Với mức giá lần lượt là 187 triệu VNĐ và 254 triệu VNĐ, Honda CBR500R và CBR650R là hai lựa chọn nổi bật ở phân khúc xe phân khối lớn cỡ trung. Vậy, đâu là lựa chọn tối ưu nhất cho “người mới”?
Kể từ khi chính thức phân phối những mẫu xe phân khối lớn tại Việt Nam với đại lý đầu tiên đặt tại 165 đường Pasteur, TP.HCM, Honda Việt Nam đã đánh vào phân khúc mà đối thủ Yamaha bỏ ngỏ từ trước đến nay. Sự chào đón nồng nhiệt của người tiêu dùng Việt Nam đã cho thấy đây là một bước đi đúng đắn của hãng xe 2 bánh phổ biến nhất tại dải đất hình chữ S.
Doanh số rất tốt của 9 mẫu xe phân khối lớn được Honda Việt Nam chính thức phân phối cũng chỉ ra một điều: nhu cầu xe côn tay cỡ lớn ở Việt Nam là rất lớn. Nếu như những mẫu xe côn tay dạng underbone như Honda Winner hay Yamaha Exciter là những “bài học vỡ lòng” với chi phí hợp lý thì những cỗ máy có bình xăng đặt cao lại là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ.
Có lẽ bạn trẻ nào cũng nhớ đến thời những chiếc Honda CBR150R và Yamaha R15 làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam chỉ khoảng 7 năm trước về trước. Đó là thời điểm mà bạn phải bỏ ra trên 150 triệu đồng chỉ để sở hữu những chiếc mô tô “hạng ruồi” này. Thế rồi, bỗng nhiên chỉ với một số tiền tương đương, giới trẻ Việt lại có thể mua những chiếc xe mô tô dòng Sport với động cơ 250, thậm chí là 300 phân khối. Đó là do các đại lý tư nhân cạnh tranh nhau gay gắt hơn, cộng với việc nới lỏng quy định cấp bằng lái mô tô A2.
Có thể nói, thị trường càng có nhiều sự cạnh tranh thì người tiêu dùng càng được lợi. Với sự quyết liệt của Honda khi đặt giá vô cùng hấp dẫn cho các mẫu xe phân khối lớn phân phối tại Việt Nam, thị trường xe mô tô lại được dịp sôi động. Với giá tiền “loanh quanh” 180 triệu đồng, Honda có tới 4 sự lựa chọn cho giới trẻ Việt, bao gồm Rebel 500 (180 triệu), CB500X (180 triệu), CB500F (172 triệu) và CBR500R (187 triệu), bao trọn mọi phân khúc từ cruiser đến sport.
Ở mức giá cao hơn một chút, chúng ta có bộ ba dòng 650 phân khối, bao gồm CB650R (225 triệu), CBR650F (234 triệu) và CBR650R (254 triệu). Bài so sánh hôm nay sẽ so sánh 2 mẫu sports bike cỡ trung là CBR500R và CBR650R để thấy liệu khoảng cách giá 67 triệu đồng có xứng đáng hay không.
Thiết kế bắt mắt
Thiết kế của những mẫu mô tô Honda là điều luôn khiến người hâm mộ hài lòng. Các mẫu xe Honda không có những điểm nhấn “dị” như cặp mắt lé của xe BMW hay các màu sắc sặc sỡ trên mô tô Kawasaki. Chúng ta vẫn có những gam màu truyền thống cùng các bộ phận mang thiết kế hài hòa với 2 mẫu mô tô giữa bảng của Honda. Chính sự liền mạch và mang tính chất kết nối giữa các đời xe từ trước đến nay của Honda khiến các mẫu xe của họ dường như không bao giờ lỗi thời.
Khi trực tiếp so sánh 2 mẫu xe CBR500R và CBR650R, điều đáng ngạc nhiên là tôi thấy chiếc “đàn em” bắt mắt hơn hẳn. Đó phần nhiều là bởi kiểu tem mới cực kỳ nổi bật với màu trắng là chủ đạo và các dải tem màu xanh và đen rất bắt mắt. Nếu như không đủ sành sỏi để nhận thấy những món đồ chơi hàng hiệu trên chiếc CBR650F, có lẽ nhiều người đi đường sẽ cho rằng chiếc CBR500R cao cấp hơn.
Honda CBR500R có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) là 2.080 x 755 x 1.145 mm, chiều dài cơ sở 1.410 mm. Xe có chiều cao yên 785 mm, tương đối vừa vặn với những người có chiều cao 1m7 trở lên, trong khi khoảng sáng gầm xe 130 mm cũng khiến xe thoải mái vận hành trong phố cũng như đường trường. Xe có trọng lượng khô 192 kg, thứ sẽ khiến nhiều bạn trẻ chưa quen cầm lái 1 chiếc mô tô phải chật vật mỗi khi dắt xe.
Những thông số tương tự của Honda CBR650R là 2.130 x 750 x 1.150 mm, chiều dài cơ sở 1.450 mm. Như vậy, mẫu xe mạnh mẽ hơn có chiều dài lớn hơn 50 mm, bề rộng lại ít hơn 5 mm và chiều cao nhỉnh hơn 5 mm. Sự khác biệt đáng kể hơn là chiều dài cơ sở dài hơn 40 mm sẽ giúp CBR650R ổn định hơn ở tốc độ cao. Xe có chiều cao yên 810 mm, hơn CBBR500R 25 mm và khoảng sáng gầm xe tương đồng ở mức 130 mm. Chiếc 650R cũng nặng hơn với trọng lượng khô nhiều hơn 15 kg (207 kg). Rõ ràng bạn cần thể hình tốt hơn để có thể “vần” CBR 650R một cách thoải mái.
Về thiết kế tổng thể, cả 2 chiếc mô tô đều sở hữu chung ngoại hình hầm hố và sắc cạnh. So với phiên bản cũ, CBR500R là một cuộc cách mạng về thiết kế với bộ quây đầu xe sắc lẹm, cụm đèn LED bố trí 2 bên mang âm hưởng của cánh chim đầu đàn CBR1000RR. Dàn yếm xe cũng được thiết kế liền mạch hơn so với đời trước khi được lược bớt 1 đường gấp khúc. Bình xăng dung tích 17,1 lít cũng có thiết kế góc cạnh hơn với các phần hõm 2 bên sâu hơn giúp người lái dễ dàng kẹp chân làm điểm tựa.
Khi đã yên vị trên chiếc xe, bạn sẽ thấy 2 tay lái dạng clip-on được đặt nghiêng về phía bạn 8 độ. Kiểu bố trí tay lái như vậy sẽ khiến tạo tư thế ôm bình xăng núp gió thuận lợi hơn cho người lái. Tất nhiên, điều đó khiến việc lái xe thẳng lưng khi đi phố sẽ phiền toái hơn vì bạn sẽ luôn phải hơi chồm lên phía trước. Điều đó là rất dễ hiểu vì đây là 1 chiếc mô tô thể thao, nếu như sự thoải mái khi cầm lái là điều bạn tìm kiếm thì có lẽ 1 chiếc xe thuộc dòng CB của Honda là phù hợp hơn.
Điểm nhấn đáng kể nữa của chiếc CBR500R mới là phần đuôi xe có thiết kế nhọn, đi kèm 2 hốc gió ở 2 bên. Chi tiết này cộng với đèn LED sắc sảo mang lại vẻ đẹp đậm chất thể thao cho CBR500R. Như 1 lẽ tất nhiên, cốp xe bên dưới bên chỉ để vừa 1 chiếc áo mưa nhỏ và bộ dụng cụ sơ cua.
Honda CBR500R có phuộc trước dạng ống lồng với ty phuộc đường kính 41mm, có thể điều chỉnh tải trọng, phuộc sau dạng lò xo đơn ProLink có thể chỉnh 5 cấp độ giảm chấn. Hệ thống phanh trước với đĩa phanh đơn đường kính 320 mm, heo dầu Nissin 2 pít-tông, phanh sau đĩa đơn 240 mm cùng heo dầu 1 pít-tông. Xe được trang bị ABS ở cả 2 bánh.
Về khung xe, có thể thấy Honda đã tiết kiệm chi phí nghiên cứu và sản xuất khi vẫn giữ nguyên khung thép dạng kim cương giống như thế hệ trước với các ống thép đường kính 35mm. Honda CRB500R có lốp trước tiết diện 120 mm, kèm la-zăng 17 inch và lốp sau 160 mm, la-zăng 17 inch. Honda trang bị lốp hiệu năng cao Dunlop Sport Maxx cho mẫu mô tô cỡ trung của họ.
Với cách biệt giá 67 triệu đồng, ta dễ dàng nhận thấy những món đồ chơi đắt tiền hơn mà CBR650R sở hữu. Xe vẫn có thiết kế tổng thể sắc lẹm như một mũi tên đặc trưng của xe mô tô Honda nhưng từng bộ phận đều có độ hoàn thiện cao hơn, cho cảm giác đắt tiền hơn. Phần đầu xe được bổ sung các chi tiết dán vân giả các-bon trông “xịn sò” hơn, tay lái bên trái có bổ sung một cần gạt để tắt/bật tính năng kiểm soát lực kéo (Traction Control), thứ là CBR500R không có.
“Ngó” xuống gầm xe, ta sẽ thấy 4 ống xả xếp ngăn nắp trong dàn áo nhựa sơn đen nhám, gợi ý rằng cỗ máy này sở hữu động cơ 4 xy-lanh mạnh và cho tiếng nổ uy lực hơn nhiều so với đàn em chỉ mang động cơ 2 xy-lanh song song. Ống xả đút gầm với thiết kế ngắn gọn cũng có tính thẩm mỹ cao hơn nhiều so với ống xả dài ngoại cỡ của CBR500R.
Tuy nhiên, hệ thống treo và khung xe mới là thứ thể hiện sự khác biệt rõ ràng nhất giữa CBR650R và CBR500R. Cỗ máy đắt tiền hơn có hệ thống treo trước của Showa dạng hành trình ngược (up-side down) với ty phuộc 41 mm, giảm xóc sau dạng đơn với 10 cấp điều chỉnh và được sơn vàng rất bắt mắt. Hệ thống phanh trước là 2 đĩa đôi đường kích 310 mm với heo dầu Nissin 4 pít-tông, phanh sau đĩa đơn 240 mm với 1 pít-tông. Hệ thống ABS 2 kênh và dàn lốp Dunlop Sport Maxx trước (120/70ZR17), sau (180/55ZR17) khiến chiếc xe sẵn sàng lả lướt cùng từng pha ôm cua của người lái.
Hiệu năng ấn tượng
Thật thú vị khi một số kỹ sư của đội ngũ phát triển dòng xe đầu bảng CBR1000RR cũng đóng góp chất xám trong việc phát triển mẫu CBR500R rẻ hơn. Họ tinh chỉnh thời điểm và biên độ mở của van nạp, xả để mang lại sức kéo lớn hơn ở dải tua trung – thứ mà bạn sẽ thấy vô cùng hữu dụng khi đi phố. Kết quả là khối động cơ 2 xy-lanh song song dung tích 471 cc của Honda CBR500R có thể sản sinh công suất tối đa 47 mã lực tại 8.600 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 46 Nm tại 6.500 vòng/phút.
Những thông số khác cũng không kém phần thú vị của khối động cơ này là đường kính xy-lanh đạt 67 mm, hành trình xy-lanh 66,8 mm. Thiết kế vuông vức này khiến khối động cơ thực sự thú vị ở tua máy 5.500 vòng/phút trở lên và không hề hụt hơi ở tốc độ quay tối đa 9.500 vòng/phút. Tỷ số nén 10,7:1 tức là để đảm bảo tuổi thọ động cơ lâu bền nhất, bạn nên đổ xăng A95, dù miếng tem ở nắp bình xăng cho biết CBR500R có thể hoạt động được với xăng E10.
Cầm lái CBR500R trong phố là 1 trải nghiệm thú vị, không hề “chật vật” như nhiều người vẫn nghĩ. Hộp số 6 cấp có bộ côn siêu nhẹ chia sẻ chung với đàn anh CBR600RR đã ngừng sản xuất, cho khả năng bắt côn nhanh chóng và đáng tin cậy. Cần số cực đầm, đạp nghe “kịch, kịch” rất đã tai và cho cảm giác tốt, bạn sẽ không bao giờ nhầm số 1 N 2 với cần số tốt như này! Tay côn cũng có độ nặng vừa phải với khoảng bắt côn hợp lý. Một điều thú vị nữa là ống xả nguyên bản cũng cho những âm thanh khá uy lực, tôi thích nhất những tiếng nổ lụp bụp khi bạn nhả ga dồn số với chiếc CBR500R, thứ mà ngay cả chiếc CBR650R cũng không có!
Hai thanh giảm xóc trước của CBR500R có góc nghiêng 25,5 độ, mức tiêu chuẩn của những mẫu xe cùng phân khúc. Phản hồi mặt đường là tương đối tốt, bạn có thể cảm nhận được độ bám của lốp trước và điều kiện mặt đường khá rõ ràng. Dù không có những thanh giảm xóc hành trình ngược nhưng CBR500R vẫn cho độ đầm chắc rất đáng khen khi vào cua, đủ để bạn tự tin đổ cua với tốc độ cao. Hệ thống phanh cũng làm tròn nhiệm vụ dù chỉ với 1 đĩa trước cho một chiếc mô tô nặng hơn 200 kg. Tất nhiên, nếu cần lực phanh lớn thì bạn sẽ cần đạp phanh sau nhiều hơn bình thường, nhất là đối với những ai đã quen dựa vào hệ thống phanh đĩa đôi của những chiếc mô tô cao cấp hơn.
Tất cả những gì bạn trải nghiệm với Honda CBR500R, chiếc CBR650R sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn, nhất là khi bạn cầm lái 2 chiếc mô tô này trong cùng một buổi trải nghiệm. Ý tôi là TẤT CẢ, bắt đầu từ khối động cơ. Động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng dung tích 647 cc của CBR650R cho tiếng nổ giòn dã và liên thanh giống như tiếng gầm của những đàn anh “1 lít”. Đó là thứ âm thanh mê hoặc đối với giới mê tốc độ, khác hẳn với tiếng nổ khô và gằn của CBR500R.
Công suất tối đa 95 mã lực đạt được ở tua máy 12.000 vòng/phút, cao hơn hẳn so với CBR500R và lực mô-men xoắn cực đại 64 Nm đạt được ở tua máy 8.500 vòng/phút. Tỷ số nén lên tới 11,6:1 cũng là thứ giúp CBR650R đạt sức mạnh khác biệt hoàn toàn so với người em chỉ kém 150 phân khối kia.
Ngay từ khi đề máy, chiếc Honda CBR650R đã cho thấy sự khác biệt so với CBR500R. Với cá nhân tôi thì chỉ riêng trải nghiệm với động cơ 4 xy-lanh cũng đã xứng với mức giá chênh lệch giữa 2 chiếc mô tô này rồi, chưa kể để hàng loạt nâng cấp khác. Với ly hợp chống trượt 2 chiều, những pha lên, xuống số đều vô cùng mượt mà, dù cho thao tác tay côn của tôi có lúng túng như thế nào đi nữa và thực sự, với 1 chiếc xe sở hữu gần 100 mã lực như CBR650R, mọi cú vê ga đều “vít đến đâu là thấy đến đó”! Nếu như từ “thú vị” là phù hợp nhất với trải nghiệm của CBR500R thì chiếc CBR650R xứng đáng với 2 từ “phấn khích”.
Chiếc xe tăng tốc nhanh hơn hẳn, phanh cũng ổn định hơn và nhất là khả năng ôm cua cũng vượt trội so với CBR500R nhờ hệ thống treo tiên tiến hơn, lốp sau có tiết diện lớn hơn 20 mm và nhất là sự bổ sung của hệ thống Kiểm soát lực kéo càng khiến bạn tự tin đẩy chiếc CBR650R đến giới hạn. Về mức tiêu thụ nhiên liệu, chiếc CBR500R ngốn 3,4 lít xăng/100 km đầy những pha tăng tốc gấp, còn CBR650R cũng không hơn bao nhiêu với 3,6 lít/100 km. Tất nhiên là nếu chạy điềm đạm hơn thì những con số trên sẽ thấp hơn nhiều – nhưng ai có thể chống lại sức hút của những cỗ máy này?
Kết luận
Có lẽ chúng ta không cần phải bàn nhiều về độ bền của xe mô tô Honda – có những chiếc xe sản xuất từ cách đây 2 thập kỷ nhưng vẫn được săn đón trên thị trường xe cũ. Hai mẫu xe dáng sport là CBR500R và CBR650R là những lựa chọn tuyệt vời trong phân khúc tầm trung nhờ trải nghiệm lái thú vị và độ bền đậm chất Honda. CBR500R là lựa chọn kinh tế hơn nhưng nếu có đủ điều kiện, bạn nên chọn CBR650R vì những nâng cấp vượt trội mà mẫu xe này sở hữu.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)