Đóng
 

Thứ tư, 24/04/2024 | 13:19
15:31  |  14/04/2019

[ĐÁNH GIÁ XE] Audi Q8 55 3.0 TFSI 2019 - Urus giá rẻ?

Có giá bán rẻ hơn khoảng 4 lần siêu SUV Lamborghini Urus tại thị trường Việt Nam, liệu Audi Q8 có phải là một sự thỏa hiệp hoàn hảo?

Quattro là gì?

 Số 8 luôn là một con số đặc biệt của hãng xe Đức Audi. A8, R8, Q8, bạn thấy sự tương đồng chứ? Audi R8 đã thay đổi cuộc chơi siêu xe “giá rẻ”, mẫu flagship sedan A8 thì luôn là đỉnh cao dẫn đầu về mặt công nghệ. Còn Q8, mẫu SUV lai Coupe này có quá nhiều cái bóng lớn để vượt qua, nhất là khi nó mang trên vai cái tên huyền thoại: Quattro.

Vậy Quattro là gì? Trước khi bị biến thành một cái tên thương mại, Quattro là danh từ khét tiếng nhất trong từ điển của fan cuồng Audi. Nó đại diện cho sự thống trị tuyệt đối của một chiếc xe dẫn động 4 bánh mang trong mình động cơ tăng áp, chiếc “Ur” Quattro.

“Ur” trong tiếng Đức tức là “đầu tiên”, là “khởi nguồn”. Dù chiếc xe cổ sắp được nhắc tới có tên chính thức chỉ là Audi Quattro nhưng nó có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi fan cuồng hãng xe Đức đã tự đặt cho nó một biệt danh để không bị nhầm lẫn với những “con cháu” sau này. Chính là nó: Ur Quattro.

Đó là cuối thập kỷ 70, khi Ferdinand Piëch, cháu nội của Dr. Porsche, người đứng sau dự án Porsche 917, đã thách thức những kỹ sư ưu tú nhất của Audi tạo ra một chiếc xe thống trị. Yêu cầu duy nhất của Ferdinand là: “các anh hãy tạo nên 1 chiếc xe đáng mơ ước, thứ sẽ đi vào lịch sử ngành xe hơi”. Một trong những kỹ sư chấp nhận thử thách đó là Jörg Bensinger, Kỹ sư khung gầm của Audi. Ông là người đã đề xuất những ý tưởng cơ bản nhất của hệ dẫn động 4 bánh Quattro sau khi nhận thấy tiềm năng của chiếc Volkswagen Iltis – chiếc xe nhỏ nhắn nhưng nhanh lẹ hơn bất kỳ chiếc xe to lớn nào trên mặt tuyết.

Chính thức trình làng năm 1980, Audi Quattro không chỉ là chiếc xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian đầu tiên sử dụng động cơ tăng áp mà nó còn là chiếc xe rally đầu tiên tận dụng hệ dẫn động này. Dưới sự điều khiển của Michèle Mouton, Stig Blomqvist, Hannu Mikkola và Walter Röhrl, chiếc Audi Quattro thống trị gần như mọi cuộc đua rally mà nó tham dự. Sự thống trị triệt để đến nỗi gần như mọi hãng xe đều từ bỏ cấu hình dẫn động cầu sau và động cơ nạp khí tự nhiên vào mùa giải năm sau. Tất nhiên, thứ họ lựa chọn là một “cái gì đó” dẫn động 4 bánh và có động cơ tăng áp.

Audi Quattro được biết đến với trải nghiệm vô cùng cân bằng dù cho động cơ nằm trước trục bánh xe rất nhiều, gần như chạm tới mặt ca lăng. Đáng tiếc là hậu bối của nó thì gần như chẳng chiếc nào thoát khỏi căn bệnh thiếu lái do quá nhiều trọng lượng dồn về trục trước! Tổng cộng, có 11.452 chiếc Audi “Ur” Quattro được sản xuất trong khoảng năm 1980 đến 1991. Đây là 1 con số tương đối ít cùng với sự thống trị tại các giải rally khiến Ur Quattro vẫn giữ được giá trị lịch sử của mình. Ngày nay, di sản của Ur Quattro vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong rất nhiều sản phẩm thuộc tập đoàn Volkswagen, từ các sản phẩm của Lamborghini đến Bugatti, tất cả đều sở hữu hệ dẫn động 4 bánh được phát triển từ hàng chục năm kinh nghiệm có được với Ur Quattro.

Q8 – Dòng SUV cao cấp nhất của Audi

“Sự kết hợp giữa một chiếc SUV to lớn và một chiếc coupe 4 cửa sang trọng, với âm hưởng từ huyền thoại Ur-Quattro”. Đó chính xác là những lời Audi dành cho mẫu SUV đầu bảng của mình. Dù những kỹ sư tạo nên chiếc Quattro đầu tiên có lẽ không thể nhận ra sự tương đồng giữa nó và Q8 nhưng dù sao thì đây vẫn là một mẫu SUV rất đáng chờ đợi.

Người hâm mộ Audi chắc chắn sẽ hào hứng với một chiếc xe sang trọng hơn, cuốn hút hơn Q7, còn những người trung lập cũng sẽ chờ đón câu trả lời của Audi với BMW X6 và Mercedes-Benz GLE Coupe. Cả hai đều là những phiên bản đắt hơn, kém hữu dụng hơn những người anh em X5 và GLE, liệu Audi Q8 có như vậy?

Câu trả lời là có. Audi Q8 vẫn kém tiện dụng hơn Q7 do trần xe thấp, nó chẳng khác nào X6 so với X5 – là một phiên bản có ngoại hình cuốn hút hơn bằng việc đánh đổi sự thực dụng. Audi Q8 gân guốc, thể thao hơn Mercedes-Benz GLE Coupe, lại có chút gì đó giống Acura ZDX, đối thủ hờ của BMW X6. Đó là Range Rover Sport phiên bản Đức. Nó là thời trang, một loại thời trang hy sinh tính thực dụng và hiệu quả cho sự khác biệt.

Sự khác biệt đó bị đánh đổi bởi nhiều thứ. Đầu tiên là “tiền đâu”. Nếu chọn Audi Q8 thay vì Q7, mẫu xe chia sẻ chung khung gầm MLB Evo với Q8, bạn sẽ phải móc hầu bao sâu hơn. Audi Q8 sẽ không có tùy chọn máy 2.0 và chỉ được trang bị máy dầu 3.0L tăng áp hoặc máy xăng 3.0L tăng áp, điều khiến giá của dòng SUV này sẽ khá đắt tại Việt Nam. Hiện chưa rõ mức giá chính thức của Audi Q8 tại thị trường Việt Nam, nhưng đã có một số đơn vị nhập khẩu tư nhân báo giá phiên bản máy xăng TFSI với mức giá trên dưới 6 tỷ đồng. Audi Q8 được định vị ở phân khúc cao hơn, với nhiều tùy chọn cao cấp hơn, chắc chắn sẽ đắt hơn nhiều.

Sự đánh đổi tiếp theo là không gian nội thất. Q8 chỉ có 2 hàng ghế và khoảng trống trên đầu người ngồi sau cũng không thực sự quá thoải mái cho người cao 1m8. Trần xe Q8 thấp hơn Q7 khoảng 40 mm vì kiểu vuốt thoải đặc trưng dạng coupe, một con số đủ lớn để cảm thấy sự khác biệt. Q8 cũng ngắn hơn Q7 66 mm, cộng với trần xe thoải đã khiến khoang chứa đồ phía sau của Q8 chỉ còn 605 lít và 1.777 lít khi gập hàng ghế 2. Đây là những con số tương đồng với GLE Coupe và X6, nhưng vẫn kém Q7 170 lít. Thêm nữa, Audi Q7 có tùy chọn hàng ghế thứ 3, Q8 không.

Nếu bạn muốn sở hữu một chiếc SUV có thể chứa được đủ đồ đạc lỉnh kỉnh để đi chơi xa 1 tuần, rõ ràng bạn nên chọn một chiếc SUV truyền thống, đừng chạy theo trào lưu SUV-Coupe! Tuy nhiên, Audi Q8 không phải là một chiếc xe vô nghĩa – nó dành cho những người đang tìm kiếm một chiếc xe 2 trong 1: đẹp như coupe, nhưng (gần) tiện dụng như SUV truyền thống.

Ngoại thất khác biệt

Khi A8 và Q7 thế hệ mới ra mắt, nhiều người cho rằng Audi đã quá an toàn khi thiết kế 2 mẫu xe quan trọng này, trong khi cả BMW và Mercedes đều theo đuổi những thiết kế mạo hiểm nhưng khác biệt và cá tính hơn. Audi Q8 là một hướng tiếp cận rất khác so với những mẫu Audi trước đó.

Q8 là mẫu SUV thứ 5 của Audi và là mẫu SUV thứ 6 được tạo ra dựa trên nền tảng MLB Evo của đại gia đình Volkswagen, sau Audi Q7, Volkswagen Touareg, Bentley Bentayga, Porsche Cayenne và Lamborghini Urus. Chưa hết, những mẫu sedan của Audi cũng chia sẻ các phiên bản khác nhau của nền tảng này, bao gồm A4, A5, A6, A7 và A8. Việc tạo ra một nền tảng chung cho nhiều mẫu xe giúp Volkswagen Group giảm giá thành và thời gian sản xuất. Theo Volkswagen, thời gian sản xuất một chiếc xe thuộc tập đoàn giảm được tối đa 30% so với trước đó. Đó quả là một con số ấn tượng.

Trên thực tế, Audi Q8 mới là mẫu xe được chắp bút trước chứ không phải Lamborghini Urus! Khoảng 4 năm trước, ông Marc Lichte, Giám đốc thiết kế Audi đã phê duyệt thiết kế cuối cùng của mẫu SUV-Coupe đắt tiền nhất của Audi. Tuy nhiên, Lamborghini Urus mới là dòng xe lên dây chuyền sản xuất trước, có lẽ đây là một quyết định chiến lược của “mẹ” Volkswagen nhằm đảm bảo sức hút của mẫu SUV thể thao thương mại đầu tiên của Lamborghini dưới thời Audi. Có thể bạn không tin, nhưng phần thân vỏ của cả Lamborghini Urus và Audi Q8 đều được sản xuất tại nhà máy của Audi ở Slovakia. Vẫn không tin 2 mẫu xe này là anh em của nhau? Bạn hãy nhìn vào thiết kế phần đuôi xe, nhất là góc nhìn ¾, bạn sẽ có câu trả lời.

Audi Q8 có một bộ mặt cực ấn tượng. Nó không hẳn là cái đẹp thuyết phục ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng đây là một bộ mặt hoàn toàn khác biệt so với cả đối thủ và những mẫu Audi trước đó. Thứ hút ánh nhìn nhất là lưới tản nhiệt “Single Frame” hình ngũ giác cực lớn, được sơn màu tương phản với nước sơn chính của xe. Đây là thiết kế đặc trưng của những mẫu SUV của Audi kể từ nay về sau.

Hai bên lưới tản nhiệt là các cụm đèn pha full Matrix LED có khả năng chiếu sáng độc lập từng vùng giúp tăng khả năng chiếu sáng và hạn chế làm chói mắt người đi ở làn đối diện. Phần cản va trước cũng được thiết kế với 2 tông màu tương phản và các hốc hướng gió lớn, tạo nên diện mạo cực ngầu cho mẫu SUV đắt nhất nhà Audi.

Nhìn từ bên hông, các đường nét đậm chất coupe của Q8 mới được thể hiện rõ. Chúng ta có phần nóc xe thuôn thoải về phần đuôi, cột A và cột C cực dốc, tạo nên dáng hình năng động như một chiếc coupe 4 cửa. Tỷ lệ khung kính/thân xe cũng rất nhỏ, càng khiến chiếc xe khác biệt hơn so với các mẫu SUV truyền thống, dù thiết kế này sẽ khiến người ngồi trong cảm thấy ít thoáng đãng hơn vì cửa sổ nhỏ. Audi Q8 được trang bị cửa không viền – cũng là một chi tiết mang tính coupe khác.

Bộ la-zăng tùy chọn có kích cỡ lên tới 22 inch càng khiến mẫu SUV này trông nhỏ hơn so với chiều dài gần 5 mét của nó. Cụ thể, xe có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao, mm) là 4.986 x 2.190 x 1.705 mm, chiều dài cơ sở đạt 2.995 mm.

Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy đường gân “Tornado Line” đặc trưng của Audi đã bị cắt đứt. Đường nét này đã từng là chi tiết xuất hiện trên mọi mẫu Audi trong khoảng 5 năm trở về trước nhưng với việc Audi Q2, Q3, Q5 và bây giờ là Q8 đều từ bỏ thiết kế này, có lẽ đường kẻ nối liền đèn trước đèn sau này sẽ chỉ còn là quá khứ. Dù vậy, Audi không quên gợi lại ký ức Quattro với các vòm bánh xe dập nổi đậm nét ở các 4 bánh xe.

Phần đuôi cũng mang dấu ấn của huyền thoại Ur-Quattro với một dải nhựa đen nối liền 2 cụm đèn hậu LED. Bản thân dải đèn hậu LED này cũng chạy hết chiều ngang của xe, nhấn mạnh bề ngang gần 2 mét của mẫu SUV đồ sộ này. Bên dưới là tấm cản va được nhấn màu đen tương phản với 2 chụp ống xả “fake” hình thoi. Audi là hãng xe khởi đầu trào lưu chụp ống xả “fake” (Mercedes-Benz cũng nhanh chóng “bắt trend”) và theo tôi, họ nên là hãng xe kết thúc điều đó.

Cá nhân tôi thấy kiểu ống xả tròn truyền thống của BMW hay Lamborghini đẹp hơn nhiều, hoặc chí ít với những mẫu xe có chụp ống đa giác như BMW 7-Series, ống xả thật cũng nằm ngay sau chụp ống xả. “Thứ trông giống ống xả” của Audi Q8 thậm chí còn không được nối với bất cứ cái gì!

“Vorsprung durch Technik”

Công nghệ – nhắc đến Audi ta không thể không nhắc tới hàng tá công nghệ mà hãng xe Đức trang bị cho những mẫu xe cao cấp nhất của họ. Q8 được định hình là mẫu SUV đẳng cấp nhất của Audi nên không khó hiểu khi hãng trang bị rất nhiều “đồ chơi” cho đứa con cưng này. Hệ thống treo khí nén? Có. Đánh lái bốn bánh? Có. Hỗ trợ đỗ xe tự động với camera toàn cảnh? Có. Ga tự động có khả năng dừng về 0 km/h và tăng tốc trở lại theo xe phía trước? Có. Hiển thị kính lái tích hợp điều hướng bản đồ? Có. Bất kể công nghệ thịnh hành nào mà bạn nghĩ ra, nhiều khả năng nó đã được trang bị cho Audi Q8.

Hãy bắt đầu từ động cơ, bộ phận quan trọng nhất trên mọi chiếc xe. Chiếc Audi Q8 55 3.0 TFSI mà tôi trải nghiệm được trang bị động cơ V6 3.0 tăng áp đơn TFSI cho công suất tối đa 340 mã lực ở dải tua 5.000-6.400 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 500 Nm tại dải tua vòng rất rộng: 1.350 -–4.500 vòng/phút. Đúng vậy, đó là tính ưu việt của một khối động cơ tăng áp hiện đại so với động cơ nạp khí tự nhiên.

Kết hợp với hộp số tự động 8 cấp Tiptronic, khối động cơ V6 khiến Audi Q8 chỉ cần 5,9 giây để chạm mốc 100 km/h và đạt tốc độ tối đa 250 km/h. Đây là hiệu năng vừa đủ để Audi Q8 mang lại những pha tăng tốc dính lưng khi cần thiết nhưng cũng khiến chiếc xe có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tối ưu nếu chỉ hoạt động cầm chừng, không cần bung hết sức mạnh của khối động cơ V6. Chúng ta sẽ trải nghiệm trọn vẹn khối động cơ này trong phần cuối bài viết.

Một nhân tố quan trọng khác đóng góp vào trải nghiệm của Audi Q8 là hệ dẫn động bốn bánh Quattro danh tiếng. Dù Audi chỉ dùng đúng 1 thương hiệu Quattro cho các hệ dẫn động bốn bánh của họ nhưng thực chất, có tới 3 loại Quattro khác nhau.

Loại đầu tiên là dạng ly hợp đa đĩa kiểu Haldex, thường xuất hiện trên các mẫu A3, Q3, TT v.v.. Với thiết kế này, trong điều kiện hoạt động bình thường, 95% lực xoắn động cơ được truyền ra bánh trước, trong khi bánh sau gần như không nhận được chút năng lượng nào. Bộ ly hợp đa đĩa Haldex sẽ được bộ xử lý ECU khóa lại khi nhận được tín hiệu cho thấy bánh trước đang bị trượt. Khi đó, sự phân bổ lực mô-men xoắn động cơ tối là 50/50. ECU sẽ quyết định bánh sau nhận được 20, 30, hay 50% lực mô-men xoắn phụ thuộc vào việc bánh trước trượt nhiều hay ít. Như vậy, đây là hệ thống phụ thuộc phần lớn vào cảm biến điện tử và nếu bạn chạy kiểu từ tốn trên đường bằng, chiếc Audi có Quattro của bạn chẳng khác nào xe dẫn động cầu trước.

Loại thứ 2 là kiểu vi sai cơ học Torsen. Đây là loại dẫn động bốn bánh phổ biến nhất của Audi và vi sai trung tâm hạn chế trượt kiểu Torsen luôn luôn hoạt động, truyền mô-men xoắn đồng thời đến cả 4 bánh xe. Trong điều kiện hoạt động bình thường, tỷ lệ phân bổ lực xoắn là 50/50 nhưng khi bánh trước hoặc sau bị trượt, vi sai Torsen có thể tự khóa nhờ chốt cơ học và chuyển tối đa 75% lực xoắn đến cặp bánh không bị trượt. Đây là kiểu Quattro được trang bị cho Audi Q8, còn kiểu thứ 3 là dạng kết nối nhớt (Viscous Coupling) với tỷ lệ phân bổ lực xoắn ưu tiên 2 bánh sau. Đó là kiểu Quattro trang bị cho những mẫu xe thể thao như Audi R8.

Vậy là bạn đã có thể yên tâm rằng Quattro của Q8 “xịn” hơn các mẫu Audi thấp cấp hơn rồi nhé! Sau 10 năm phân phối xe tại Việt Nam, Audi gọi Việt Nam là “vùng đất Quattro” vì đa số xe bán ở dải đất hình chữ S đều được trang bị hệ dẫn động bốn bánh. Có thể thấy việc “đánh đồng” 3 loại hệ dẫn động bốn bánh với nhau, gộp lại bằng một từ Quattro là rất hiệu quả về mặt marketing. Với Q8, hệ thống Quattro kiểu Torsen có tỷ lệ phân bổ trước sau là 40/60, hứa hẹn mang lại trải nghiệm thiên về thể thao hơn.

Một công nghệ khác cũng không kém phần ấn tượng là hệ thống hybrid phụ trợ (Mild Hybrid Electric Vehicle – MHEV). Theo Audi, công nghệ này có thể giảm 0.7 lít nhiên liệu/100 km trong điều kiện thực tế. Hệ thống hoạt động với hiệu điện thế 48V, tức là gấp 4 lần so với chuẩn 12V hiện tại. MHEV bao gồm 1 viên pin lithium-ion nhỏ gọn được đặt dưới khoang chứa đồ phía sau với dung lượng 10.000 mAh và một mô tơ điện gắn trực tiếp vào trục khuỷu động cơ. Mô tơ nhỏ này sẽ đảm nhiệm đồng thời bốn chức năng: bộ đề, máy phát điện, thu hồi năng lượng phanh và sinh công suất hỗ trợ động cơ đốt trong.

Hiệu quả của hệ thống này là rất ấn tượng. Trong khoảng tốc độ 55 – 160 km/h, hệ thống cho phép động cơ V6 ngắt hoàn toàn khi người lái nhấc chân ga. Khi đó, chiếc Q8 có thể lướt đi mà không sản sinh bất cứ một chút khí thải nào trong khoảng thời gian 40 giây. Ngay khi người lái đạp chân ga, mô tơ sẽ kích hoạt trục khuỷu và khởi động động cơ đốt trong một cách vô cùng êm ái.

Chưa hết, năng lượng đáng nhẽ ra bị bỏ phí khi bạn đạp phanh được thu hồi bởi mô tơ điện này với mức tối đa là 12 kW. Dòng năng lượng này được nạp trở lại viên pin ở phía sau xe để chuẩn bị cho lần ngắt động cơ ở khoảng tốc độ cao tiếp theo. Tính năng cuối cùng của MHEV là nó cho phép chức năng ngắt động cơ khi dừng đèn đỏ (Start/Stop) hoạt động ở vận tốc lên tới 22 km/h. Start/Stop truyền thống chỉ được kích hoạt ở tốc độ gần như đứng yên và khi củ đề truyền thống tái kích hoạt động cơ, bạn sẽ nghe thấy những tiếng “khực, khực” rất khó chịu.

Cá nhân tôi luôn tắt Start/Stop khi ngồi lên xe vì trải nghiệm với nó là không thoải mái chút nào. Tuy nhiên, công nghệ MHEV sẽ thay đổi điều đó. Đây là giải pháp tối ưu cho phép các hãng sản xuất ứng dụng công nghệ xe điện vào xe sử dụng động cơ đốt trong mà không tốn quá nhiều chi phí cũng như tránh nhược điểm của xe thuần điện, điển hình là bộ pin rất nặng của chúng (nhiều bộ pin xe thuần điện có cân nặng lên tới... nửa tấn!).

Bên cạnh động cơ, hộp số và hệ dẫn động bốn bánh, hệ thống treo cũng quan trọng không kém. Chiếc Q8 tôi trải nghiệm có tùy chọn hệ thống treo thích ứng. Hệ thống có thể “đọc” mặt đường phía trước nhờ camera gắn sau kính lái để thay đổi độ cứng của giảm chấn ngay trước khi xe lăn bánh trên bề mặt đường xác định đó. Chưa hết, hệ thống đánh lái bánh sau với khả năng bẻ lái ngược hoặc xuôi theo hướng bánh xe trước với góc tối đa 5 độ khiến Audi Q8 thêm phần linh hoạt ở tốc độ thấp, vững chãi ở tốc độ cao. Khi chuyển sang chế độ Off-road, hệ thống treo khí nén có thể nâng lên 50 mm, tạo ra khoảng sáng gầm xe lên tới 254 mm để chiếc xe có thể chinh phục những cung đường hiểm trở.

Hệ thống treo của Audi Q8 hứa hẹn mang lại trải nghiệm êm ái khi cần thiết, vững chắc khi người lái cần cảm giác thể thao và hệ thống trợ lực vô lăng điện biến thiên cũng là một điểm nhấn thú vị. Sự “biến thiên” của những mẫu xe phổ thông, ví dụ như Ford Focus, đơn giản chỉ là chuyển đổi qua lại giữa 2 tỷ số truyền vô lăng tùy theo chế độ lái hoặc tốc độ di chuyển. Hệ thống Audi Dynamic Steering có khoảng biến thiên cực rộng và đa dạng tùy theo tốc độ xe, chế độ lái và mặt đường xe chạy. Tỷ số truyền của vô lăng có thể biến thiên 100%, tức là ở tốc độ thấp, bạn chỉ cần quay vô lăng 2 vòng là đã hết lái trái phải, còn ở tốc độ cao, trong tình huống khẩn cấp, bạn chỉ cần quay 1 vòng vô lăng để đạt góc bánh xe tối đa. Điều đó giúp Audi Q8 linh hoạt khi cần đỗ xe góc hẹp, ổn định khi đi cao tốc và đủ nhanh lẹ để giúp bạn đánh lái gấp tránh vật cản ở tốc độ cao.

Nội thất – thế mạnh vốn có của Audi

Audi Q8 không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi các hệ thống cơ khí tinh xảo mà khoang nội thất của nó cũng thuộc hàng “đỉnh” nhất phân khúc. Trái với phần ngoại thất vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi, nội thất Audi Q8 thực sự là một tuyệt tác ấn tượng, là sự pha trộn hoàn hảo giữa vật liệu cao cấp và tinh hoa công nghệ. Bạn có thể tùy biến chiếc xe với vô vàn tùy chọn khác nhau, tất nhiên giá tiền của một chiếc Q8 “full option” cũng sẽ cao hơn bản tiêu chuẩn rất nhiều.

Hãy bắt đầu từ chiếc vô lăng của Audi Q8. Kiểu vô lăng 3 chấu đáy bằng này đã quá quen thuộc với fan Audi với các nút bấm được sắp xếp gọn ghẽ và dễ làm quen. Nó được bọc da đột lỗ cực mềm và bám tay và điểm xuyết những điểm nhấn như chỉ thêu trắng tương phản hay logo S-Line nổi bật. Phía sau vô lăng là màn hình Virtual Cockpit 12.3 inch với nhiều giao diện hiển thị 3D rất đẹp mắt. Tôi thích nhất kiểu hiển thị với bản đồ chiếm 80% diện tích, 2 đồng hồ tua máy và tốc độ được đặt nhỏ đối xứng bên dưới. Thực sự, Audi làm màn hình thì “chỉ có chuẩn trở lên”.

Phần táp lô cũng đặc biệt không kém. Tất cả cửa gió điều hòa được đặt lên tầng cao nhất và được giấu trong các nan ngang. Tầng dưới là 1 bảng đen khổng lồ bao trọn chiều ngang khoang cabin, tôi đã sờ thử nó nhưng chưa thể phân biệt đó là nhựa đen hay là mặt kính, nhưng nó rất, rất chắc chắn và bóng loáng như gương. Ngay dưới nó là một dải nhôm xước ôm trọn các chi tiết phía trên và chạy tràn ra khu vực táp pi cửa. Bên dưới nữa là các chi tiết ốp gỗ. Dù vậy, nhược điểm của bảng táp lô cực ấn tượng này là nó khá dễ bị bám bụi bẩn và dễ xước.

Dù sao thì đây vẫn là nét thiết kế đặc trưng của những mẫu Audi thế hệ mới, và nằm gọn trong nó là 1 màn hình lớn 10,1 inch đóng vai trò là màn hình trung tâm của hệ thống thông tin giải trí MMI. Ngay bên dưới nó là một màn hình 8,6 inch đóng vai trò là màn hình điều chỉnh hệ thống điều hòa, chỉnh ghế. Cả hai màn hình này đều có độ phân giải full HD (1920x1080) cực kỳ sắc nét, tươi sáng và nhạy bén. Màn hình này cũng rung nhẹ và bạn cần ấn với 1 lực đủ mạnh để nó phản hồi, tương tự như màn hình 3D touch của iPhone. Dù hệ thống màn hình này rất ổn nhưng có lẽ nhiều người vẫn sẽ thấy nhớ hệ thống điều khiển với núm xoay trung tâm của những mẫu xe Audi trước đó.

Những chiếc ghế của xe Audi luôn là thứ mang lại trải nghiệm tuyệt hảo. Ghế của chiếc Q8 S-Line này rất êm ái và có đệm hông rất dày dặn để ôm chặt người ngồi khi vào cua, 2 vị trí nhớ và có đầy đủ tính năng mátxa, sửa ấm, làm mát. Trần xe và táp pi cửa được bọc vật liệu Alcantara, mang lại cảm giác thể thao cho Q8. Có thể nói, từ thiết kế, vật liệu cho đến công năng, khoang cabin của Audi Q8 có thể thuyết phục bất kỳ ai.

Không gian cho hàng ghế thứ 2 cũng không hề chật hẹp dù xe có thiết kế lai coupe. Khoảng trống trên đầu và khoảng đặt chân là rất rộng rãi đối với 1 người cao 1m7 như tôi, hàng 2 cũng có thể ngồi được 3 người tương đối thoải mái. Hàng ghế sau có thể ngả lưng, trượt lên xuống và có sưởi ấm. Khoang chứa đồ sau cũng rất rộng, lên tới 606 lít, thừa đủ để cùng bạn đi xa dài ngày. Theo trải nghiệm cảm quan của tôi, hàng ghế sau của Audi Q8 rộng hơn so với BMW X6, nó không phải đánh đổi sự thoải mái của người ngồi sau cho phong cách thiết kế coupe.

Trải nghiệm

Ấn tượng đầu tiên khi tôi yên vị trên ghế lái của Audi Q8 là sự thoải mái mà chiếc ghế này mang lại. Bật chế độ mát-xa và sấy mát, kéo dài đệm đỡ bắp chân, tôi đã sẵn sàng lướt đi với chiếc SUV đắt tiền nhất nhà Audi. Chiếc vô lăng viền mỏng cho cảm giác cầm rất vừa tay với các phím chức năng được bố trí khoa học, dễ nắm bắt. Tầm nhìn cũng rất thoáng đãng với các cột A, B mỏng, kính lái phủ rộng và một tư thế ngồi không thể thoải mái hơn. Thực sự, đây là chiếc xe tôi sẵn sàng lái hằng ngày giữa lòng Hà Nội.

Tôi chưa nhắc đến hệ thống âm thanh Bang & Olufsen đúng không? Chiếc xe này được trang bị hệ thống âm thanh Bang & Olufsen Premium Sound với 17 loa vệ tinh, âm ly 16 kênh với tổng công suất 730 watt. Đây là những thông số thuộc hàng trung cấp trong phân khúc nhưng thực sự, nó đã là quá đủ đối với đa số người tiêu dùng. Thực sự, nếu chưa được trải nghiệm những hệ thống loa xe hơi xa xỉ hơn, bạn chắc chắn sẽ hài lòng với Bang & Olufsen Premium Sound. Thậm chí, nếu chừng đó là chưa đủ thì Audi còn cung cấp thêm tùy chọn Bang & Olufsen 3D Advanced Sound với 23 loa vệ tinh, âm ly 23 kênh với tổng công suất 1.920 watt.

Về chất lượng âm thanh, chiếc Q8 màu trắng này với dàn loa B&O Premium Sound cho âm trường hẹp hơn 1 chút so với dàn Bowers & Wilkins của Volvo XC90 và âm hình cũng kém tách bạch hơn. Tôi đang “nghiện” nhạc thính phòng nên sẽ đánh giá cao dàn loa của XC90 hơn nhưng điểm mạnh của dàn B&O của Audi là những dải trầm cực kỳ chi tiết với những tiếng bass chắc nịch. Có thể thấy, người nào yêu thích các thể loại nhạc sôi động như Rock, Hiphop, EDM sẽ thấy dàn B&O này nịnh tai hơn Bowers & Wilkins của Volvo. Chiếc Audi Q8 cũng có khả năng cách âm tuyệt vời với cửa kính 2 lớp và các gioăng cửa dày dặn, mang đến không gian trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời.

Bạn cũng không thể chê được sự êm ái của Audi Q8, đơn giản vì nó rất, rất ấn tượng. Không lâu trước đây, tôi chẳng có mấy thiện cảm với những mẫu xe có la-zăng lên tới 22 inch, lốp mỏng và có cân nặng trên 2 tấn. Thế nhưng, những cải tiến về công nghệ khung gầm, lốp và nhất là hệ thống treo đã khiến Audi Q8 có thể chinh phục những cung đường dày đặc ổ gà và gờ giảm tốc một cách dễ dàng. Nếu như cố tình phi qua 1 gờ giảm tốc với tốc độ đủ cao, dao động sẽ phần nào đó truyền vào cabin nhưng ngay cả trong tình huống đó, nó cũng không quá khó chịu vì chiếc xe nhanh chóng lấy lại cân bằng. Khả năng “là phẳng” mọi khiếm khuyết mặt đường thực sự tạo nên chất xe sang cho Audi Q8.

Tuy nhiên, tôi không thích cảm giác vô lăng quá nhẹ của Audi Q8 khi chạy với tốc độ đi phố. Điều khiển 1 chiếc xe nặng hơn 2 tấn, tôi muốn vô lăng vẫn có 1 độ nặng, độ đầm tương xứng với kích thước và cân nặng của nó. Dù vậy, nó vẫn rất chính xác và bạn không cần quá tốn sức vần vô lăng khi quay đầu. Tất nhiên, ta khó có thể đòi hỏi cảm giác vô lăng chân thực như một chiếc BMW, mà ngay cả BMW hiện tại cũng đã gần như đánh mất cảm giác vô lăng “thần thánh” của họ!

Vậy khi tôi thử tìm kiếm cảm giác phấn khích với Q8 thì sao? Khối động cơ V6 3.0 cho trải nghiệm tương đối “nảy” ở dải tua vòng trung đến cao, nhưng lại phản ứng chậm chạp ở tua vòng thấp. Dù vậy, nỗi thất  vọng lớn nhất lại đến từ việc khối động cơ này quá êm ái dù tôi có cố gắng đạp ga như thế nào. Ta phải nhìn nhận vào thực tế là đây vẫn là một chiếc xe thiên về sự êm ái và sang trọng chứ không cuồng loạn như Lamborghini Urus. Có lẽ phải đợi đến khi phiên bản hiệu suất cao SQ8 ra mắt thì người hâm mộ Audi mới có được trải nghiệm thể thao đúng nghĩa. Tuy nhiên, lúc đó thì SQ8 sẽ tiến đến quá gần lãnh địa của Lamborghini Urus, và có thể các lãnh đạo Volkswagen sẽ không thích điều này! Rất có thể, họ sẽ chỉ trang bị động cơ V8 diesel của SQ7 cho SQ8 để bảo toàn sức hấp dẫn của Urus.

Kết luận

Những trải nghiệm trên cho thấy rằng ai đang tìm kiếm một chiếc “Urus giá rẻ” sẽ không hài lòng với Audi Q8, dù 2 mẫu xe này sử dụng chung nhiều linh kiện. Q8 sẽ không đóng vai 1 mẫu xe nào khác mà nó là hiện thân của những giá trị tinh túy nhất của thương hiệu Audi. Đó là thiết kế độc đáo, trải nghiệm cực kỳ êm ái, tiện nghi, sang trọng và một khoang nội thất sang trọng hàng đầu phân khúc.

Điểm: 8.5/10

Ưu điểm:

- Thiết kế phá cách
- Nội thất tiện nghi bậc nhất
- Trải nghiệm sang trọng

Nhược điểm:

- Giá cao so với đối thủ cùng phân khúc
- Trải nghiệm chưa đủ phân khích
- Động cơ chưa mang chất thể thao

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)    

Tags: Audi   Xe sang   SUV    coupe   Audi Q8   xe Đức   Q8