Trong một bài viết được đăng tải vào ngày 21/12, Reuters đã gọi bà Lê Thị Thu Thuỷ - CEO VinFast toàn cầu, là "người thách thức" Elon Musk và đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của thương hiệu xe điện đến từ Việt Nam.
Con tàu Silver Queen chở 999 chiếc xe điện VF 8, VinFast mở hơn 50 cửa hàng tại châu Âu hay VinFast công bố 5 mẫu xe điện hoàn toàn mới tại Triển lãm CES 2022 và hàng loạt sự kiện khác đã khiến giới truyền thông thế giới tốn không ít giấy mực để viết về thương hiệu xe đến từ Việt Nam. Là một thương hiệu non trẻ với chỉ 5 năm xuất hiện trên thị trường, những gì mà VinFast đã đạt được là một kết quả phi thường. Người quan trọng đứng sau thành công đó của hãng xe Việt là CEO Lê Thị Thu Thủy.
"VinFast đã thành danh với việc bán xe chạy xăng tại Việt Nam, nơi công ty mẹ Vingroup là tập đoàn hàng đầu. Giờ đây, bà Thủy đang đi theo một hướng hoàn toàn mới bằng cách chuyển thương hiệu VinFast thành nhà sản xuất ô tô chạy điện hoàn toàn và đưa thương hiệu của mình ra toàn cầu", Reuters giới thiệu về thương hiệu VinFast Việt Nam và bà Lê Thị Thu Thuỷ trong bài báo đăng tải hôm 21/12.
Trong vòng một năm, bà Thủy lên kế hoạch mở 70 showroom trên khắp các nước gồm Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu để bán những chiếc xe thể thao đa dụng như VF 9, có giá 76.000 USD (khoảng 1,8 tỷ VNĐ), cao hơn khoảng 15% so với Model Y của Tesla.
Nhằm nhanh chóng đưa các mẫu xe VinFast tới tay người tiêu dùng quốc tế, hãng xe đã bắt tay với các nhà cung ứng danh tiếng trên thế giới để hoàn thiện các sản phẩm của mình, như nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology và công ty sản xuất thiết bị điện Aptiv.
VinFast cũng đã thực hiện một nước đi táo bạo là xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ với mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD (hơn 48 nghìn tỷ VNĐ) (trong giai đoạn 1). Nhà máy trên dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2024 với công suất đạt 150.000 xe mỗi năm. Sau Mỹ, VinFast cho biết đang tiếp tục tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại châu Âu nhằm cung ứng sản phẩm trực tiếp cho thị trường quốc tế.
VinFast cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ với mục tiêu huy động được ít nhất 1 tỷ USD (hơn 48 nghìn tỷ VNĐ) để phục vụ cho các kế hoạch mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, để IPO thành công, bà Thủy cần phải thuyết phục các nhà đầu tư lạc quan về tình hình tài chính ảm đạm của cả VinFast lẫn công ty mẹ là tập đoàn Vingroup. Nếu thành công, việc niêm yết của VinFast sẽ mang đến cơ hội hiếm có để khai thác nền kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,2% vào năm 2023. Điều này cũng có nghĩa là bà Thuỷ có thể tận dụng chiếc "chìa khoá" này để thúc đẩy nỗ lực tại thị trường nước ngoài.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)