Lamborghini Huracan phiên bản dẫn động cầu sau (RWD) vẫn giữ nguyên những giá trị làm nên tên tuổi của dòng Huracan – nhưng bổ sung thêm một điều: niềm vui cầm lái!
Mua siêu xe chưa bao giờ là một quyết định lý trí cả. Bạn không cần phải sở hữu gần 600 mã lực, cũng không cần khả năng tăng tốc lên 100 km/h chỉ trong 3 cái chớp mắt. Thậm chí, việc đi giữa lòng Hà Nội với một siêu xe mang trong mình động cơ V10 với tiếng thét hơn 100 Decibel đôi khi còn mang lại sự phiền toái cho chủ xe. Đúng vậy, chúng ta chẳng cần phải sở hữu một chiếc Lamborghini để phục vụ nhu cầu di chuyển. Tuy nhiên, nếu như bất cứ ai cũng đặt sự lý trí lên hàng đầu khi chọn xe thì chắc chúng ta sẽ chỉ thấy Kia Morning hay Toyota Camry ngoài đường. Siêu xe được sinh ra để phục vụ một nhóm khác hàng cực nhỏ - những người có thể mua xe “trong một nốt nhạc”.
Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều người có thể mua xe nhiều tỷ đồng. Họ chia sẻ với tôi rằng ở tầm giá ngoài tầm với của đại chúng, những yếu tố thuộc về cảm xúc lại ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua xe. Một ca sĩ nổi tiếng chỉ chọn siêu xe Ferrari vì anh sinh vào năm Ngựa, một vị đại gia chỉ yêu thích xe siêu sang của Mercedes-Benz vì đó là thương hiệu xe ông ao ước khi mới chập chững lập nghiệp v.v..
Tựu chung lại, đối với giới thượng lưu thì việc xe này tăng tốc nhanh hơn xe kia vài tích tắc hay rộng rãi hơn vài centi-mét nhiều khi lại chẳng quan trọng bằng việc họ có thích thương hiệu, dòng xe đó hay không. Chiếc Lamborghini Huracan LP580-2 trong bài viết ngày hôm nay sở hữu rất nhiều điều thú vị để thuyết phục giới siêu giàu “xuống tiền”.
Đầu tiên, đó là cái tên của nó – Huracan. Huracan có nghĩa là "Cơn bão" trong tiếng Tây Ban Nha - một cái tên không thể phù hợp hơn dành cho một siêu xe có sức mạnh và hiệu năng đáng nể. Huracan cũng là tên của một chú bò tót cực kỳ thiện chiến đã được ghi danh sử sách vào năm 1879. Lamborghini Huracan có nhiệm vụ thay thế siêu xe tiền nhiệm Gallardo, dòng xe bán chạy thứ nhì trong lịch sử Lamborghini với 14.022 chiếc. Tính đến giữa năm 2019, Huracan đã vượt qua doanh số của dòng xe tiền nhiệm mà chỉ cần một nửa thời gian, tức là chỉ 5 năm. Điều đấy cho thấy sức hấp dẫn của “đàn em” Huracan lớn như thế nào.
Sức hấp dẫn tiếp theo của Huracan là thiết kế của nó, tất nhiên rồi! Chúng ta vẫn thường nói rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng nếu nhìn quan điểm theo một cách khác, liệu số đông có chịu mở một cuốn sách có mặt bìa rách nát để đọc nội dung bên trong? Tôi luôn thích những thứ “tốt gỗ” hơn nhưng không thể phủ nhận rằng thiết kế của một chiếc xe có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua xe của đại đa số khách hàng, với người giàu thì “nước sơn” lại càng quan trọng! Tất nhiên, sẽ có những thứ tốt cả gỗ, tốt cả nước sơn, ví dụ như chiếc Lamborghini Huracan RWD trong bài viết này.
Lamborghini Huracan được thiết kế với cảm hứng từ hình lục giác của phân tử các-bon. Dù nhìn từ phía trước hay phía sau, từ trong hay ngoài thì thiết kế hình lục giác cũng tràn ngập trên Huracan. Có thể thấy rõ ràng nhất ở lưới tản nhiệt trước, sau và bên trong cabin. Huracan có phong cách thiết kế mạnh mẽ với những đường cắt, xẻ dứt khoát giống như đàn anh Aventador thay vì thiết kế đơn giản, mạch lạc của Gallardo.
Lamborghini cho biết họ đã thử nghiệm kỹ lưỡng Huracan trong hầm gió để có thể tạo hình thân xe sao cho tối ưu hóa nhất về mặt khí động học mà không cần đến cánh gió rời ở phía đuôi giống như các siêu xe khác. Thiết kế này giúp Huracan có hiệu quả khí động học tốt hơn 9% Gallardo và có lực ép xuống mặt đường tốt hơn tới 50%. Tuy nhiên, thế giới không đứng yên vào thời điểm chiếc Gallardo dừng sản xuất. Những đối thủ của Lamborghini Huracan rõ ràng đang có lợi thế hơn bò tót xứ Italia về mặt khí động học, đặc biệt là McLaren. Lamborghini cũng đã có những đòn đáp trả tới những gã Ăng-lê và người hàng xóm Ferrari, tiêu biểu là hệ thống ALA của Huracan Performante và Aventador SVJ. Tuy nhiên, chúng ta đang nói tới những phiên bản tiêu chuẩn và Huracan LP580-2 rõ ràng khó có thể so sánh với Ferrari F8 Tributo hay McLaren 570s về khí động học.
Bù lại, nếu so sánh về kết cấu khung gầm thì Huracan lại có lợi thế so với F8 Tributo. Lamborghini đã khéo léo kết hợp vật liệu sợi các-bon và nhôm để tạo nên khung gầm và thân xe. Nó không hoàn toàn giống như Aventador: sợi các-bon sẽ tạo phần khoang trung tâm, khoang phía sau, trụ B và vách ngăn khoang động cơ. Các bộ phận các-bon sẽ được gắn chặt bằng các tấm nhôm để tạo nên phần còn lại của chiếc xe. Lamborghini cho biết khung gầm của Huracan nhẹ hơn 10% và cứng hơn 50% so với Gallardo.
Khung gầm hybrid bao gồm 80% nhôm và 20% cácbon của Huracan cho độ cứng xoắn tốt hơn 50% so với Gallardo trong khi lại nhẹ hơn 10%. Khung gầm của Huracan được sản xuất tại nhà máy của Audi đặt tại Neckarsulm gần Stuttgart, Đức. Nhờ khung gầm mới, Lamborghini Huracan bản dẫn động cầu sau có trọng lượng khô chỉ 1.389 kg, đạt tỷ lệ công suất/trọng lượng 423 mã lực trên một tấn trọng lượng. Để tiện so sánh thì khung gầm hybrid của Huracan có vẻ như “xịn” hơn siêu xe nhà Ferrari, vốn được cấu thành đa phần từ nhôm.
Tiện nhắc đến khung gầm, có lẽ ta cũng nên nhắc đến hệ thống treo của siêu xe nhà Lamborghini. Huracan được trang bị hệ thống treo dạng tay đòn kép cả trước và sau. Lamborghini cũng cung cấp tùy chọn hệ thống treo với các thanh giảm chấn từ tính nhưng đáng tiếc là chiếc Huracan này không có tuyf chọn này. Bù lại, chiếc Huracan đỏ chói này sở hữu hệ thống nâng gầm, giúp xe vượt qua gờ giảm tốc hay các chướng ngại vật khác dễ dàng hơn. Ở trạng thái bình thường, khoảng sáng gầm xe là 135 mm, khi nâng cấp, khoảng sáng gầm là 185 mm. Nếu đang ở trạng thái nâng gầm mà bạn vượt quá tốc độ 70 km/h thì gầm xe sẽ tự động hạ thấp để xe hoạt động tốt hơn.
Bộ la-zăng Giano kích cỡ 20 inch đi kèm lốp Pirelli P Zero kích cỡ 245/30 R20 trước, 305/30 R20 sau cũng là những chi tiết thú vị. Lốp trước có tiết diện chỉ 245 mm, tương đương với những mẫu xe như Porsche 911 hay thậm chí là McLaren 720s. Thông thường, lốp trước bé (nói một cách tương đối) sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu lái (understeer) khi bạn vào cua đủ “gắt” để đẩy dàn lốp trước vượt quá giới hạn lực bám của chúng.
Tuy nhiên, với Huracan LP580-2 phiên bản cầu sau thì các kỹ sư nhà Lamborghini đã lập trình lại hệ thống ESC ở chế độ lái Sport để “cho phép” lốp sau trượt trước khi lốp trước vượt qua “vòng tròn lực bám”, tức là giờ đây, bạn đã có thể drift Huracan RWD nếu như có đủ sự tự tin! Dàn lốp P Zero của Huracan LP580-2 cũng được thiết kế riêng cho mẫu xe dẫn động cầu sau này với hợp chất cao su khác biệt so với phiên bản LP610-4 để kích thích hiện tượng thừa lái (oversteer) dễ dàng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Lamborghini sử dụng slogan “Enjoyable Technology” cho mẫu Huracan RWD.
Thứ tiếp theo cũng rất “enjoyable” là động cơ của siêu xe này. Đối với nhiều người, đây là thành phần quan trọng nhất của một siêu xe thể thao và họ hoàn toàn có lý do để nghĩ như vậy. Ai mà chẳng thích một khối động cơ nạp khí tự nhiên, gào to như Bùi Anh Tuấn? Tất nhiên, động cơ V10 5.2L của Huracan không chỉ mang lại tiếng nổ đầy cuốn hút mà nó cũng sản sinh công suất rất đáng nể dù không đi kèm công nghệ tăng áp hay siêu nạp.
Động cơ V10 5.2L của Huracan LP580-2 sản sinh công suất 580 mã lực tại 8.000 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 540 Nm tại 6.500 vòng/phút. Động cơ này sử dụng cả hai cách thức phun nhiên liệu cả trực tiếp và gián tiếp để tối ưu hóa khả năng phân phối nhiên liệu ở mọi thời điểm đốt cháy. Nó cũng sử dụng hệ thống cam biến thiên trên cả bốn trục cam và hệ thống tạm dừng 1 hàng xy-lanh để tiết kiệm nhiên liệu trong các trường hợp không cần tải trọng lớn.
Những nâng cấp này giúp tăng công suất và mô-men xoắn của Huracan LP580-2 lên gần 50 mã lực và 20 Nm so với Gallardo bản cầu sau. Chưa hết, khoảng 75% mô-men xoắn (420 Nm) có thể đạt được ngay ở vòng tua 1.000 vòng/phút, đồng nghĩa với việc ngay từ khi mới đạp ga, người lái đã kích hoạt phần lớn sức mạnh của Huracan. Đây là một thông số cực kỳ ấn tượng đối với 1 khối động cơ nạp khí tự nhiên.
Động cơ V10 của Lamborghini Huracan có quan hệ mật thiết với những khối động cơ V8 TFSI của Audi. Rất nhiều công nghệ được chia sẻ chung, ví dụ như trục cam rỗng để giảm trọng lượng, tay biên bằng thép tiện 36MnVS4, pít-tông gia công bởi Kolben Schmidt với thiết kế đầu pít-tông được khắc rãnh xoáy đặc biệt để tạo độ xoáy nhằm tăng độ bão hòa cho hòa khí trong buồng đốt v.v.. Ngay cả góc xy-lanh 90 độ cũng là một yếu tố chia sẻ chung với dòng động cơ V8 của Audi (góc xy-lanh tối ưu của động cơ V10 phải là 72 độ, 90 độ là góc tối ưu của động cơ V8. Tuy vậy, dù có liên quan đến Audi như thế nào đi nữa thì Lamborghini Huracan cũng là một trong số ít những siêu xe vẫn giữ được động cơ V10 nạp khí tự nhiên cùng với người anh em Audi R8. Đây là tin vui cho người hâm mộ xe hiệu năng cao nói chung và fan Lamborghini nói riêng, dù niềm vui này cũng sẽ không thể kéo dài lâu nữa trước xu thế điện hóa mọi thứ.
Bên cạnh động cơ mới, hộp số ly hợp kép 7 cấp độ cũng là một thành phần quan trọng giúp Lamborghini Huracan bản dẫn động cầu sau tăng tốc rất nhanh, lên 100 km/h chỉ trong 3.4 giây và đạt tốc độ tối đa 320 km/h. Bạn có thể chớp mắt bao nhiêu lần mỗi giây? Hộp số ly hợp kép 7 cấp của Huracan có thể sang số trong vòng chỉ 0.1 giây, nhanh hơn cả một cái chớp mắt. Lamborghi gọi hộp số này là “Lamborghini Doppia Frizione” và đó là vũ khí chính giúp Huracan có khả năng tăng tốc rất ấn tượng, không thua kém nhiều so với các đối thủ sở hữu động cơ tăng áp.
Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là Lamborghini đã bỏ tùy chọn hộp số sàn trên chiếc Huracan. Theo họ, chỉ có khoảng 2% trong tổng số những siêu xe Lamborghini bán ra được trang bị số sàn và điều đó khiến họ không thể tiếp tục cung cấp tùy chọn số sàn.
Đối với những ai yêu thích công nghệ mới thì sợi các-bon Forged Composite của Lamborghini cũng là thứ khiến họ thích mê. Forged Composite là gì? Nó chính là sợi các-bon nhưng được sản xuất theo một phương thức khác so với sợi các-bon truyền thống mà chúng ta thường thấy. Ngoài sự khác nhau về mặt thị giác thì tính chất của sợi cácbon Forged Composite và loại truyền thống cũng có những khác biệt rất đáng kể.
Khác biệt đầu tiên là sợi cácbon truyền thống là một loại vật liệu dị hướng, tức là nó có độ cứng và độ bền mỏi cực cao theo hướng sắp xếp của các phân tử các-bon, nhưng lại rất giòn và dễ gãy theo hướng còn lại. Một ví dụ về sự dị hướng của sợi cácbon là giải đua xe F1, nơi những chiếc xe đua bằng sợi các-bon thường vỡ vụn khi gặp tai nạn. Ngược lại, sợi các-bon Forged Composite là vật liệu đẳng hướng, tức là mọi đặc tính vật lý của nó được duy trì ở mọi hướng, đơn giản vì các phân tử các-bon được sắp xếp lộn xộn không theo một trật tự nào cả.
Sự khác biệt tiếp theo là quy trình sản xuất. Sợi các-bon truyền thống được sản xuất bởi những người thợ thủ công dày dặn kinh nghiệm. Họ sẽ sắp xếp những miếng sợi các-bon vào khuôn theo từng lớp, từng lớp một và định hình các miếng sợi các-bon rồi cho vào túi hút chân không. Khâu cuối cùng, và cũng là khâu tốn thời gian nhất là hấp các bộ phận bằng sợi các-bon đó trong lò hấp với nhiệt độ và áp suất nhất định trong một khoảng thời gian có thể lên tới 24 tiếng.
Chính vì quá trình gia công các bộ phận bằng sợi các-bon, cũng như chính quá trình sản xuất ra các miếng sợi các-bon đều rất tốn thời gian và công sức nên giá thành của sợi các-bon không hề rẻ chút nào. Điều đặc biệt với sợi các-bon Forged Composite mà Lamborghini đã đăng ký bản quyền sáng chế là quá trình tạo nên các bộ phận bằng Forged Composite nhanh gấp hàng trăm lần so với việc dùng sợi các-bon truyền thống.
Các chế tạo Forged Composite đơn giản ở chỗ: các kỹ sư chỉ cần băm nhỏ miếng vải cácbon thành các mảnh nhỏ rồi đổ chúng vào khuôn kín, sau đó nung nóng ở nhiệt độ khoảng 160 độ C và dưới áp suất lớn gấp 100 lần áp suất khí quyển. Chỉ sau 3 phút là bộ phận được chế tạo bằng sợi các-bon Forged Composite đã thành hình và chỉ cần một vài bước gọt giũa đơn giản, nó đã sẵn sàng được đưa vào sử dụng.
Ba phút đồng hồ so với hàng chục tiếng là một sự khác biệt rất lớn, và việc sản xuất nhanh hơn, dễ dàng hơn sẽ khiến giá thành Forged Composite rẻ hơn sợi các-bon truyền thống. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng phải mất 8 năm để Lamborghini và Boing tối ưu hóa quy trình chế tạo Forged Composite và phải một thời gian sau, những khung cửa sổ và thanh gia cường bằng Forged Composite mới được lắp trên những chiếc Boeing 787 Dreamliner.
Với hàng loạt công nghệ đáng kể như vậy thì chiếc Lamborghini Huracan RWD mang lại trải nghiệm như thế nào? Rất khó để miêu tả trải nghiệm đó bằng từ ngữ, thực sự khó! Ngồi vào trong xe, bạn sẽ cảm thấy hẫng với vị trí ngồi cực thấp so với mặt đường. Sự hẫng tiếp theo đến khi bạn thử tăng tốc chiếc Huracan. Siêu xe này cần 3,4 giây để chạm mốc 100 km/h, không phải là siêu xe tăng tốc nhanh nhất mà tôi đã từng thử nhưng cũng đủ để những ai chưa quen với siêu xe phải xây xẩm mặt mày!
Sự hẫng tiếp theo đến khi bạn đạp phanh hết cỡ. Dù không được trang bị đĩa phanh gốm – các-bon nhưng khả năng phanh của Huracan cũng rất đáng nể, đủ để lục phủ ngũ tạng trong người dồn hết về phía trước! Thực sự mà nói thì khả năng phanh đến nhiều từ bộ lốp hơn là việc đĩa phanh làm bằng vật liệu gì.
Thứ ấn tượng nhất đối với tôi trong ngày trải nghiệm ngắn ngủi với Lamborghini Huracan là tiếng pô của nó. McLaren 720s hay Ferrari 488 GTB không thể có tiếng thét kinh thiên động địa như khối động cơ V10 5.2L của Lamborghini Huracan được! Đó là tiếng thét của sự tự do, không bị kìm hãm bởi những cánh quạt tăng áp. Chủ nhân của chiếc Huracan còn độ thêm hệ thống xả titan cho siêu xe này, tăng thêm độ rát tai cho những âm thanh siêu xe này tạo ra. Tất nhiên, những chiếc McLaren hay Ferrari sẽ tăng tốc nhanh hơn, linh hoạt hơn khi vào cua hay nói gọn lại là vần vô lăng những siêu xe này “sướng tay” hơn. Ngược lại, cầm lái Huracan lại “sướng tai” hơn!
Kết luận
Với giá bán 12,8 tỷ đồng, chiếc Lamborghini Huracan RWD đời 2016 này mang lại trải nghiệm đậm chất siêu xe cho những khách hàng sẵn sàng bỏ ra chừng đó tiền để tìm kiếm trải nghiệm phi thường. Tất nhiên, với số tiền ít hơn, họ vẫn có thể mua được 1 chiếc 911 mới cáu cạnh có hiệu năng tương đương. Tuy nhiên, bạn không mua một chiếc Lamborghini vì hiệu năng vận hành. Bạn chọn nó đơn giản vì nó là một chiếc Lamborghini!
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)