Đóng
 

 

Thứ năm, 28/03/2024 | 14:52
10:07  |  11/01/2022

Người vi phạm giao thông không được bảo quản xe khi nào?

Nghị định 138/2021/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính nêu rõ, từ đầu tháng 1-2022 có tới 5 trường hợp không giao xe cho người vi phạm bảo quản.

Nghị định 138/2021 đã bổ sung quy định về các trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, gồm:

Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;

Không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy;

Phương tiện giao thông vi phạm mà theo quy định sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.

Mọi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, chỉ giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức vi phạm bảo quản khi có đủ các điều kiện:

Cá nhân vi phạm có nơi thường trú hoặc có nơi tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.

Nghị định cũng nêu rõ về nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Theo đó, tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn; bảo đảm tính nguyên vẹn.

Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Đặc biệt, Nghị định còn nghiêm cấm chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế, sử dụng trái pháp luật tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và các hành vi trục lợi khác.

Nghiêm cấm việc vi phạm quy định về niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; mang tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ ra khỏi nơi tạm giữ mà không được phép của cấp có thẩm quyền; Làm mất, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

L.H (ANTĐ)