Để đảm bảo an toàn cho trẻ em và gia đình khi lái xe ô tô, Dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an đã đề xuất quy định bắt buộc trẻ dưới 4 tuổi phải ngồi ghế trẻ em và trẻ dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước.
Cụ thể, theo Dự luật mới của Bộ Công an, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m không được ngồi ở hàng ghế trước trên ô tô chở người (ghế phụ cạnh tài xế), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế. Thêm nữa, trẻ em dưới 4 tuổi được chở trên ô tô phải được ngồi bằng ghế dành riêng cho trẻ em.
Nhưng đề xuất này gặp phải một số bất cập đối với cả người tham gia giao thông và lực lượng chức năng khi làm việc. Thứ nhất là công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên mới được làm chứng minh nhân dân, căn cước công dân, nên việc xác minh độ tuổi của trẻ dưới 12 tuổi chỉ có thể sử dụng giấy khai sinh của trẻ.
Như vậy, bắt buộc người thân đi cùng trẻ trên xe ô tô phải luôn mang theo giấy khai sinh của trẻ để trình báo nếu bị kiểm tra. Việc đo chiều cao của trẻ ngay trên đường cũng khó chính xác.
Bất tiện thứ hai là các đơn vị cung cấp và phân phối ghế an toàn trẻ em dưới 4 tuổi tại Việt Nam vẫn còn rất ít và không được kiểm soát về chất lượng, dẫn đến việc trang bị ghế trẻ em đối với người Việt không được phổ biến rộng rãi. Chưa kể, không phải tất cả các loại ô tô đang lưu hành trong nước đều có đủ móc an toàn ghế sau để cố định ghế trẻ em.
Dù vậy, với quy định mới, sự an toàn của trẻ em trên xe ô tô sẽ được đảm bảo hơn, bởi vì, khi xe xảy ra tai nạn, túi khí khi bung ra có thể gây nguy hiểm trực tiếp với trẻ em. Ngoài ra, dây đai an toàn của xe cũng được thiết kế cho người lớn, không thể điều chỉnh thấp xuống để phù hợp với trẻ em nên hoàn toàn không có khả năng bảo vệ trẻ nhỏ.
Ở nhiều nước phát triển, luật trẻ em phải ngồi ghế dành riêng cho trẻ trên ô tô đã hình thành và áp dụng từ lâu, thậm chí, trẻ sơ sinh vừa sinh ra, khi rời bệnh viện cũng phải được nằm trong ghế trẻ em trên ô tô.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)