Đóng
 

Chủ nhật, 24/11/2024 | 20:19
15:31  |  25/08/2024

Hà Nội đặt mục tiêu thay thế 100% xe buýt chạy dầu diesel sang xe điện, xe năng lượng mới

Trong nỗ lực xanh hóa mạng lưới phương tiện công cộng, TP Hà Nội đang đặt mục tiêu thay thế 100% xe buýt chạy dầu diesel bằng xe buýt điện.  

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh. Theo đó, toàn bộ xe buýt mới từ năm 2025 đều là xe năng lượng xanh; từ năm 2030 có tối thiểu 50% phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh và 100% xe taxi mới đều là xe chạy điện hoặc sử dụng năng lượng xanh. Tới năm 2050, toàn bộ xe buýt và xe taxi là xe điện hoặc sử dụng năng lượng xanh.

Dựa trên mục tiêu này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất 3 phương án, nhằm thực hiện mục tiêu 100% xe buýt tại Hà Nội có thể chuyển đổi thành xe điện từ năm 2040:

- Phương án 1: 100% xe buýt điện, tương đương 2.433 xe sau chuyển đổi

- Phương án 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt chạy LNG (khí hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên nén), tương đương 2.212 xe sau chuyển đổi (gồm 1.592 xe buýt điện và 620 xe chạy LNG/CNG)

- Phương án 3: 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG, tương đương 2.076 xe sau chuyển đổi (gồm 1.100 xe điện và 976 xe chạy LNG/CNG)

Dựa trên đánh giá tình hình thực tế, thành phố đang đề xuất thực hiện phương án 3, sau đó sẽ chuyển sang kịch bản 2 khi điều kiện cho phép và sau năm 2040 sẽ thực hiện chuyển sang phương án 1.

Trước mắt, thành phố đặt mục tiêu tuyến xe buýt trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) sẽ được chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến xe buýt mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện và năng lượng xanh. Ngoài ra, tất cả các xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao sẽ được thay thế.

Đối với các xe buýt còn khấu hao dưới 10 năm từ ngày sản xuất sẽ được sử dụng đến hết khấu hao trước khi chuyển sang xe buýt xanh.

Hiện tại, Hà Nội dành khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xe buýt năng lượng xanh cũng được thành phố chuẩn bị phương án. Hiện nay, hệ thống trạm sạc dành riêng cho xe buýt điện tại Hà Nội vẫn chỉ có 2 trạm, tất cả đều đặt tại vị trí của Vinbus, phục vụ xe của đơn vị này. Trạm của Vinbus có lần lượt 32 và 39 trụ, có công suất từ 120 kWh đến 150 kWh do StarCharge cung cấp.

Xe buýt điện của Vinbus có tối đa 67 chỗ (28 chỗ ngồi và 39 tay nắm cho khách đứng). Mẫu xe này đi được tối đa 260 km với một lần sạc, thời gian sạc đầy khoảng 2 tiếng.

Thái Sơn (Tuoitrethudo)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...