Trận mưa dồn dập kéo dài trong khoảng 2 giờ chiều ngày 29/5 đã khiến hàng chục con phố ở Hà Nội biến thành sông.
Lượng mưa dồn dập kỷ lục trong 2 giờ
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén nên ngày 29/5, nhiệt độ ở Bắc bộ và Trung bộ có xu hướng tăng lên 1-2 độ C.
Do vậy chiều cùng ngày, hiện tượng mưa giông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc bộ sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ.
Lượng mưa đo được từ 13h đến 19h trên địa bàn Hà Nội tại trạm Láng là 140,4mm, Hoài Đức 53mm, Thanh Trì 119,2mm…
Đặc biệt, lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng (quận Đống Đa), lượng mưa từ 14-16h là 138mm. Theo số liệu lịch sử có được, lượng mưa tích lũy trong 2h ngày 18/6/1986 tại trạm khí tượng này đạt 132,5mm. Như vậy, trận mưa chiều 29/5 là một trong những kỷ lục mưa giông được thiết lập ở Hà Nội trong vòng 36 năm qua.
Hàng chục tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đã biến thành sông sau trận mưa dồn dập kỷ lục vào chiều 29/5
Điều đáng nói, trạm Láng chưa phải là nơi có mưa lớn nhất trong chiều 29/5 trên địa bàn Hà Nội.
Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn nhất ghi nhận chiều nay ở Cầu Giấy với cường độ 182,5mm. Hàng loạt các điểm đo khác cũng ghi nhận lượng mưa rất lớn như Tây Hồ (160,5mm), Nam Từ Liêm (130mm), Hoàng Mai (139,6mm), Thanh Xuân (111mm), Thanh Trì (123,8mm), Ba Đình (114,8mm), Hai Bà Trưng (105,1mm)…
Dự báo từ ngay đến ngày 31/5, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén qua khu vực Bắc bộ nên ở khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-120mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; ở khu vực đồng bằng Bắc bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Khó dự báo giông nhiệt
Chiều và đêm nay, 30/5, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên các sông suối thuộc khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu từ 2-4m, hạ lưu từ 1,5-2,0m. Trong đợt lũ này, mực nước trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên mức (báo động) BĐ1 - BĐ2, mực nước đỉnh lũ khu vực hạ lưu các sông chính ở Bắc bộ ở dưới mức BĐ1.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc bộ, Bắc Trung bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Khu vực Hà Nội, từ nay đến ngày 31/5, có lúc có mưa rào và giông; cục bộ có mưa to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo các chuyên gia khí tượng, giông nhiệt thường xuất hiện vào buổi chiều tối trong mùa hè, sau một ngày nắng nóng. Giông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, xuất hiện thời gian ngắn nhưng thường kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng. Vì vậy rất nguy hiểm, đặc biệt là cho những người đang ở ngoài đường thời gian này.
Đáng nói, giông nhiệt chỉ có thể cảnh báo trước một thời gian ngắn do đây là những nhiễu động khí quyển quy mô nhỏ, hình thành nhanh.
Ở nước ta, giông nhiệt thường xuất hiện vào mùa hè, từ tháng 4-10 hàng năm, thời điểm xuất hiện thường vào cuối chiều, sau một ngày nắng nóng gay gắt.
Hạ Quỳnh (ANTĐ)