Đóng
 

Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:12
09:51  |  29/10/2021

Giá xăng dầu tăng chóng mặt, doanh nghiệp vận tải càng thoi thóp

Giá xăng dầu tăng mạnh vào thời điểm này đã dồn áp lực lớn lên các ngành sản xuất, tiêu dùng trong đó nặng nề nhất là vận tải, đặc biệt là vận tải khách còn đang chật vật với bình thường mới.

Doanh nghiệp vận tải sốc với giá xăng dầu

Giá xăng và giá dầu vừa được điều chỉnh mạnh trong ngày 26/10. Theo đó, sau lần tăng này, giá xăng đã đạt mức 24.300 đồng/lít, mức giá này ghi nhận ở cao nhất trong vòng 7 năm qua và chỉ kém năm 2014 (25.000 đồng/lít).

Không chỉ giá xăng, giá dầu diesel cũng tăng mạnh. Sau “cú” điều chỉnh với mức hơn 1.100 đồng/lít, hiện dầu diesel 0,05S là 18.716 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng mạnh vào thời điểm này đã dồn áp lực lớn lên các ngành sản xuất, tiêu dùng trong đó nặng nề nhất là vận tải, đặc biệt là vận tải khách còn đang chật vật với bình thường mới.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc taxi Nguyên Minh cho hay, khi biết tin xăng dầu tăng giá mạnh vào chiều qua, 26/10, mà tôi cũng như các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP Hà Nội thấy bị sốc.

“Doanh nghiệp taxi còn đang chật vật trong bình thường mới vì khách đi lại quá ít trong khi chi phí của doanh nghiệp bỏ ra nhiều thì lại thêm một cú đạp của giá xăng nữa thì không chỉ taxi mà các loại hình vận tải khách đều ngắc ngoải”- ông Minh cho hay.

Theo ông Minh, trong khi người dân còn dè dặt với việc đi lại thì các doanh nghiệp vận tải không thể tính đến việc tăng giá cước. Nhưng, nếu không tăng giá cước thì doanh nghiệp lại không thể cáng đáng được chi phí. Bởi theo tính toán, giá xăng dầu chiếm đến gần 40% cấu thành cước vận tải.

Anh Vũ Văn Huy, lái xe HTX Nam Anh (đối tác tài xế GrabCar) cho hay, từ khi TP Hà Nội cho phép xe công nghệ hoạt động trở lại đến nay thì lượng khách cũng rất thưa vắng. Số cuốc xe anh Huy nhận chạy trong ngày chỉ còn khoảng 1/3 so với trước kia.

Vận tải khách hốt hoảng vì xăng dầu tăng giá kỷ lục

“Xăng tăng gần 1.500 đồng/lít thì chắc chắn vận tải sẽ phải điều chỉnh giá cước rồi, nhưng mà cước cao quá thì tôi sợ khách lại ít đi nữa”- lái xe Huy lo lắng.

Với vận tải khách liên tỉnh hiện là lĩnh vực khó khăn nhất dù đã được túc tắc hoạt động trở lại nhưng luôn trong tình trạng “chở gió”, đói khách thì giá xăng dầu tăng kỷ lục lần này như một cái tát mạnh.

Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai) thông tin, việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu trong giai đoạn hiện nay gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Do ảnh hưởng của dịch, hoạt động vận tải bị gián đoạn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ở giai đoạn bình thường chi phí nhiên liệu của Hà Sơn - Hải Vân khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng. Giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn thêm chồng chất.

Đáng nói, doanh nghiệp hiện chỉ được hoạt động với 20% tần suất công bố nên rất khó để doanh nghiệp điều chỉnh giá vé.

Nên giảm thuế bảo vệ môi tường với xăng dầu

Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ phải tính toán nhiều khoản để cơ cấu ra giá thành vận tải từ khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lương lái xe, bộ máy quản lý và các loại thuế, phí.

Trong đó, chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khi tăng giá nhiên liệu, doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.

Theo ông Quyền, vận tải hành khách đang trong thời kỳ khó khăn bộn bề, nhu cầu đi lại đang rất thấp. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, phương tiện chỉ được chở tối đa 50% số ghế ngồi. Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải điều chỉnh, đưa ra giá cước vận tải mới phù hợp với đầu vào của vận tải. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách.

"Việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước để bù đắp chi phí trong giá thành vận tải. Khi giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải và cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá này", ông Quyền nói.

"Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800 - 4.000 đồng/lít xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nên xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Cách này sẽ ít gây xáo trộn tác động dây chuyền đến các lĩnh vực có liên quan", ông Quyền đề xuất.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

Tags: Việt Nam   GTVT   giá xăng dầu  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...