Những chiếc Mini JCW chẳng khác nào Ole Gunnar Solskjær, “sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ”. Dù vẫn mang vẻ bề ngoài đáng yêu, nhỏ nhắn như các bản Mini khác nhưng nếu bạn dám thách thức Mini JCW trên đường đua, chưa chắc bạn đã chiến thắng!
Hai nửa của thế giới có hai điểm nhìn rất khác biệt về thương hiệu Mini. Với giới chị em, Mini là những chiếc xe thời trang, rất phù hợp với hội fashionista. Cưỡi một chiếc Mini vào tiệm “eo vì”, nữ chủ nhân Mini sẽ tự tin được chào bằng “em” thay vì “quý bà”. Đàn ông thì coi những chiếc Mini là những chiếc xe đô thị cho cảm giác lái thú vị, có khả năng vượt trội so với vẻ bề ngoài và có lẽ quan trọng nhất: Mini là những chiếc xe dễ thuyết phục vợ nhất! Dù vậy, không thể phủ nhận rằng đa phần khách hàng tìm đến Mini vì thiết kế hơn là khả năng vận hành. Phiên bản Mini JCW được sinh ra để thay đổi điều đó.
Thiết kế năng động
Với phiên bản JCW, Mini hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những phiên bản thấp hơn. Vẫn là thiết kế tổng thể nhỏ gọn và hợp mắt nhưng giờ đây, Mini JCW có khả năng tốc độ dễ dàng so kè với những mẫu xe trông “cool ngầu” hơn nhiều. JCW là viết tắt của John Cooper Works, chi nhánh hiệu năng cao của Mini, có vai trò tương tự như AMG của Mercedes. JCW được đặt tên để vinh danh nhà sáng lập hãng, ông John Cooper và được chính Michael Cooper – con trai của ông John Cooper, sáng lập năm 2002. Hiện nay, JCW được quản lý bởi Charles Cooper, con trai của Michael Cooper.
Tay đua người Anh huyền thoại John Cooper là người thiết kế chiếc xe F1 đầu tiên có động cơ đặt giữa – chiếc Cooper T43, tạo ra tiền đề cho mọi mẫu xe đua F1 sau này. Những huyền thoại cỡ Bruce McLaren, Stirling Moss và ngay cả Enzo Ferrari đều đã từng cầm lái Cooper T43. Dù vậy, hàng chục năm sau, liệu những chiếc Mini có xứng đáng với danh xưng John Cooper Works?
Khi Mini thế hệ thứ 3 ra đời năm 2014, chúng bị chê vì thiết kế quá bầu bĩnh và tròn trịa, nhất là so với thế hệ cũ. Tất nhiên, những thay đổi đó là có lý do, nhất là để cải thiện độ an toàn khi có va chạm. Bên cạnh đó, nền tảng UKL cũng mang lại không gian nội thất rộng rãi hơn và tăng 30% không gian khoang hành lý, lên mức 211 lít – không quá lớn những cũng lớn hơn đời trước rất nhiều. Phiên bản JCW được bổ sung nhiều chi tiết gân guốc và rắn rỏi hơn. Trong đó, nổi bật nhất là mặt ca lăng lớn hơn, kết hợp với tấm cản trước có thiết kế khá thể thao. Nắp capô được bổ sung một khe thoát nhiệt giả (không thông xuống khoang động cơ bên dưới. Bên cạnh đó, những điểm nhấn màu trắng ở capô, ốp gương và nóc xe khiến Mini JCW trông “ngầu” hơn nhiều so với Cooper S.
Nhìn từ bên hông, chiếc Mini JCW cũng có nhiều điểm nhấn khác biệt. Ta có bộ la-zăng 17 inch 5 chấu kép rất thể thao, kết hợp rất nhuần nhuyễn với cùm phanh đỏ có logo JCW. Kiểu phối màu dạng “color block” với nóc trắng, các khoang cửa kính phủ đen, thân xe màu xanh Rebel Green dành riêng cho bản JCW và các miếng ốp nhựa đen.
Cũng với góc nhìn bên hông thì bạn sẽ thấy chiếc Mini thực sự “mini” như thế nào. Xe có chiều dài chỉ 3.874 mm, chiều rộng 1.932 mm tính cả gương và chiều cao 1.414 mm, chiều dài cơ sở 2.495 mm. Một chỉ số rất thú vị là tỷ lệ chiều dài/chiều rộng của chiếc Mini có tỷ lệ gần đạt mức 2:1. Chính tỷ lệ cực ngắn này khiến xe có trải nghiệm lái rất thú vị và độc đáo, khác hẳn so với các mẫu xe lớn hơn.
Ở phần đuôi, ta sẽ thấy những điểm nhấn đặc trưng như cánh gió cỡ lớn, đèn hậu LED có thiết kế mang cảm hứng từ lá cờ Vương quốc Anh, ống xả đôi đặt giữa và tất nhiên, logo John Cooper Works. Nhìn chung, những chiếc xe Mini luôn có thiết kế khiến khách hàng phải “xuống tiền” ngay lập tức, và bản cao cấp JCW cũng vậy.
Nội thất “hippie”
Hippie vốn không phải là xu hướng nổi lên từ những người nổi tiếng trong giới thời trang, Hippie bắt nguồn từ những người được cho là kỳ quặc, bất thường, khác người. Phong cách thời trang Hippie được xem như là thời kỳ lên ngôi của phong cách thiết kế Art Deco, mang chút gì đó phóng khoáng và tự do, đôi lúc lại đầy hoang dại và bí ẩn. Khi nhìn thấy những người ăn mặc khá kỳ quặc, khác biệt hẳn với mọi người thì họ chính là những người đang theo đuổi phong cách Hippie. Trang phục này chúng ta có thể thấy rõ nhất ở những nhạc sĩ, ca sĩ nhạc rock, underground và tất nhiên, ở những người không muốn hòa lẫn vào đám đông.
Đó cũng là tinh thần chung của nhóm khách hàng đặc trưng của Mini. Bước vào một chiếc Mini, bạn sẽ không thấy những vật liệu siêu cao cấp, thay vào đó là những hình khối, nút bấm và thiết kế được lấy cảm ứng từ hình tròn – logo hãng. Vô lăng được bọc da nappa rất mềm và mịn, được gắn những nút bấm hình tròn nhìn rất thời trang. Đến cả những lẫy chuyển số cũng có thiết kế tròn trịa. Một nâng cấp đáng mong đợi ở phần nội thất chính là cụm đồng hồ điện tử toàn phần, có thiết kế tối giản rất bắt mắt.
Tất nhiên, ta cũng cần nhắc đến bảng táp lô có thiết kế 1 vòng tròn LED rất nổi bật. Vòng LED này có màu thay đổi theo chế độ lái và có độ sáng thích ứng, không gây chói mắt vào ban đêm. Nằm giữa vòng tròn là một màn hình cảm ứng 8,8 inch, có độ mượt mà và độ sáng tối ưu. Ta cũng có những nút bấm cơ và cần gạt có thiết kế rất thú vị dành cho hệ thống điều hòa và các tính năng điện tử khác. Trái với xu hướng màn hình hóa mọi thứ, những chiếc xe Mini vẫn giữ lại thiết kế tập trung vào nút cứng, một sự bảo thủ được khách hàng của họ chào đón.
Tất nhiên, ẩn sau những phím cứng đó vẫn là các công nghệ hiện đại tương xứng với giá bán hơn 2,3 tỷ đồng của Mini JCW. Đó là dàn loa Harman Kardon cao cấp, cửa sổ trời toàn cảnh, hiển thị kính lái HUD, kiểm soát hành trình thích ứng v.v.. Tất nhiên, đó là những sự bổ sung rất xứng tiền, nhưng thứ tạo nên điểm hấp dẫn của Mini JCW – chí ít là với đàn ông, vẫn là trải nghiệm lái.
Trải nghiệm thú vị ngay cả ở tốc độ chậm
Mini JCW sở hữu động cơ I4 2.0L tăng áp, tên mã B48 chia sẻ chung với rất nhiều mẫu BMW. Trên Mini JCW, động cơ này sản sinh công suất tối đa 231 mã lực tại dải tua máy 5.200 – 6.200 vòng/phút, lực mô-men xoắn tối đa 320 Nm tại dải tua rất rộng: 1.450 – 4.800 vòng/phút. Kết hợp với hộp số tự động 8 cấp, động cơ này giúp Mini JCW tăng tốc lên 100 km/h trong 6,1 giây và đạt vận tốc tối đa 246 km/h. Tất nhiên, sức hấp dẫn của trải tim Mini không chỉ dừng lại ở những con số.
Về kết cấu cơ khí, động cơ B48 có rất nhiều điểm ưu việt khi so với N20. Đầu tiên, đó là việc chuyển từ kiểu thiết kế thân máy với áo nước bao quanh buồng đốt (open-deck design) sang dạng “đặc” hơn, với nước làm mát chỉ chảy qua những đường dẫn nhỏ hơn và tỷ lệ kim loại bao quanh buồng đốt lớn hơn nhiều (closed-deck design). Thiết kế kiểu closed-deck là đặc trưng của những động cơ hiệu năng cao nên nếu như mọi yếu tố khác là đồng đều thì động cơ closed-deck sẽ bền và mạnh hơn động cơ open-deck. Nếu như bạn có ý định độ công suất cho chiếc xe của mình thì thiết kế closed-deck cũng chịu được áp suất nén tốt hơn và ổn định, bền bỉ hơn.
Nâng cấp quan trọng tiếp theo là hệ thống làm mát khí nạp kiểu air-to-water. Nếu giải thích đơn giản thì dòng khí nạp vào cổ góp được làm mát bằng dung dịch thay vì làm mát bằng luồng khí đi qua bộ tản nhiệt đặt ở mũi xe. Thiết kế kiểu air-to-water phức tạp hơn nhiều so với kiểu air-to-air truyền thống nhưng ưu điểm của thiết kế này là không khí được nạp mát không phải “chạy” 1 quãng đường dài như kiểu tản nhiệt air-to-air truyền thống. Thực tế là bộ tản nhiệt chính của động cơ B48 được tích hợp thẳng vào cổ góp khí nạp nên độ trễ tăng áp được giảm đi rất nhiều. Khi đạp ga thì người lái sẽ cảm thấy động cơ nhanh nhạy và linh hoạt, “nghe lời” hơn nhiều so với kiểu làm mát khí nạp truyền thống.
Cũng giống như N20, động cơ B48 vẫn sử dụng hệ thống tăng áp với tuốc-bin nhận 2 luồng khí xả (twin scroll turbo). Đây là ưu điểm của động cơ Mini/BMW khi so với các mẫu xe Đức khác, những hãng xe thường chỉ áp dụng cấu hình twin scroll cho các động cơ hiệu năng cao. Nói đơn giản thì khí nạp từ xy-lanh 1 và 4 được nối chung vào 1 đường ống, trong khi xy-lanh 2 và 3 nối chung vào 1 ống. Thiết kế này khiến áp lực khí xả từ 4 xy-lanh được dàn đều, ít xung đột với nhau hơn, qua đó tăng hiệu suất chuyển đổi động năng từ luồng khí xả thành công năng của tuốc-bin, giảm hiện tượng trễ tăng áp. Thiết kế kiểu twin-scroll và bộ làm mát khí nạp air-to-water là 2 thứ khiến động cơ B48 của Mini vô địch trong phân khúc về độ nhạy bén.
Khi trải nghiệm thực tế, khối động cơ này khiến trải nghiệm với Mini là ấn tượng ở mọi dải tốc độ. Đạp thốc ga từ vị trí đứng yên, chiếc Mini JCW chỉ khựng lại tầm 1 giây rồi lao vút đi với gia tốc hiếm thấy trên một chiếc xe cỡ nhỏ. Khi chuyển số tay, hộp số 8 cấp cũng tương đối nhạy bén và vi sai hạn chế trượt dạng cơ học khiến hiện tượng lệch lái khi đạp ga (torque-steer) được kiểm soát rất tốt. Khi vào cua ở vận tốc cao, chiếc Mini cũng kiểm soát độ bám của cả 4 bánh xe rất tốt, chỉ khi cố tình vào cua trễ hoặc với tốc độ quá cao thì hiện tượng thiếu lái mới xuất hiện. Tôi cũng thấy bất ngờ trước độ êm ái của Mini JCW – đây là chiếc Mini êm ái nhất mà tôi từng trải nghiệm, nhờ các thanh giảm chấn thích ứng thay đổi theo chế độ lái.
Có lẽ khi xét về trải nghiệm lái Mini JCW, thứ duy nhất tôi cảm thấy chưa ưng ý chỉ là cảm giác vô lăng. Vô lăng vẫn đầm, chắc và chính xác nhưng cảm nhận mặt đường là không rõ rệt. Tuy nhiên, vô lăng trợ lực điện và không truyền rung động lên tay người lái là xu thế chung của cả ngành xe và dường như chỉ có Porsche mới làm được 1 hệ thống vô lăng trợ lực điện có thể thỏa mãn đôi tay tôi.
Kết luận
Nhìn chung, Mini JCW là một chiếc xe bạn có thể đi lại hằng ngày và tìm kiếm trải nghiệm lái hứng khởi vào cuối tuần, hoặc tham dự thể thức đua gymkhana nếu như bạn muốn. Tất nhiên, với giá bán hơn 2,3 tỷ đồng thì Mini JCW vượt quá tầm với của số đông. Dù sao thì phân khúc đại chúng vẫn chưa bao giờ là định hướng của những chiếc Mini!
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)