Đóng
 

Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:10
10:55  |  30/01/2020

Người dân ùn ùn trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày đã kết thúc, từ chiều mùng 4 tết, nhiều người dân đã tranh thủ trở về Thủ đô khiến một số tuyến đường cửa ngõ như cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ tắc cứng đến 21h mới được cải thiện.​

Nhà xe lại tranh thủ "chặt chém, nhồi nhét"

Chiều mùng 5 Tết, tức 29/1, tình trạng đông đúc, ùn ứ lại tiếp diễn trên một số tuyến đường có lưu lượng cao như Pháp Vân- Cầu Giẽ, QL1B đoạn qua Thường Tín, đường Phạm Hùng khu vực qua bến xe Mỹ Đình… dù lực lượng chức năng đã bố trí lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông.

Ghi nhận cho thấy, sáng mùng 5 Tết đường  vẫn còn khá thông thoáng, nhưng từ nửa chiều cùng ngày, đường sá bắt đầu đông đúc dần, và từ khoảng 16h, lượng phương tiện đổ về ngày một đông.

Một số tuyến đường cửa ngõ như Giải Phóng, QL1 qua Thanh Trì, cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đã ùn ứ khá nghiêm trọng. Dự báo, tình hình ùn tắc sẽ còn kéo dài đến tối muộn cùng ngày.  

Còn tại các bến xe, lượng khách đổ về bến cuối giờ chiều ngày một đông, người dân lỉnh kỉnh với đủ đồ đạc. 

Hầu hết hành khách đều phản ánh bị nhồi nhét và chặt chém vé xe so với ngày thường. Anh Đặng Đức Dũng ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết, mặc dù bắt xe lên Hà Nội từ đầu giờ chiều mùng 5 Tết nhưng dọc đường nhà xe liên tục dừng lại đón khách, nhồi nhét đến khi trên xe không thể nhét thêm mới dừng.

Đường Giải Phóng có lưu lượng phương tiện ngày một đông đúc

“Ngày thường, giá vé xe Giáp Bát- Ninh Bình chỉ có 70.000 đồng/lượt, nhưng chiều nay, nhà xe thu đồng giá 100.000 đồng/lượt. Ngay cả những hành khách lên xe từ Phủ Lý về Giáp Bát cũng bị thu 100.000 đồng/lượt”- anh Dũng cho hay.

Tại các bến xe, người dân trở về Thủ đô với lỉnh kỉnh đồ đạc

Xử lý gần 3.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 toàn quốc xảy ra 198 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí giảm 24 vụ (10,8%), giảm 07 người chết (5%), giảm 38 người bị thương (17,9%). Cụ thể: 

Các địa phương có số người chết giảm nhiều Sóc Trăng (giảm 6 người chết), Kiên Giang (giảm 5 người chết), Bắc Giang (giảm 4 người chết), Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau mỗi nơi giảm 3 người chết.

Còn các địa phương có số người chết tăng cao: Bến Tre tăng 5 người chết, Tây Ninh tăng 3 người chết, Đồng Nai, Phú Thọ, Tiền Giang mỗi nơi tăng 2 người chết.  

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, nguyên nhân gây TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý gồm do lái xe vi phạm nồng độ cồn 4 vụ (2%); vi phạm phần đường 18,4%; vi phạm tốc độ 6,8%; còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT, Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, xử lý 19.933 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 tỷ đồng, tạm giữ 179 ô tô, 2.651 mô tô, tước 2.688 giấy phép lái xe; so với cùng kỳ Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số vi phạm xử lý giảm 1.947 trường hợp, tiền phạt tăng 6,6 tỷ đồng (tăng 52%). 

Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn, tổng số kiểm tra là 35.822 trường hợp, đã phát hiện xử lý 3.194 trường hợp (chiếm 8,9%). Một số địa phương kết quả xử lý vi phạm cao như Đắk Lắk 297 trường hợp, Thanh Hóa 238, Cà Mau 201, Bắc Giang 189, Trà Vinh 146, Đồng Nai 144, Bình Định 120, Lâm Đồng 115. Riêng Hà Nội 87 và TP.HCM 35.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia đã giảm đáng kể so với tết những năm trước, với tổng số hơn 12 trường hợp.

Hải Dương (ANTĐ)