Đóng
 

Thứ tư, 01/05/2024 | 22:06
13:15  |  27/09/2023

Cục CSGT: "Khuyến khích chứ không bắt buộc tất cả ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình"

Tại tọa đàm trao đổi về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV sáng 26/9, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đã trả lời về một số đề xuất mới trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, tại dự thảo lần thứ tư Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, Điều 33 quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Lý giải về đề xuất trên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông giải thích, hiện nay nhiều chủ phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình để ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường. Dựa trên thực tế này, tại dự thảo luật lần thứ tư, Bộ Công an đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát hành trình. Tuy nhiên, đây không phải bắt buộc mà lực lượng chức năng chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ô tô cá nhân để bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông.

Hiện nay, đã có rất nhiều phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình. Những camera giám sát hành trình đó có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác, hay ghi lại những sự cố xảy ra trong quá trình tham gia giao thông.

Đối với dữ liệu từ thiết bị giám sát trên ô tô cá nhân, cơ quan chức năng sẽ không thu thập mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác… 

Hiện nay, các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận sự đóng góp của người dân, các cơ quan, tổ chức để chỉnh lý và đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học, đảm bảo tính nhân văn.

Bên cạnh đề xuất lắp camera giám sát hành trình cho các phương tiện, dự thảo còn đề xuất đổi GPLX dạng giấy sang thẻ PET để đồng bộ dữ liệu, dễ quản lý.

Lý giải về đề xuất trên, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, những GPLX cấp trước ngày 1/7/2012 dùng giấy bìa, ép plastic và chưa sử dụng vật liệu PET, vì thế không thể cập nhật dữ liệu lên hệ thống do Cục Đường bộ (Bộ GTVT) quản lý. Việc này đồng nghĩa không thể cập nhật dữ liệu lên dữ liệu quốc gia, tích hợp vào định danh điện tử VNeID.

Việc đổi GPLX không thời hạn cấp trước ngày 1.7.2012 là nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu, đảm bảo phù hợp khi VN là thành viên của các hiệp ước, công ước, gồm cả việc chấp nhận GPLX quốc tế. 

TH (Tuoitrethudo)