Đóng
 

Thứ ba, 06/05/2025 | 11:35
16:57  |  06/05/2025

HEV và PHEV tại Việt Nam: Lựa chọn nào thông minh hơn cho người tiêu dùng đô thị?

Trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam dần chuyển mình theo xu hướng thân thiện với môi trường, các dòng xe điện hoá như hybrid thường (HEV) và hybrid sạc ngoài (PHEV) đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. 

Tuy nhiên, giữa hai công nghệ này vẫn tồn tại không ít khác biệt, từ trải nghiệm sử dụng, chi phí vận hành cho tới tính thực tiễn trong điều kiện hạ tầng hiện tại. Vậy đâu mới là lựa chọn phù hợp cho người Việt?

Khái quát công nghệ: Khác biệt nằm ở khả năng sạc điện

Ô tô sử dụng công nghệ hybrid, cơ bản được phân thành 2 loại: không có sạc ngoài (HEV - viết tắt của Hybrid Electric Vehicle) và có sạc ngoài (PHEV - viết tắt của Plug-in Hybrid Electric Vehicle). 

Cả HEV và PHEV đều sử dụng sự kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện. Tuy nhiên, điểm khác biệt then chốt là ở khả năng sạc.

Xe hybrid (HEV) là dòng phương tiện sử dụng đồng thời cả động cơ đốt trong và động cơ điện, nhưng không có khả năng sạc từ nguồn điện bên ngoài. Khi khởi động, xe vận hành chủ yếu bằng mô-tơ điện nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Khi xe đạt đến một tốc độ nhất định, động cơ xăng sẽ bắt đầu hoạt động, cung cấp công suất bổ sung để duy trì tốc độ và mở rộng phạm vi di chuyển so với xe thuần xăng truyền thống.

Điểm đặc biệt của hệ thống hybrid nằm ở khả năng tái tạo năng lượng. Động cơ đốt trong không chỉ đóng vai trò chính trong vận hành mà còn giúp sạc pin cho hệ thống điện. Ngoài ra, mỗi khi người lái đạp phanh, năng lượng từ quá trình hãm được thu hồi và chuyển hóa thành điện năng để nạp lại vào pin. Cơ chế này góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu và hạn chế lượng khí thải phát sinh trong quá trình vận hành.

Tương tự như HEV, xe plug-in hybrid (PHEV) cũng kết hợp giữa động cơ đốt trong và mô-tơ điện. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nằm ở khả năng sạc pin từ nguồn điện bên ngoài và dung lượng pin lớn hơn đáng kể. Nhờ đó, PHEV có thể vận hành hoàn toàn bằng điện trong quãng đường từ 70 -100 km (tùy mẫu xe), đủ đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày trong đô thị mà không cần sử dụng đến xăng.

Khi pin cạn, xe sẽ tự động chuyển sang chế độ động cơ đốt trong như một chiếc xe xăng thông thường, đảm bảo xe không bị giới hạn bởi phạm vi hoạt động như xe điện thuần. Ngoài ra, hệ thống tái tạo năng lượng khi phanh cũng giúp sạc lại pin trong quá trình vận hành, tương tự như HEV.

Việc có thể sạc từ điện lưới giúp người dùng chủ động hơn trong việc tối ưu chi phí sử dụng, PHEV mang lại hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với cả HEV lẫn xe xăng truyền thống.

Vận hành trong thực tế: HEV linh hoạt – PHEV tiết kiệm hơn nếu có sạc

Xét về khả năng tiết kiệm nhiên liệu, xe PHEV vượt trội so với xe HEV nhờ khả năng vận hành hoàn toàn bằng điện trong quãng đường ngắn. Một số mẫu PHEV vừa ra mắt tại Việt Nam, theo công bố từ nhà sản xuất, chỉ tiêu thụ từ 0,52 đến 1,1 lít xăng cho mỗi 100 km – tức tiết kiệm hơn xe hybrid thường (HEV) từ 4 đến 8 lần.

Tuy nhiên, mức tiết kiệm ấn tượng này chỉ đạt được khi người dùng duy trì thói quen sạc pin đầy mỗi ngày. Trong trường hợp không sạc và chỉ vận hành bằng động cơ đốt trong, PHEV có thể trở nên kém hiệu quả hơn cả HEV do phải “gánh” thêm trọng lượng của bộ pin lớn, dẫn đến mức tiêu thụ nhiên liệu tăng lên.

Không giống xe điện thuần (EV), xe PHEV không bắt buộc phải sạc để hoạt động. Người dùng vẫn có thể lái xe bình thường với động cơ xăng, nhưng khi đó PHEV sẽ đánh mất lợi thế lớn nhất của mình là khả năng tiết kiệm chi phí vận hành.

Chi phí đầu tư và bảo dưỡng: PHEV cao hơn - HEV đơn giản hơn

Xét về giá bán, xe PHEV thường có mức giá cao hơn so với HEV do sử dụng bộ pin dung lượng lớn hơn và hệ thống điện phức tạp hơn. Tuy nhiên, để khuyến khích người tiêu dùng tiếp cận công nghệ mới, một số hãng xe đang áp dụng chính sách ưu đãi giá bán và tặng kèm bộ sạc tại nhà cho khách hàng mua xe PHEV.

Về chi phí bảo dưỡng, xe hybrid thường (HEV) không khác biệt quá nhiều so với xe xăng truyền thống, có thể bảo trì tại nhiều garage phổ thông. Trong khi đó, xe PHEV đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và kỹ thuật viên được đào tạo riêng, đặc biệt với các hạng mục liên quan đến hệ thống điện áp cao. Dẫu vậy, nếu người dùng tuân thủ bảo dưỡng định kỳ tại các đại lý chính hãng, cả HEV và PHEV đều mang lại chi phí sử dụng ổn định và ít phát sinh rủi ro trong giai đoạn 5 -7 năm đầu vận hành.

Tuổi thọ pin: Cả hai đều an toàn nếu dùng đúng cách

Một điểm người tiêu dùng Việt hay lo ngại là độ bền và chi phí thay pin. Trên thực tế, pin HEV và PHEV đều sử dụng công nghệ lithium-ion hoặc nickel-metal hydride với tuổi thọ hơn chục năm. Hầu hết các hãng đều bảo hành pin từ 5 đến 8 năm, thậm chí có hãng bảo hành không giới hạn km.

Tuy nhiên, pin PHEV có dung lượng lớn hơn nên chi phí thay thế cũng cao hơn, dao động từ 70 đến 120 triệu đồng nếu hết bảo hành. Điều này khiến việc sạc đúng cách và kiểm tra định kỳ trở thành yếu tố quan trọng trong việc giữ xe hoạt động ổn định lâu dài.

Ai nên chọn HEV, ai nên chọn PHEV?

Thực tế, xe HEV phù hợp với người sử dụng phổ thông, không có điều kiện sạc điện, muốn tiết kiệm xăng nhưng vẫn ưu tiên sự đơn giản và tiện dụng. 

Trong khi đó, xe PHEV lý tưởng cho người sống có chỗ sạc tại nhà hoặc cơ quan, muốn tận dụng chế độ điện để tiết kiệm nhiên liệu cũng như bảo vệ môi trường. 

Trong bối cảnh hạ tầng sạc tại Việt Nam chưa thực sự đồng bộ, cả HEV và PHEV đều đóng vai trò là “cầu nối” quan trọng giữa xe xăng truyền thống và xe điện hoàn toàn. HEV mang lại sự tiện lợi, còn PHEV mang lại tiềm năng tiết kiệm và trải nghiệm mới mẻ hơn, với điều kiện người dùng sẵn sàng thay đổi thói quen sạc pin hàng ngày.

Cuối cùng, lựa chọn loại xe nào không chỉ là quyết định về công nghệ, mà còn phản ánh lối sống, thói quen di chuyển và tầm nhìn dài hạn của từng người tiêu dùng.

TH (Tuoitrethudo)

Tags: Hybrid   PHEV   HEV   nên chọn xe HEV hay PHEV