Đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO là một trong những giải pháp giúp tăng an toàn cho người điều khiển xe máy. Chỉ với thay đổi nhỏ trong việc sử dụng loại đèn này sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực.
Nâng cao sự an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe máy là yêu cầu bức thiết tại Việt Nam. Nhiều tổ chức đã phát triển và ứng dụng các công nghệ hướng tới mục đích nhân văn này và đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO là một trong số những công nghệ mới hiện nay, với tính năng đơn giản nhưng hứa hẹn mang lại hiệu quả lớn.
Tăng khả năng nhận diện xe máy
Xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu của người Việt.
Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai. Theo số liệu đăng ký phương tiện tính đến cuối năm 2019, nước ta có khoảng 62 triệu xe máy với tỷ lệ sở hữu 640 xe/ 1.000 dân (1). Do đó, việc nâng cao an toàn khi người dân tham gia giao thông bằng xe máy là hết sức cấp thiết.
Khi có va chạm giữa xe ô tô và xe máy, người điều khiển xe máy luôn bị thương nặng hơn
Nguyên nhân là người điều khiển xe máy rất dễ bị tổn thương khi có va chạm với phương tiện cơ giới khác. Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, 70% vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan tới xe máy, nhưng có tới 90% nạn nhân thương vong là người điều khiển xe máy. Các nghiên cứu về ATGT tại châu Á cho thấy 60% vụ TNGT xảy ra vào ban ngày, trong đó 80% xảy ra ở làn đường hỗn hợp, nơi mà xe máy đi chung với các phương tiện cơ giới khác. (2)
Tăng khả năng nhận diện của xe máy trên đường đồng nghĩa với việc tăng độ an toàn cho người điều khiển.
Các tình huống điển hình như hai xe đi ngược chiều, đi cùng chiều phía sau, khi di chuyển vào nút giao khuất tầm nhìn hay khi chạy trên đường cong bán kính nhỏ gây khuất tầm nhìn. Xe máy có kích thước nhỏ nên càng khó để người lái ô tô phát hiện kịp thời.
Việc sử dụng đèn chiếu sáng phía trước tự động giúp người lái xe ô tô dễ dàng nhận diện xe máy qua gương chiếu hậu.
Việc áp dụng quy định đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO đã gặt hái thành công tại nhiều quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Thái Lan, Malaysia… Ở một số nước Đông Nam Á, hiệu quả của đèn chiếu sáng phía trước tự động trên xe máy cũng được chứng minh bằng số liệu cụ thể. Tại Malaysia, luật bắt buộc sử dụng đèn nhận diện ban ngày góp phần giảm 29% vụ TNGT trong năm 1992. Ở Thái Lan, chính phủ cũng bắt buộc xe máy phải được trang bị đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO từ năm 2003 và quy định này góp phần làm giảm 20% số vụ TNGT liên quan đến xe máy (4). Tại Việt Nam, các nghiên cứu được thực hiện trong nước cũng cho thấy những con số khả quan tương tự.
Đèn nhận diện ban ngày đã được trang bị cho rất nhiều mẫu xe máy tại Việt Nam.
Đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO – Công nghệ nhỏ, hiệu quả lớn
Những thay đổi đột phá về công nghệ đã giúp giải pháp đèn nhận diện ban ngày trên xe máy trở nên rất hiệu quả, mức độ ảnh hưởng đến nền nhiệt đô thị gần như không đáng kể.
Tiêu hao nhiên liệu cho việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày là gần như không đáng kể. Với giả định một xe máy sử dụng đèn liên tục trong 4000 km/ năm, tương đương với 10 km di chuyển mỗi ngày, mức tiêu thụ xăng của hệ thống đèn LED chỉ là 6 ml/ 100 km, với đèn halogen là 14,5 ml/ 100 km. Dễ dàng thấy được, việc sử dụng đèn nhận diện ban ngày không phát sinh đáng kể các chi phí, năng lượng cấp cho đèn được lấy chủ yếu từ máy phát điện nên cũng gần như không ảnh hưởng đến ắc quy.
Giải pháp đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO có tổng chi phí ước tính chỉ khoảng 10 triệu USD (LED) hoặc 15 triệu USD (Halogen) cho 50 triệu xe máy đang lưu thông tại Việt Nam. Nếu giả định mức cải thiện khiêm tốn chỉ 5%, nước ta cũng sẽ tiết kiệm được 180 triệu USD tiền thiệt hại do TNGT, lợi ích trên chi phí là khoảng 15 đến 20 lần (5). Trước khi giải pháp đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO được hãng sản xuất xe áp dụng, mỗi người dân hãy tự chủ động bật đèn chiếu sáng phía trước ở chế độ chiếu gần làm đèn nhận diện ban ngày trên những chiếc xe máy mà chúng ta sử dụng hằng ngày để tự bảo vệ bản thân và người tham gia giao thông khác.
(1) (2) (3) (4) (5) Theo nghiên cứu của TS. Vũ Anh Tuấn và ThS. Nguyễn Đinh Vinh Mẫn – Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)