắc hẳn, không ít thì nhiều mọi người đã nghe thấy khá nhiều những cái tên như BMW 3-Series G20, BMW X5 E70... Vậy những ký tự G20, E70... có ý nghĩa gì?
Để dễ hiểu hơn về vấn đề này, chúng ta sẽ lấy một ký hiệu là chữ "E" ra để minh hoạ. Chữ "E" được hiểu là viết tắt của từ "Entwicklung" trong tiếng Đức, dịch ra tiếng anh có nghĩa là "Development" và nó là ký hiệu viết tắt của một loại động cơ. Hiểu một cách đơn giản, ví dụ mã E90 có nghĩa là mẫu xe thứ 90 mà BMW nghiên cứu chế tạo của động cơ đó.
Nhưng có một điều khá buồn rằng tất cả các con số trên đều chẳng có một quy luật nào cả. Nếu có cũng chỉ là quy luật thứ tự ra đời các dòng xe sedan - touring - coupe - convertible... Ví dụ như: BMW 3-Series sedan (F30) - touring (F31) - coupe (F32)...
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của các con số trong tên xe BMW
Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp các mẫu xe thông dụng như BMW 328, 430 hay 750, X5 xDrive50i... Vậy chúng có ý nghĩa gì?
Trước đây, BMW quy định các con số này ám chỉ dung tích của động cơ, ví dụ 328i là máy 2.8 Lít, nhưng hiện nay các con số này chỉ có 1 tác dụng duy nhất: các mẫu số càng lớn thì thể hiện công suất càng mạnh.
Ví dụ: mẫu BMW 740i (đời G11) có động cơ I6 - dung tích 3.0 Lít và công suất 326 hp. Mẫu 750i (đời G11) thì lại có động cơ V8 - dung tích 4.4 Lít và công suất 450 hp.
Một số loại động cơ mà hiện nay BMW đang sử dụng, có thể kể đến như:
- 16i: động cơ B38B15, 3 xy lanh dung tích 1.5 Lít, công suất 102hp, sử dụng trên BMW 216i Active Tourer 2017 thế hệ F45.
- 18i: động cơ B38A15, 3 xy lanh, dung tích 1.5 Lít, công suất 136hp, sử dụng trên BMW 218i 2017 thế hệ F22.
- 20i: động cơ B48B20, 4 xy lanh, dung tích 2.0 Lít, công suất 184hp, sử dụng trên BMW 120i 2017 thế hệ F20.
- 30i: động cơ B48B20, 6 xy lanh, dung tích 3.0 Lít, công suất 252hp, sử dụng trên BMW 530i 2017 thế hệ G30.
- 40i: động cơ B58B30O1, 6 xy lanh, dung tích 3.0 Lít, công suất 382hp sử dụng trên BMW M340i 2020 thế hệ G20.
- 50i: động cơ N63B44, 8 xy lanh, dung tích 4.4 Lít, công suất 450hp, sử dụng trên BMW 750i 2016 thế hệ G11 (trước facelift)
- 60i: động cơ N74B66, 12 xy lanh, dung tích 6.6 Lít, công suất 601hp, sử dủng trên BMW M760Li 2016 thế hệ G12 (trước facelift)
Thêm vào đó, BMW cũng có chữ cái đuôi dành cho các mẫu xe của mình nhằm ám chỉ loại nhiên liệu xe tiêu thụ. Hiện tại, BMW cung cấp ra thị trường với 4 loại động cơ gồm động cơ Xăng, Diesel, Hybrid và Điện. Thông thường, các mẫu BMW sử dụng động cơ xăng thì sẽ có chữ “i” (có nghĩa là fuel-injected) - ví dụ 320i, 640i hay 750i. Động cơ dầu thì sẽ có chữ “d” (diesel) như 330d hay 420d.
Với động cơ hybrid, trước đây BMW đặt tên là ActiveHybrid 3, ActiveHybrid 5 hay ActiveHybrid 7. Nhưng sau này, BMW đã sử dụng các tên như: BMW 225xe iPerformance, BMW 530e iPerformance ...
Hệ thống xDrive vs sDrive: Ám chỉ hệ dẫn động của xe
- xDrive: Hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian của BMW phát triển.
- sDrive: Hệ dẫn động cầu sau.
Ngoài ra, cũng có 1 số mẫu xe cỡ nhỏ của BMW sử dụng hệ thống dẫn động cầu trước (FWD).
Và cuối cùng, M-Performance là gì?
M-Performance là một bộ phận trực thuộc BMW có nhiệm vụ "độ" lại chiếc xe nguyên bản sao cho chiếc xe đó thể thao nhất có thể. Cũng giống như AMG của Mercedes-Benz, S-Line của Audi... M-Performance có chức năng tương tự như vậy. M-Performance chuyên cho ra đời các mẫu xe BMW hiệu suất cao, có thể đua được. Thêm vào đó, ngoài việc can thiệp vào hệ thống động cơ, M-Performance còn giúp "tân trang" lại bộ body-kit xe thể thao và cá tính hơn. Có thể kể đến 1 vài cái tên huyền thoại từ bộ phận M-Performance như BMW M3, BMW M5...
Hoàng Đạt (Tuoitrethudo)