Đây cũng không phải là một giấc mơ xa vời, Singapore đang lên kế hoạch phát triển cảng hàng không phục vụ mô hình taxi bay.
Đi vào hoạt động từ năm 1928, Seletar là cảng hàng không quốc tế đầu tiên của Singapore. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của sân bay Changi, Seletar dần mất đi vị thế số một tại quốc gia này. Hiện tại, sân bay Seletar chủ yếu được dùng làm nơi hạ cánh cho máy bay tư nhân của giới nhà giàu.
Mới đây, Singapore đã ký 2 biên bản ghi nhớ với các startup Skyports Ltd. và Volocopter GmbH với kỳ vọng có thể chuyển đổi Seletar thành trạm taxi bay (vertiport).
Mối quan tâm gần đây về eVTOL (tức "phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện") đã trở nên rất lớn. Loại phương tiện này đã thu hút sự chú ý đặc biệt tại Triển lãm Hàng không Singapore. Tháng 2 năm nay, Tony Fernandes, CEO của AirAsia, đặt thuê ít nhất 100 chiếc eVTOL từ công ty Vertical Aerospace. Các hãng hàng không tại Mỹ và Anh là American Airlines cùng Virgin Atlantic Airways cũng đã đặt thuê eVTOL.
Nhưng taxi bay có một rào cản lớn và quan trọng cần phải giải quyết. Các cơ quan quản lý hiện đang kiểm tra mức độ an toàn của eVTOL trước khi bật đèn xanh cho việc khai thác hoạt động thương mại của loại phương tiện này.
Các công ty sản xuất eVTOL như Volocopter cho rằng việc áp dụng việc áp dụng loại phương tiện này chỉ là vấn đề thời gian. Ông Christian Bauer, giám đốc thương mại của Volocopter, cho biết giá vé eVTOL ban đầu bằng khoảng 40% giá vé trực thăng. Trong vòng 5-6 năm tới, phí sử dụng sẽ giảm xuống bằng giá cước của một chiếc taxi cao cấp.
Ngành dịch vụ taxi bay sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho Singapore. Volocopter dự đoán sân bay Etvol Seletar sẽ đem về doanh thu lên đến hơn 4 tỷ USD và khoảng 1.300 việc làm khi đi vào hoạt động từ năm 2030.
Các cổ đông của Volocopter bao gồm nhà sản xuất ôtô Trung Quốc Zhejiang Geely Holding Group Co., công ty hậu cần Đức DB Schenker và đơn vị đầu tư mạo hiểm của nhà sản xuất chip Intel Corp. Trong khi đó, Skyports được hỗ trợ bởi tập đoàn Kanematsu của Nhật Bản, tập đoàn Goodman của Úc và công ty vận tải DHL eCommerce.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Tham khảo: Straitstimes