Đóng
 

Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:19
15:33  |  08/01/2021

[ĐÁNH GIÁ XE] BMW 530i - Dành cho người mê lái

Với mức giá giảm còn 2,679 tỷ đồng, sức hút của BMW Series 5 đang dần ấm lên tại thị trường Việt Nam. Tất nhiên, mẫu xe này có nhiều thứ đáng để nói hơn là mức giá được giảm để chuẩn bị đón phiên bản LCI.

Đối với không ít người hâm mộ BMW, Series 5 vẫn luôn là dòng xe có sự cân bằng tuyệt vời giữa 2 cá tính: thể thao và sang trọng. Series 5 không quá thô ráp và thể thao như Series 3, cũng không mang tính chất ông chủ, bệ vệ như Series 7. Những chiếc xe thuộc dòng 5 của BMW vẫn giữ được trải nghiệm lái thú vị nhưng đồng thời lại sang trọng và đĩnh đạc hơn nhiều so với Series 3. Đi những chiếc BMW số 5, bạn sẽ không bị đánh đồng với chủ nhân Series 3, vốn luôn bị coi là hơi ... hiếu thắng.

Trải qua 7 thế hệ, những chiếc Series 5 vẫn luôn giữ được sức hút như vậy: “đĩnh đạc hơn 3, không già như 7”. BMW Series 5 như một chiến binh từng trải, không cần phô trương như lớp trẻ (Series 3) nhưng không phải là vị trí thống lĩnh như Series 7. BMW Series 5 là mẫu xe mà những doanh nhân trong tầm tuổi 35-40 sẽ cảm thấy có một sự đồng điệu không hề nhẹ. Tất nhiên, đó phải là một vị doanh nhân thích lái xe! Nếu chỉ đơn thuần là đang cần tìm một chiếc xe sang cỡ trung, đa phần khách hàng sẽ ngả về đội Mercedes-Benz.

Thiết kế - đĩnh đạc và thể thao

“BMW Series 5 là hình mẫu điển hình của một chiếc sedan thể thao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đĩnh đạc và khỏe khoắn, năng động”, ông Karim Habib, cựu Giám đốc Thiết kế Ngoại thất của BMW, chia sẻ. Ông đã gây dấu ấn với BMW Series đời E60 và Series 7 đời F01 nhưng người hâm mộ thường chỉ biết đến những ngôi sao trên sân khấu, ví dụ như Chris Bangle hay Adrian van Hooydonk. Nếu so sánh với thế giới điệp viên trên màn ảnh thì Karim Habib không phải là James Bond mà là Felix Leiter, đặc vụ CIA chỉ bước ra ánh sáng khi 007 cần anh nhất và luôn âm thầm giải quyết mọi khó khăn trong bóng tối.

Chiếc Series 5 đời G30 dường như vẫn phảng phất dấu ấn của ông Karim ở chỗ: nó không thu hút ánh nhìn bằng những chi tiết gây sốc (ví dụ như mặt ca lăng của Series 4), thay vào đó là một thiết kế dù tinh giản nhưng đầy uy lực. Vẫn là mặt ca lăng hình quả thận đặt ngang và 4 cụm đèn pha LED có kiểu dáng truyền thống, gương mặt của BMW 530i toát nên vẻ “business” nhưng vẫn không kém phần thể thao. Thiết kế lấy bề ngang làm điểm nhấn đã tạo nên ấn tượng về một chiếc sedan thể thao cho 530i. So với bản 520i, 530i có đèn pha LED thích ứng không chỉ đẹp hơn mà còn có tính năng mở rộng chùm sáng và thay đổi góc chiếu để không gây ảnh hưởng đến xe ở làn đối diện.

Nhìn sang bên thân xe, chiếc 530i cũng sở hữu ngoại hình đậm chất xe sang với thiết kế đặc trưng của xe dẫn động cầu sau. Khoang cabin được đặt lùi hẳn về phía sau, kết hợp khoảng dash-to-axle cực dài (khoảng cách từ trục bánh trước đến chân kính lái) và khoảng front overhang siêu ngắn (khoảng cách từ mũi xe đến trục bánh trước) tạo ra kiểu dáng vô cùng thể thao và năng động cho chiếc BMW 530i.

Những điểm nhấn tiếp theo ở phần thân xe là móc Hofmeister Kink ở cửa sổ hành khách, đường gân Character line chạy dọc thân xe và khe thoát gió “Air Breather” chạy song song với đường gân chính. Dưới con mắt thẩm mỹ của tôi thì BMW Series 5 là chiếc xe có thiết kế kinh điển, “chuẩn chỉ” và đẹp nhất trong phân khúc sedan hạng sang cỡ E. Dưới đây là ảnh so sánh BMW Series 5 với các đối thủ cùng mâm.

Phần đuôi xe cũng không thiếu điểm nhấn. Cụm đèn hậu vẫn mang thiết kế dạng chữ L đặc trưng của BMW nhưng được cải biên một chút. Cụm đèn này tạo ra sự kết nối giữa phần thân, đuôi xe và cực kỳ nổi bật khi nó sáng lên vào ban đêm.

Trong bối cảnh mà “người người làm đèn LED vắt ngang, nhà nhà bắt chước Porsche”, nhìn thấy 2 cụm đèn tách biệt của 530i thực sự khiến tôi thấy hứng khởi và thầm khen ngợi các nhà thiết kế của BMW. Cũng ở thế hệ G30 này thì mọi biến thể của Series 5 đều có ống xả đối xứng 2 bên (các bản thường là 2 ống xả, bản M5 4 “nòng súng”). Điều này khiến những chiếc G30 trông thể thao và đẹp hơn nhiều so với đời F10 trước đó. Một điểm khác biệt nho nhỏ nữa của BMW đối với các hãng xe khác chính là nút mở cốp sau được tích hợp luôn vào logo BMW. Nếu lười bấm nút, bạn chỉ cần đá chân vào khu vực dưới gầm xe.

So với đời F10 trước đó, BMW 530i G30 không thay đổi nhiều về kích thước tổng thể. BMW 530i 2020 có chiều dài tổng thể 4.935 mm (tăng 36 mm), chiều dài cơ sở 2.9775 mm, nhỉnh hơn 7 mm so với thế hệ cũ. Chiều rộng tổng thể của xe đạt mức 1.868 mm (không tính gương), chỉ hơn đời cũ 6 mm, trong khi chiều cao là 1.466 mm, cao hơn đúng ... 2mm.

Trong khi đó, chiều rộng cơ sở (khoảng cách trục bánh xe) ở hai bánh trước là 1.605 mm (tăng 5 mm), bánh sau là 1.630 mm (tăng 3mm). Có thể thấy rằng kích cỡ của Series 5 đã đạt mức tối ưu nhất để vừa có không gian nội thất thoải mái cho 4, 5 người lớn, vừa giữ được độ nhanh nhẹn và linh hoạt, tránh tình trạng “phình to” của những dòng xe lấy không gian nội thất làm thế mạnh cạnh tranh. Điều đáng khen ở thế hệ G30 là trọng lượng giảm được 100 kg so với thế hệ F10 nhờ việc mạnh tay sử dụng vật liệu nhôm và thép siêu cường để cấu thành khung xe. Nắp capô, cốp xe, nóc và 4 cửa xe được chế tạo từ nhôm để giảm trọng lượng. Có thể thấy rằng nền tảng khung gầm CLAR vừa cứng hơn, vừa nhẹ hơn chính là một thế mạnh giúp BMW Series 5 có hiệu năng hoạt động nhỉnh hơn so với các đối thủ cùng phân khúc.

Bên cạnh việc tối ưu trọng lượng thì việc tối ưu khí động học trên Series 5 G30 cũng là rất đáng hoan nghênh. Mọi phiên bản đều được trang bị mặt ca lăng có các cửa chớp đóng mở tự động Active Air Stream. Nó sẽ mở ra khi động cơ cần được làm mát nhiều hơn và đóng lại để giảm độ cản gió, giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Khi nổ máy nguội, cửa gió cũng đóng lại để động cơ được làm nóng nhanh hơn, giúp tiết kiệm xăng, giảm khí thải và tăng độ bền động cơ.

Những thiết bị như khe thoát gió ở cản trước (Air Curtain), khe thoát gió sau vòm bánh xe (Air Curtain) và các tấm hướng gió dưới gầm xe cũng đóng góp vào tính khí động học đáng ngạc nhiên của BMW 530i. Theo hãng xe Bavaria, Series 5 G30 có hiệu quả khí động học tốt hơn 10% đời F10 và đạt mức cản gió chỉ 0,22 Cd. Để tiện so sánh thì mức cản gió của E-Class W213 là 0,23 Cd, của Audi A7 C7 là 0,25 Cd, của một con chim cánh cụt là 0,05 Cd và của “xe tăng” G-Class là 0,54! Như vậy, BMW 530i không chỉ hấp dẫn khách hàng bởi thiết kế đĩnh đạc đầy uy lực mà ẩn dưới những đường nét cơ bắp đó là hàng chục năm kinh nghiệm của những kỹ sư và nhà thiết kế tại Munich.

Nội thất – tập trung vào người lái

“Tập trung vào người lái” là cụm từ đậm chất marketing mà rất nhiều hãng sử dụng nhằm tạo ra ấn tượng thể thao cho sản phẩm của mình. Nhưng đối với BMW, “driver-focused” luôn là một phần tất yếu trong việc thiết kế nội thất của họ trong nhiều thập niên qua. Từ vị trí ngồi, thiết kế cụm đồng hồ, góc đặt vô lăng, thậm chí là góc nghiêng của màn hình iDrive, từng núm xoay, phím bấm cho đến vị trí đặt táp pi cửa và vị trí đặt chân ga, chân phanh, tất cả đều được tính toán cẩn thận để bạn có thể nhảy lên xe và cảm thấy quen thuộc ngay lập tức.

Trong số các mẫu xe sedan hạng E, chỉ riêng BMW Series 5 là cho tôi cảm giác thân thuộc mỗi khi cầm lái. Mercedes E-Class có dàn đèn xa hoa, màn hình lớn hơn, Audi A6 có thiết kế tương lai nhất, Volvo S90 có khoang nội thất tinh giản nhất – nhưng chỉ riêng Series 5 mang lại trải nghiệm lái thoải mái nhất.

Vô lăng 530i có thiết kế tuyệt đẹp với viền bọc da nappa,khu vực túi khí cũng được thêu chỉ tương phản nhìn rất chỉn chu và tinh tế. Tuy nhiên, các nút bấm nhựa – dù rất chắc chắn và có chất lượng gia công tốt – nhưng không thể đẹp và sang chảnh như các nút bấm kim loại trên E-Class. Cũng giống như đối thủ đồng hương, BMW 530i tại Việt Nam cũng thiếu đi các tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến như Kiểm soát hành trình thích ứng hay Hỗ trợ giữ làn. Đây là thiếu sót khá đáng tiếc vì những tính năng này là không quá đắt tiền (ở nước ngoài) và giờ đây, rất nhiều mẫu xe bình dân đã được trang bị tại Việt Nam.

Thiếu đi những tính năng này khiến vô lăng của 530i khá “trống vắng” và giảm đi sự sang trọng nó xứng đáng phải có. Đối với tôi thì những tính năng này không quá quan trọng vì tôi luôn chủ động tập trung lái xe mỗi khi ôm vô lăng nhưng rõ ràng là khách hàng của 530i hay E300 xứng đáng nhận được những tính năng trên khi bỏ ra trên dưới 3 tỷ đồng để mua xe.

Thật đáng tiếc là thay vì lựa chọn những tính năng cần thiết thì THACO lại bỏ tiền vào những “đồ chơi” như chìa khóa hiển thị Display Key. Đối với tôi thì chiếc chìa khóa này quá to và đắt tiền, nó đậm chất khoe mẽ, “show-off” hơn là thực dụng. Tính năng hay ho nhất có lẽ chỉ là điều khiển xe tiến, lùi vào chỗ đỗ mà thôi. Tất nhiên, nếu xuống tiền mua xe thì tôi sẵn sàng đổi chìa khóa này lấy các tính năng như Adaptive Cruise Control, hỗ trợ giữ làn v.v..

Nhưng thôi, chúng ta hãy nhìn vào những điểm cộng khác của chiếc BMW 530i. Đó là cụm đồng hồ điện tử vô cùng sắc nét phía sau vô lăng. Tôi thích thiết kế giữ nguyên 2 vòng đồng hồ đặc trưng của BMW của 530i hơn là thiết kế mới như trên Series 3 G20. Thiết kế “2 vòng” kinh điển của BMW từ trước đến nay vẫn đơn giản và dễ nắm bắt thông tin hơn là kiểu dạng thanh hiển thị trên Series 3 hay Series 7.

Màn hình trung tâm 10.25 inch của hệ thống iDrive cũng là một ưu điểm lớn của 530i. Màn hình này vô cùng nhạy bén và có cảm ứng. Thực sự, hệ thống tin giải trí iDrive 7.0 với sự kết hợp giữa màn hình cỡ lớn, núm điều khiển xoay cực nhạy và màn hình sau vô lăng sắc nét cho tôi trải nghiệm vô cùng ưng ý, chúng mượt mà và phản hồi nhanh hơn nhiều so với Sensus của Volvo.

Tất nhiên, khoang nội thất của 530i cũng có nhiều “chuyện chưa kể” giống như thiết kế ngoại thất. Đã từng trải nghiệm nhiều chiếc BMW Series 5 đời F10 nên vừa ngồi vào 530i G30, tôi nhận ra ngay rằng chiếc BMW đời mới có khoang nội thất rộng rãi hơn hẳn, đặc biệt là khoang ghế sau. Các thành cửa được làm mỏng hơn một chút để tăng khoảng đặt vai và khoảng đặt tay của hành khách. Mỏng hơn những sử dụng nhôm và thép cứng hơn nên không có chuyện chiếc 530i mới lại kém an toàn hơn đời cũ. Nếu để ý một chút, bạn cũng thấy hai cửa sau có độ mở và kích thước lớn hơn đời cũ một chút, giúp hành khách dễ ra vào xe hơn.

Trần xe được bổ sung vật liệu cách âm tốt hơn, giúp cách âm khỏi tiếng gió rít khi chạy tốc độ cao trên cao tốc. Đây là một vị trí trọng yếu trong việc cách âm vì trần xe nằm ngay sát đầu của hành khách trên xe nên nếu trần xe cách âm không tốt thì chúng ta sẽ dễ dàng nghe thấy tiếng ồn. Ngay cả những hộc chứa đồ ở thành cửa cũng được thiết kế lại để đựng vừa các chai nước thể tích 1 lít. Tất nhiên, những trang bị như hiển thị kính lái, rèm chỉnh điện, đèn viền nội thất, điều hòa tự động 4 vùng có ion hóa, dàn loa Harman Kardon 600W hay hệ thống nước hoa Ambient Air đều là những trang bị có sẵn trên BMW 530i.

Trải nghiệm xứng danh Bayerische Motoren Werke

Đúng với tên gọi của hãng, trang bị đáng tiền nhất trên mọi chiếc BMW vẫn luôn là động cơ. Động cơ 4 xy-lanh 2.0L tăng áp tên mã B48 của BMW là một sự cải tiến vượt trội so với máy N20 trên thế hệ F10. Cỗ máy này đạt công suất tối đa 252 mã lực tại 5.200 – 6.500 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 350 Nm tại tua máy cực thấp: 1.450 vòng/phút và duy trì tới 4.800 vòng/phút. Như vậy, dù yếu hơn 1 chút so với động cơ M264 của E300 AMG nhưng động cơ B48 đạt được lực mô-men xoắn cực đại ở tua vòng thấp hơn (1.450 so với 1.800 vòng/phút) và duy trì lực mô-men xoắn cực đại này ở dải vòng tua rộng hơn (4.800 so với 4.000 vòng/phút). Tuy vậy, sức hút của khối B48 không chỉ nằm ở những con số trên giấy tờ.

Về kết cấu cơ khí, động cơ B48 có rất nhiều điểm ưu việt khi so với N20. Đầu tiên, đó là việc chuyển từ kiểu thiết kế thân máy với áo nước bao quanh buồng đốt (open-deck design) sang dạng “đặc” hơn, với nước làm mát chỉ chảy qua những đường dẫn nhỏ hơn và tỷ lệ kim loại bao quanh buồng đốt lớn hơn nhiều (closed-deck design). Thiết kế kiểu closed-deck là đặc trưng của những động cơ hiệu năng cao nên nếu như mọi yếu tố khác là đồng đều thì động cơ closed-deck sẽ bền và mạnh hơn động cơ open-deck. Nếu như bạn có ý định độ công suất cho chiếc xe của mình thì thiết kế closed-deck cũng chịu được áp suất nén tốt hơn và ổn định, bền bỉ hơn.

Nâng cấp quan trọng tiếp theo là hệ thống làm mát khí nạp kiểu air-to-water. Nếu giải thích đơn giản thì dòng khí nạp vào cổ góp được làm mát bằng dung dịch thay vì làm mát bằng luồng khí đi qua bộ tản nhiệt đặt ở mũi xe. Thiết kế kiểu air-to-water phức tạp hơn nhiều so với kiểu air-to-air truyền thống nhưng ưu điểm của thiết kế này là không khí được nạp mát không phải “chạy” 1 quãng đường dài như kiểu tản nhiệt air-to-air truyền thống. Thực tế là bộ tản nhiệt chính của động cơ B48 được tích hợp thẳng vào cổ góp khí nạp nên độ trễ tăng áp được giảm đi rất nhiều. Khi đạp ga thì người lái sẽ cảm thấy động cơ nhanh nhạy và linh hoạt, “nghe lời” hơn nhiều so với kiểu làm mát khí nạp truyền thống trên xe Mercedes hay Audi.

Cũng giống như N20, động cơ B48 vẫn sử dụng hệ thống tăng áp với tuốc-bin nhận 2 luồng khí xả (twin scroll turbo). Đây là ưu điểm của động cơ BMW khi so với động cơ Mercedes, Audi hay cả Porsche – những hãng xe thường chỉ áp dụng cấu hình twin scroll cho các động cơ hiệu năng cao. Nói đơn giản thì khí nạp từ xy-lanh 1 và 4 được nối chung vào 1 đường ống, trong khi xy-lanh 2 và 3 nối chung vào 1 ống.

Thiết kế này khiến áp lực khí xả từ 4 xy-lanh được dàn đều, ít xung đột với nhau hơn, qua đó tăng hiệu suất chuyển đổi động năng từ luồng khí xả thành công năng của tuốc-bin, giảm hiện tượng trễ tăng áp. Thiết kế kiểu twin-scroll và bộ làm mát khí nạp air-to-water là 2 thứ khiến động cơ B48 của BMW vô địch trong phân khúc về độ nhạy bén. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người chơi xe nói rằng động cơ tăng áp của BMW cho trải nghiệm mượt mà, nhạy bén như động cơ nạp khí tự nhiên. Không chỉ nhạy bén mà khối động cơ này cũng đầy uy lực. Đạp thốc ga từ vị trí đứng yên, khối B48 đủ khiến 2 bánh sau xoay tít dù tôi chưa tắt cân bằng điện tử DSC!

Động cơ hàng hiệu kết hợp với hộp số Steptronic 8 cấp tưởng như biết đọc ý nghĩ người lái và hệ thống dẫn động cầu sau mang lại trải nghiệm lái thực sự phấn khích. Ngồi sau vô lăng 530i, bạn sẽ thấy cảm giác nó hối thúc mình đạp ga sâu hơn, đánh lái dứt khoát hơn để tìm kiếm giới hạn bản thân và của chiếc xe. Tỷ lệ phân bổ trọng lượng cầu trước/cầu sau 50:50 đặc trưng của BMW cũng là những mảnh ghép cần thiết để mang lại trải nghiệm lái ấn tượng cho chiếc 530i.

Khung gầm CLAR có khả năng chống vặn xoắn tốt hơn 40% so với khung gầm F10, kết hợp với hệ thống treo vô cùng linh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào trải nghiệm êm ái khi đi phố và nhanh lẹ khi lái xe kiểu “máu chiến” trên những cung đường vắng. Thậm chí, BMW 530i giờ đây cũng là 1 chiếc xe cực kỳ tiết kiệm xăng nếu như bạn chạy kiểu từ tốn vì những cải tiến về trọng lượng, khí động học và hệ động lực.

Có lẽ khi xét về trải nghiệm lái BMW 530i, thứ duy nhất tôi cảm thấy chưa ưng ý chỉ là cảm giác vô lăng. Vô lăng Series 5 vẫn đầm, chắc và chính xác nhưng không còn cảm nhận mặt đường rõ rệt như vô lăng dầu của các mẫu BMW cách đây 1 thập kỷ. Tuy nhiên, vô lăng trợ lực điện và không truyền rung động lên tay người lái là xu thế chung của cả ngành xe và dường như chỉ có Porsche mới làm được 1 hệ thống vô lăng trợ lực điện có thể thỏa mãn đôi tay tôi.

Kết luận

BMW 530i là dòng xe mà nếu chỉ nhìn qua ảnh, bạn sẽ không hiểu được mục đích tồn tại của nó. Trong bối cảnh cả ngành xe đều chuyển dịch sang cuộc chơi xe điện và phần lớn người tiêu dùng chỉ quan tâm xem chiếc xe có tính năng thời thượng gì, BMW Series 5 vẫn hiên ngang thể hiện đúng bản chất của nó: một chiếc xe phục vụ cho việc tận hưởng niềm vui lái xe!

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)        

Tags: BMW   sedan   BMW Series 5   xe Đức   BMW 530i   530i