Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:39
11:22  |  20/07/2020

Không để nguội Nghị định 100: Ngăn chặn hiểm họa giao thông chực chờ vì bia, rượu

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, gần 3.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bị lực lượng CSGT Hà Nội xử phạt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng CSGT Thủ đô chưa khi nào hài lòng về con số trên, bởi trên thực tế, vi phạm này vẫn còn rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường về an toàn giao thông.

Nhiều vi phạm liên quan đến nồng độ cồn

Phòng CSGT - CATP Hà Nội vừa triển khai tổng kết 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2020. Trong buổi họp đó, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội bày tỏ sự sốt ruột với các đơn vị quản lý địa bàn, các đội CSGT Công an quận, huyện và thị xã trong công tác kiềm chế, làm giảm sâu tai nạn giao thông.

Một trong những vấn đề được người đứng đầu lực lượng CSGT tập trung dành nhiều thời gian trao đổi, chỉ đạo và quán triệt đến các đơn vị, đó là công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. Chuyên đề xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn được ưu tiên đặc biệt.

Báo cáo của Cục CSGT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã lập biên bản xử lý 1.835.483 trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền: hơn 1.617 tỷ đồng; tước 150.931 giấy phép lái xe (GPLX), bằng chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 304.955 phương tiện.

Trên đường bộ xử lý 1.757.988 trường hợp; phạt tiền: 1.537 tỷ 461 triệu đồng; tước GPLX 150.744 trường hợp; tạm giữ 304.644 phương tiện. Trong đó có 86.044 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 563 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; 18.617 trường hợp quá tải; 177.569 trường hợp chạy quá tốc độ; 304.213 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

Góp phần vào thành tích, kết quả đảm bảo TTATGT của Cục CSGT là lực lượng CSGT Thủ đô. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, CSGT đã phát hiện và xử lý gần 3.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Đây là con số rất lớn, đứng đầu lực lượng CSGT các tỉnh, địa phương về xử lý lỗi vi phạm này. Mặc dù vậy, trước tình hình thực tế, Ban chỉ huy Phòng CSGT vẫn chưa hài lòng, bởi những dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn vẫn cao, kết quả này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vi phạm.

Đánh giá xuyên suốt trong 6 tháng đầu năm về công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT Thủ đô cho thấy, kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn có thể chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là khi Luật phòng chống tác hại rượu bia cũng như Nghị định 100/CP có hiệu lực. Chưa khi nào công tác kiểm tra xử lý đối với vi phạm nồng độ cồn lại được lực lượng CSGT Thủ đô, cũng như cả nước đẩy mạnh quyết liệt như vậy. Với mức xử phạt cao, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người lái xe đối với việc sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện.

“Chìa khóa” xoay chuyển ý thức

Nghị định 100/CP được lực lượng CSGT trên cả nước thực hiện vào trước thời điểm Tết Nguyên đán 2020, có tác dụng cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với các lái xe, người dân. Từ thành thị cho đến nông thôn, ý thức của lái xe đối với việc uống rượu đã thay đổi rõ rệt. Tâm lý nài ép rượu mỗi khi gia đình, dòng họ, cơ quan, công ty hay cá nhân gặp nhau đã thay đổi.

Hơn ai hết, không chỉ lo bản thân bị xử phạt nặng, mà nhận thức về những nguy hiểm, hiểm họa chực chờ từ bia, rượu của người dân cũng đã được nâng lên. Những chuyển biến này đã giúp công tác đảm bảo TTATGT trong dịp Tết của CSGT cả nước cũng như Thủ đô đạt được rất nhiều kết quả. TNGT liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm rõ rệt.

Đến giai đoạn thứ 2 cũng trùng với khoảng thời gian dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số những nước phải chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở tập trung nguồn lực thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ về “chống dịch như chống giặc”.

Mặc dù vậy, lực lượng CSGT cả nước và Thủ đô vẫn tiếp tục duy trì và triển khai kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, hiệu suất xử lý cũng như cường độ kiểm tra của lực lượng CSGT trong giai đoạn này rất hạn chế. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được và chia sẻ bởi giãn cách xã hội cũng như những lo lắng liên quan đến dịch bệnh và cả thói quen của người dân cũng thay đổi.

Sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, các hàng quán được mở cửa trở lại hoạt động bình thường. Cục CSGT đã triển khai kế hoạch Tổng kiểm tra kiểm soát phương tiện và tập trung xử lý nghiêm đối với tất cả những lỗi vi phạm, trong đó nhấn mạnh đến vi phạm nồng độ cồn, ma túy của lái xe. Kết quả của 1 tháng triển khai tổng kiểm tra đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn lái xe vi phạm; trong đó có rất nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Điều đó cũng có nghĩa hàng chục nghìn vụ TNGT từ nguyên nhân này đã được CSGT kịp thời ngăn chặn.

Thông tin với phóng viên, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, CATPHà Nội cho biết: Việc thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ phải được lực lượng CSGTThủ đô triển khai quyết liệt, có hiệu quả và lâu dài. Mặc dù số lái xe vi phạm về bia, rượu đã bị CSGT xử lý nghiêm, chiếm tỷ lệ khá lớn, song kết quả này cũng không khiến Ban chỉ huy Phòng CSGT Hà Nội hài lòng.

“Trên thực tế số vi phạm bia rượu hiện nay đang ở mức khá cao. Nếu CSGT không tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý thì những nguy cơ về mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn hàng ngày rình rập người tham gia giao thông. Không để “nguội” đi việc thực hiện Nghị định 100/CP. Công tác kiểm tra, xử lý phải được triển khai thường xuyên, liên tục, hiệu quả”- Đại tá Dương Đức Hải khẳng định.

Đánh giá tình hình TTATGT trong 6 tháng cuối năm 2020, Ban chỉ huy Phòng CSGT khẳng định: Còn rất nhiều việc phải làm. Đơn vị chủ động nắm tình hình, tham mưu, đề xuất triển khai các biện pháp, kế hoạch giải quyết kịp thời mọi vấn đề phức tạp liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của Thủ đô và cả nước.

Cùng với việc đẩy mạnh kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, Phòng CSGT tổ chức triển khai nghiêm túc những Thông tư, hướng dẫn của Bộ Công an liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông. “Chúng tôi tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm theo các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm; tập trung vào các hành vi vi phạm dẫn đến ùn tắc và TNGT như: Vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, dừng đỗ sai quy định, vi phạm tốc độ, vi phạm về mũ bảo hiểm...” - Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT cho biết.

Hoàng Phong (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...