Thứ 6 vừa qua, trong một buổi lễ có sự tham gia của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức giới thiệu bản mẫu đầu tiên của dự án xe điện nội địa với một mẫu SUV cỡ nhỏ và một chiếc sedan cùng thiết kế cực kỳ thu hút.
Được lên ý tưởng và thiết kế bởi studio Ý – Pininfarina, hai nguyên mẫu chạy điện này sẽ được chế tạo và hoàn thiện tại Tập đoàn Cổ phần Ô tô Thổ Nhĩ Kỳ TOGG – sự kết hợp của 5 công ty và một tổ chức.
Về sản phẩm, chiếc sedan được dự đoán sẽ xuất hiện trong phân khúc cỡ nhỏ trong khi chiếc SUV đã được xác nhận thuộc phân khúc SUV hạng C với kế hoạch ra mắt vào 2022.
Theo vị Chủ tịch TOGG - Gürcan Karakaş, mẫu xe sẽ sử dụng một trong hai mô-tơ điện mang công suất 200 hoặc 400 mã lực. Trong đó, phiên bản với khối pin lớn hơn sẽ có thể đạt tốc độ 100 km/h từ vạch xuất phát chỉ trong 4,8 giây và quãng đường di chuyển hơn 500 km cho một lần sạc. Ngoài ra, phần pin được công bố có thể sạc đầy tới 80% chỉ trong dưới 30 phút.
Phiên bản 200 mã lực sẽ xuất hiện với hệ dẫn động cầu sau và 1 mô-tơ điện trong khi biến thể 400 mã lực sẽ sử dụng thêm một mô-tơ điện tại trục bánh trước cùng hệ dẫn động AWD. Với hệ dẫn động 1 cầu và công suất kém hơn, biến thể này phải cần tới 7,6 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h và di chuyển được khoảng 300 km cho 1 lần sạc. Tuy nhiên, TOGG chưa ấn định chi tiết về từng phiên bản động cơ hay hệ dẫn động sẽ xuất hiện trên chiếc sedan hoặc SUV.
“Ngày hôn nay, chúng ta sẽ cùng nhau chứng kiến thời khắc lịch sử, một giấc mơ 60 năm của người Thổ Nhĩ Kỳ,” trích lời phát biểu của Tổng thống Erdoğan trong buổi lễ ra mắt. “Với TOGG, chúng ta không cần mua giấy phép hay xin phép một ai mà có thể tự quyết định và điều chỉnh các trang bị kĩ thuật theo mong muốn.”
Lần quay trở lại này đã đánh dấu nỗ lực thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sản xuất ra những chiếc ô tô riêng của đất nước. Sự thử nghiệm đầu tiên xuất hiện từ năm 1961 với cái tên Devrim tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở các bản thảo thử nghiệm.
“Devrim có thể đã là một thất bại nhưng điều đó không thể cản trở một nền công nghiệp ô tô của Thổ Nhĩ Kỳ,” vị Tổng thống nhấn mạnh đồng thời tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ “không chỉ là một thị trường của công nghệ mới mà sẽ còn phát triển, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đi khắp các nước toàn cầu.”
Về mặt ngoại hình, Pininfarina đã mang tới một ngôn ngữ thiết kế không quá độc đáo hay phá cách tuy nhiên vẫn ghi điểm trong mắt khán giả với tổng thể lịch lãm và bí ẩn.
Mặt trước của mẫu SUV có thể đã chia sẻ nhiều đường nét với một số mẫu concept của Pininfarina như chiếc crossover HKG K350 hay chính mẫu VinFast LUX SA 2.0 của Việt Nam. Bên cạnh đó, chiếc sedan sở hữu một ngoại thất khá đơn giản và hiện đại với phần đuôi uốn cong như những mẫu Tesla. Đặc biệt, cả hai mẫu xe xuất hiện với tay nắm cửa thiết kế thu gọn vào trong cùng với hệ thống camera tích hợp trên gương.
Công nghệ tiên tiến
Theo TOGG, những mẫu xe sẽ xuất hiện với các tính năng tự động lái Cấp 2 ví dụ như “Slow Traffic Pilot” và sẽ nâng cấp lên Cấp 3 hoặc cao hơn nhờ một cấu trúc hay nền tảng kết nối cho phép quá trình nâng cấp không dây.
Không chỉ tận dụng sự tiên tiến của công nghệ 5G, những chiếc xe còn sở hữu công nghệ đặc biệt mang tên “Holographic Assistant”. Theo công bố từ tập đoàn, hệ thống này sẽ sử dụng các thuật toán theo dõi từ một mắt quan sát, kết hợp cùng hình ảnh phác họa 3D để cung cấp một trải nghiệm đến từ tương lai cho người dùng.
“Công nghệ Holographic Assistant sẽ tạo nên một cuộc cách mạng với trải nghiệm lái bằng cách thay thế công nghệ hiển thị 2D hiện nay bằng những hình ảnh 3D cũng như các công nghệ thực tế ảo.”
Điều này có thể sẽ cho phép người lái nhìn và đọc các thông tin hiển thị ngay cả khi đang quan sát đường để lái xe. Nếu thành công, TOGG sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô tiên phong với công nghệ này.
Theo kế hoạch, chiếc xe đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được chế tạo tại nhà máy mới ở quận Gemlik miền tây bắc tỉnh Bursa. TOGG cũng đặt mục tiêu cho ra mắt khoảng 5 sản phẩm từ nay cho tới năm 2030.
Kiều Hoàng (Tuoitrethudo)
Nguồn: Carscoops