Đóng
 

Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:18
09:21  |  25/11/2019

Khống chế những "ma men" lái xe trên đường phố

Ghi dấu ấn tích cực trong nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, các tổ công tác đặc biệt 141 của CATP Hà Nội được xem như “khắc tinh” trên đường phố của những tên tội phạm. Bởi thế, các đối tượng lưu manh, ngổ ngáo khi vào tới chốt 141 đều tỏ thái độ rất ngoan ngoãn, chấp hành. Tuy nhiên, hiện vẫn có một bộ phận các đối tượng vi phạm thể hiện sự manh động khi bị cảnh sát 141 ra hiệu lệnh dừng xe. Những kẻ này là ai?

Những thái độ… xấu xí

Cách đây nhiều năm, trong giai đoạn đầu triển khai mô hình 141, một số đối tượng ngổ ngáo đã tỏ thái độ không chấp hành, đôi khi là thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Sau khi giải thích rõ về chức năng, nhiệm vụ, nếu các đối tượng vẫn tiếp tục có thái độ bất tuân hiệu lệnh, các cán bộ 141 sẽ tiến hành khống chế, trấn áp nghiêm để xử lý. Vì thế, theo thời gian, tình trạng các đối tượng có thái độ chống đối cảnh sát 141 đã giảm hoàn toàn.

Tuy nhiên, sau một thời gian sát cánh với các tổ công tác đặc biệt 141, phóng viên Báo ANTĐ nhận thấy vẫn đang tồn tại một bộ phận người vi phạm thể hiện thái độ “rất xấu xí” khi cảnh sát 141 yêu cầu phối hợp làm việc. Đó thường là những thời điểm sau các... cuộc nhậu “tới bến”. 

Không đội mũ bảo hiểm,  điều khiển phương tiện loạng choạng và rất khó khăn trong việc đưa xe vào vị trí theo yêu cầu của cảnh sát, những lái xe kiểu này bước xuống khiến người đối diện cảm thấy ngột ngạt vì hơi men nồng nặc. 

Khác với những người bình thường, các lái xe say rượu luôn tỏ ra “bất cần”, thậm chí thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Họ có thể lập tức rút điện thoại ra gọi để khoe quan hệ, chất vấn cảnh sát “ai cho phép các anh dừng xe của tôi”, la lối đòi kiểm tra thẻ ngành, kiểm tra chuyên đề công tác, tên tuổi của cán bộ… Do không có khả năng kiểm soát hành vi nên những người này ngay cả khi đã được cảnh sát 141 giải thích cặn kẽ thì họ vẫn tiếp tục… sinh sự.

Không ít lái xe tìm cách "né" thổi nồng độ cồn, với suy nghĩ rằng "làm như vậy thì công an không có cơ sở xử phạt". Nhưng họ hoàn toàn sai!

Không ít trường hợp còn tỏ thái độ theo kiểu “Chí Phèo” như lăn ra đất ăn vạ, lu loa vu khống hay giả vờ bất tỉnh khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Có người thì lẳng lặng bỏ đi, để xe lại và quyết không thổi vào máy kiểm tra. Những người này tự lý luận rằng, khi họ không chịu cho cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ không có căn cứ để xử phạt. Song, họ không biết rằng, mọi hành vi bất tuân yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ như vậy đều sẽ bị ghi nhận lại và xử lý nghiêm.

Theo quy định hiện hành, chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn  chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì lái xe ô tô sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Hình phạt tăng dần tương ứng với nồng độ cồn đo được, trong đó, mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 4-6 tháng khi lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. 

Đối với lái xe máy, mức phạt từ 1-2 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng được áp dụng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/1 lít khí thở. Mức phạt này tăng lên 3-4 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

Những mức phạt trên đều rất nghiêm khắc, song với không ít đối tượng, họ vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục hành vi xấu xí: Uống rượu - lái xe - cãi cùn với cảnh sát khi bị xử lý.

Những vụ xử lý “ma men” khó quên

Một lái xe say rượu có thái độ, lời nói 'xấu xí' tại chốt 141

Sau hàng loạt vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc lái xe ô tô uống rượu/bia, dư luận đã lên án mạnh mẽ hành vi “uống vô trách nhiệm” của những người cầm lái. Với đặc thù làm nhiệm vụ tại các khu vực ngã tư, đường lớn có đông phương tiện qua lại, các tổ công tác 141 đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp lái xe say rượu.

Gần đây nhất, vào chiều 13-11-2019, lái xe ô tô mang BKS: 30E-834.86 đã va chạm với một số phương tiện lưu thông trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi gây tai nạn, lái xe này không dừng lại mà tiếp tục điều khiển ô tô bỏ chạy. Trung tâm thông tin chỉ huy của CATP Hà Nội đã đề nghị các lực lượng theo sát chiếc xe ô tô nói trên, tìm thời cơ chặn dừng hợp lý. 

Lái xe ô tô tỏ ra rất manh động, khi lao thẳng qua các chốt CSGT trên đường di chuyển, dù cảnh sát đã ra hiệu lệnh buộc dừng xe. Tới 16h45, chiếc xe đi tới đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng). Lúc này, tổ công tác Y4/141 do Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT) làm tổ trưởng đã bố trí đội hình chặn giữ thành công chiếc xe ô tô gây tai nạn.

Dù đã phải dừng lại, đối tượng cầm lái vẫn tỏ ra không hợp tác, không chịu mở cửa xe, buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải dùng biện pháp nghiệp vụ để khống chế. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, lái xe có nồng độ cồn lên tới 1,165 mg/lít khí thở, tức là cao gấp gần 4 lần so với mức “kịch khung” 0,4 mg/lít trong luật. Nếu không có sự ngăn chặn, can thiệp kịp thời của cảnh sát 141, sự việc trên có thể trở nên nghiêm trọng hơn nữa khi lái xe gần như mất kiểm soát trong việc điều khiển phương tiện trên những con phố đông người.

Phải dùng biện pháp nghiệp vụ với sự kiên quyết, dũng cảm, tổ công tác Y4/141 mới có thể chặn dừng lái xe ô tô uống rượu say, gây tai nạn hàng loạt rồi bỏ chạy

Trước đó, tổ công tác Y2/141 cũng xử lý một trường hợp liên quan tới người lái xe máy có nồng độ cồn ở mức cao. Khi bị dừng xe, người đàn ông trung niên đã lớn tiếng cự cãi, bất chấp việc cảnh sát giải thích chi tiết. Lúc được nhắc nhở, người này liên tục đòi tổ công tác phải... phạt đầy đủ, nếu không sẽ kiện. Tuy nhiên, sau khi bị lập biên bản về hành vi điều khiển xe máy khi nồng độ cồn trong máu ở mức cao (phạt gần 4 triệu đồng), thì người này lại quay ra tìm mọi cách... xin bỏ qua, nhưng không được chấp nhận.

Để chặn dừng những lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể là điều không hề dễ dàng. Trong trạng thái mất kiểm soát, các đối tượng này hoàn toàn có thể bất tuân hiệu lệnh và lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ. Do vậy, cảnh sát 141 luôn phải nêu cao tinh thần chủ động, dũng cảm và bố trí đội hình hợp lý, để tránh rủi ro. Nhờ có sự nhập cuộc quyết liệt của các tổ 141, nhiều cung đường tại Thủ đô đã thực sự bình yên.

Để chặn dừng những lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể là điều không hề dễ dàng. Trong trạng thái mất kiểm soát, các đối tượng này hoàn toàn có thể bất tuân hiệu lệnh và lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ. Do vậy, cảnh sát 141 luôn phải nêu cao tinh thần chủ động, dũng cảm và bố trí đội hình hợp lý, để tránh rủi ro. Nhờ có sự nhập cuộc quyết liệt của các tổ 141, nhiều cung đường tại Thủ đô đã thực sự bình yên.

Nguyễn Trung Hiếu (ANTĐ)

Tags: an toàn giao thông   ANTĐ   Ma men  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...