Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10- 2021 giảm 0,2% so với tháng trước nhưng riêng chỉ số giá nhóm giao thông lại tăng đến 2,51% do giá xăng dầu tăng mạnh.
Giá xăng dầu vẫn có xu hướng tăng
Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 10-2021 có 8/11 nhóm hàng hóa tính CPI tăng giá và chỉ có 3 nhóm giảm giá.
Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,51%. Mức tăng này làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu liên tiếp vào ngày 25-9-2021, 11-10-2021 và 26-10-2021, trong đó giá xăng A95 tăng 2.940 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 2.970 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 2.690 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng cũng khiến chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19% khi chi phí vận chuyển nhích lên theo nhiên liệu.
Ngoài ra, việc tăng học phí mầm non, học phí đại học tại một số địa phương khiến giá cả nhóm giáo dục tăng thêm 0,25%, làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm. Các nhóm hàng có mức giá tháng 10 tăng không đáng kể so với tháng trước.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng thêm 0,36 điểm phần trăm.
Theo các chuyên gia, việc tăng giá xăng dầu có thể tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022. Tuy vậy, giá xăng dầu tăng vẫn là diễn biến khó tránh khỏi, bởi giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh và dự báo sẽ vượt kỷ lục năm 2014.
Từ 20h ngày 23-6-2014, giá xăng RON95 trong nước được niêm yết ở mức giá 25.730 đồng một lít (vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 95 có giá là 26.240 đồng một lít. Đây được coi là mức giá cao nhất trong lịch sử của RON 95. Kỷ lục này đến nay chưa bị phá vỡ.
Tuy nhiên, diễn biến giá xăng dầu gần đây cho thấy lịch sử này có nguy cơ lặp lại và có thể bị phá vỡ. Để ổn định giá xăng dầu, các chuyên gia cho rằng nên tính đến việc giảm thuế xăng dầu, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Công cụ quỹ bình ổn giá nhằm “giảm sốc” khi tăng giá xăng dầu đang trong tình trạng âm rất lớn do việc chi sử dụng quỹ diễn ra trong thời gian dài và ở mức cao, trong khi trích lập quỹ hạn chế.
Từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được tăng kịch khung. Hiện mức thuế áp dụng với mặt hàng xăng là 4.000 đồng và dầu là 2.000 đồng/lít.
Tháng 4-2020, dịch Covid-19 gây khó khăn cho nền kinh tế, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu. Theo tính toán của Bộ Công Thương, tỉ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, chiếm khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu, trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.
Từ đó đến nay, ngoại trừ việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay vào năm ngoái thì thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, xăng RON 95 và các mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên.
Vân Hằng (ANTD)