Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Để có xe đẹp du xuân, hiện nhiều chủ xe đã đưa xe tới các điểm bảo hành, cửa hàng ô tô để tân trang, sửa chữa. Song nếu không thận trọng, khách hàng sẽ bị mất tiền oan.
Ngay sau Tết Dương lịch, nhiều gara sửa chữa ô tô tại Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp với các dịch vụ tân trang, bảo dưỡng xe. Lượng khách hàng đặt lịch tút tát, sơn đổi màu xe đã tăng lên khá nhanh so với ngày thường nên các trung tâm chăm sóc ôtô phải hoạt động hết công suất.
Thông thường, việc sơn lại toàn bộ xe sẽ mất từ 3-7 ngày, làm lại phần trầy xước mất khoảng một, hai ngày. Bên cạnh tân trang bên ngoài, dịch vụ làm đẹp nội thất (phục hồi, bọc lại ghế da), lắp ráp thêm các thiết bị âm thanh, điện tử trên xe cũng được nhiều khách hàng lựa chọn với chủng loại, giá cả dịch vụ khá đa dạng.
Anh Nguyễn Đức Trung, chủ một gara ô tô trên đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, không ít khách đi làm bảo dưỡng, bảo hành xe vào dịp cuối năm đã bị “móc túi” do “sập bẫy” một số chiêu trò mà các cơ sở chăm sóc bảo dưỡng, các garage đưa ra.
Thông thường, khi khách đem xe ra xưởng dịch vụ, các nhân viên thường tư vấn cho khách hàng thay thế các phụ kiện mới, trong khi chúng vẫn ở trong điều kiện hoạt động tốt.
Các loại phụ kiện thường được thay thế như vành, lốp, phanh, IC, bóng đèn halogen, xi nhan, còi, phuộc, ắc quy... Một số kỹ thuật viên, tư vấn viên còn cố tình tư vấn sai, “dụ” khách lắp, độ thêm các loại phụ kiện, phụ tùng không cần thiết.
Bên cạnh đó, tình trạng xe bị "luộc" đồ hoặc thay hàng nhái, hàng dởm xảy ra khá phổ biến. Những loại phụ tùng bị đánh tráo nhiều nhất là kính chiếu hậu, mâm lốp, lốp sơ cua, dàn lạnh... Chúng được thay thế bởi hàng kém chất lượng, hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, nên chất lượng không đảm bảo, dễ hư hỏng sau thời gian ngắn sử dụng.
Với dịch vụ sơn xe, vào dịp cuối năm, nhiều khách hàng có nhu cầu sơn lại xe (một phần hoặc toàn bộ). So với giá trong hãng, giá sơn xe tại các gara, trung tâm chăm sóc xe thường rẻ hơn khoảng 30 - 40%, song chất lượng khá phập phù.
Cũng theo anh Trung, để tránh bị “chặt chém”, các chủ xe không nên ồ ạt đưa xe ô tô đi bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa, tâm trang vào dịp cuối năm vì khó đạt chất lượng như ngày thường do các xưởng làm dịch vụ rất đông khách dễ dẫn tới làm ẩu, làm bừa, ăn bớt công đoạn. Chưa nói đến việc một số cửa hàng còn thuê những thợ tay nghề kém làm theo thời vụ.
Trong trường hợp cực chẳng đã, khách hàng nên lựa chọn những địa chỉ có uy tín, không nên nghe theo quảng cáo, khuyến mại, ham rẻ mà rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Khi mua phụ kiện mới hay quyết định “độ” xe, người mua cần tìm hiểu kỹ càng về chất lượng của những loại phụ kiện, tìm hiểu xem chúng xem xét có thuộc các bộ phận nằm trong nhóm bị từ chối đăng kiểm hay không và không tùy tiện độ các bộ phận liên quan đến hệ thống vận hành và điện trên xe..., anh Trung khuyến cáo.
H.Linh (Anninhthudo)